Nhờ nói tiếng Anh, đánh giày "chặt chém" khách tây

Thế Long |

Các đối tượng sẵn sàng lăn xả vào khách nước ngoài “chộp” lấy giày dép để đánh rồi "chặt chém" họ lấy số tiền từ 100 nghìn đồng trở lên.

Ngày 12/9, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết đã triệu tập Phạm Văn Chung, sinh năm 1983, quê ở Quảng Hải, Quảng Xương, Thanh Hóa và Phạm Văn Quỳnh, sinh năm 1987, quê ở Hùng Cường, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Cả hai đối tượng trên chính là những “nhân vật” xuất hiện trong clip mà một tờ báo điện tử ghi nhận lại có hành vi “chặt chém” khi đánh giầy hoặc sửa giày cho khách du lịch người nước ngoài.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu hai thanh niên trên đã thừa nhận hành vi và có sự xuất hiện trong clip như báo chí phản ánh.

Về giá cả “chặt chém” đối với khách nước ngoài, cả hai đều cho biết đã thu từ trên 100 nghìn, nếu thấy khách nào dễ tính thì chủ động chèo kéo thêm tiền công...

Đối tượng Chung (phải) và Quỳnh tại cơ quan công an
Đối tượng Chung (phải) và Quỳnh tại cơ quan công an

Theo lời khai của Chung, hàng ngày đối tượng ở quê làm nghề đánh bắt cá. Do phải đưa con đi khám bệnh ở Hà Nội nên đã làm thêm nghề đánh giày.

Trong một vài lần đi đánh giày ở khu phố cổ để kiếm tiền, cùng với lợi thế biết nói tiếng Anh “bồi” khá lưu loát, Chung thường xuyên tiếp xúc khách nước ngoài để mời chào, chèo kéo đánh giầy.

“Mỗi khách hàng em thường lấy từ trên 100 nghìn nhưng biết nói tiếng Anh, em kể về hoàn cảnh thì khách thương tình và cho thêm”.

Chung khẳng định việc làm trên không thường xuyên xuất hiện, mà sau những ngày đầu (cách đây 3 tháng) Chung làm ăn “chộp giật” rồi lại về quê với vợ con.

Còn đối với Quỳnh, bản thân là một thanh niên lang thang từ nhỏ và hành nghề đánh giày cùng với khả năng sửa chữa giày dép rất giỏi. Khác với các thanh niên đồng nghiệp, Quỳnh chọn địa điểm khu vực phố cổ nhằm đến khách du lịch người nước ngoài.

Theo Quỳnh, mỗi lần đánh giày, sẽ thu của khách từ 100 nghìn trở lên, nếu thấy giày dép của khách bị hỏng, Quỳnh sẽ chủ động cò kéo hoặc tự động sửa chữa, xong thì sẽ thu của khách từ 100 nghìn đến vài trăm nghìn đồng tùy vào thái độ của khách lúc thanh toán.

Đại diện Công an quận Hoàn Kiếm khẳng định, hai đối tượng trên chỉ là những người làm ăn theo kiểu “chộp giật” chúng hoạt động hoàn toàn đơn lẻ và không có liên quan đến nhau.

Bản thân các đối tượng này từng bị cơ quan công an xử lý nhiều lần về hành vi chèo kéo, đeo bám người nước ngoài.

Trao đổi với PV, Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng công an quận Hoàn Kiếm cho biết, đây là hành vi nhức nhối, gây ảnh hưởng rất lớn đối với văn hóa Thủ đô. Đặc biệt đã gây nhức nhối trong dư luận và hoang mang cho khách du lịch....

“Việc trấn áp, ngăn chặn các hành vi cò kéo, gây phản cảm của các đối tượng đánh giày, lang thang đã được quận thực hiện từ tháng 7/2015.

Nhiều đối tượng đã bị đưa về cơ quan công an để giáo dục, thậm chí có trường hợp đã bị xử phạt... Chúng tôi quyết làm việc này triệt để....”, Đại tá Hùng nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại