Con tâm thần, thản nhiên chém bố
Việc ông Nguyễn Văn Thược bị người con đẻ có tiền sử mắc bệnh tâm thần dã man chém “nát mặt” đã khiến cả khu phố xôn xao. Thời điểm xảy ra sự việc lại vào đúng đêm mưa bão khiến mọi người trong gia đình không kịp trở tay.
Bà Dương Thị Mùi kể lại: “Khoảng 3g sáng 27/7, khi ông Thược tỉnh dậy thì trông thấy Luân vẫn chưa ngủ, do sẵn bực bội vì trước đó hai bố con cãi cọ nhau nên ông đã mắng con mấy câu rồi vào trong buồng ngủ tiếp.
Bị mắng, Luân rất tức giận, một lúc sau Luân lao vào buồng, sau đó tôi chỉ nghe thấy tiếng kêu ú ớ mấy câu của bố nó. Biết có chuyện chẳng lành tôi liền chạy vào thì thấy Luân đang vung dao chém liên tiếp nhiều nhát vào mặt ông Thược.
Tôi vội đẩy nó ra thì bị nó chém một nhát khá sâu vào tay phải của tôi. Xong rồi nó thản nhiên ra ngoài hiên ngồi hóng mát. Lúc đó ông ấy chỉ nói được một câu rằng: “Mày là thằng yêu quái của cái nhà này!” rồi ra đi vĩnh viễn”.
Chứng kiến sự việc, bà Mùi hoảng hốt chạy sang nhà anh Nguyễn Văn Lữ, anh trai của Luân ở ngay sát đó kêu cứu. Thấy vậy, Luân còn đe dọa: “Mày sang đây ông chém nốt” Anh Lữ sợ quá chạy sang nhà bác ruột của mình để thông báo, nhưng khi người bác tới nơi thì ông Thược đã tử vong.
Nhận được tin báo từ người dân, lực lượng công an đã có mặt tại hiện trường, phong tỏa và khám nghiệm pháp y. Khi cơ quan chức năng tới nơi thì gặp Luân đang ngồi ngoài hiên rất “lễ phép” chào mời từng người. Để tránh đối tượng gây nguy hiểm cho những người khác, ngay trong đêm Luân đã bị cơ quan công an tạm giữ để phục vụ công tác điều tra.
Nỗi đau ở lại!
Gặp bà Mùi trong căn nhà mới xây còn dang dở, không khí ảm đạm, lạnh lẽo bao trùm khắp ngôi nhà, bà Mùi nén lòng kể lại: "Cháu Luân bị tâm thần cách đây 12 năm rồi. Trước đây khi chưa lấy vợ thì chưa có biểu hiện gì của bệnh tâm thần, cũng hiền lành như mọi người.
Sau này nó xây dựng gia đình với một cô gái trong làng rồi có với nhau hai đứa con gái, trong cuộc sống không tránh được những lần tụ tập, uống rượu cùng bạn bè. Qua những lần say xỉn, Luân liên tục có những hành vi thiếu kiểm soát bản thân như chửi bới, cầm dao đuổi mọi người. Từ đó vợ không dám sống chung với Luân nữa mà đưa con về hẳn nhà ngoại sống".
Theo bà Mùi thì có những lần Luân cầm con dao quắm ra gác cổng để không cho quỷ vào nhà, rồi tiếp đến hắn còn cầm con dao vào phòng khóa trái cửa lại, thắp nến, nhang nghi ngút khắp phòng rồi la hét ầm ĩ, không chịu ra ngoài. Thấy tình trạng bệnh của con ngày càng nặng, cực chẳng đã, bà mới nhờ đến đại diện khu phố và chính quyền can thiệp. Khi lực lượng công an tới, Luân sợ quá mới mở cửa ra và gia đình yêu cầu bắt lại trói và chở lên Bệnh viện tâm thần Bắc Ninh điều trị.
Nhưng chưa đầy một tháng sau, Luân lại được bệnh viện cho về điều trị ngoại trú khi tình trạng bệnh đã giảm. Rồi sau đó 1 tuần, Luân lại cầm dao đuổi cả nhà khiến mọi người khiếp vía. Một lần nữa, Luân lại được khống chế và đưa trở lại bệnh viện điều trị, nhưng lần này điều trị ngắn hơn so với lần trước đó, và khi trở về được một tuần thì Luân gây ra sự việc đáng tiếc trên.
Những hàng xóm của bà Mùi kể lại, hai ông bà dù đã hơn 70 tuổi mà hàng ngày vẫn đẩy xe bò đi làm thuê để kiếm sống, vì già nên sức khỏe yếu chỉ làm được những việc nhỏ. Những tưởng sinh ra con cái mong lúc về già sẽ được chăm sóc, nào ngờ hai người con trai thì đều điên dại, đến nỗi cuối đời vẫn làm quần quật để nuôi con.
Bà Mùi cũng cho biết, hai anh em Luân đều mắc chứng bệnh tâm thần nhưng anh Lũy bị ở mức độ nhẹ hơn và lành tính hơn nhiều, chưa bao giờ có biểu hiện tương tự như Luân. Lũy cũng lập gia đình và đã tự lập được, hàng ngày nhận sửa chữa đồ điện và gia dụng tại nhà cho mọi người trong xóm. Khoản thu nhập chính của gia đình ông bà phụ thuộc vào mức phụ cấp 1,8 triệu đồng của ông Thược. “Khi còn sống ông ấy nuôi tôi, giờ ông đi rồi tôi chưa biết sẽ tính sao” - Bà Mùi thở dài
Trao đổi với PV, ông Dương Thiếu Sinh, Trưởng khu phố Thanh Bình, cho biết, ông Thược trước đây tham gia cách mạng và hưởng chế độ thương binh theo trợ cấp của Nhà nước. Khoảng những năm 70, ông Thược giữ chức vụ phó chủ tịch xã kiêm trưởng công an xã Đồng Quang (cũ). Kinh tế của gia đình hiện giờ trông chờ vào công việc đẩy xe thồ hàng ngày của hai ông bà, ai mướn gì làm nấy. Đối tượng Luân không làm được gì ngoài việc ngồi ở nhà chửi mắng và phá phách. Theo danh sách theo dõi và quản lý của địa phương thì Luân bị bệnh tâm thần mãn tính và được hưởng chế độ 270.000 đồng/tháng.
“Đây là một sự việc rất thương tâm, tối 26/7, đoàn chúng tôi có đến tặng quà cụ Thược nhân ngày Thương binh liệt sỹ 27-7. Khi chúng tôi có mặt, không khí gia đình vẫn bình thường, Luân còn ra pha nước mời chúng tôi. Sau một hồi hỏi thăm cụ, đoàn chúng tôi ra về. Đến 5 giờ sáng hôm sau, khi tôi đang viếng tại nghĩa trang liệt sỹ Từ Sơn thì nhận được tin đau lòng này” - ông Sinh nhớ lại.