Để ngụy biện cho trò mê tín dị đoan hại người, các "thầy giàng" đã vội phán ông Nương bị chết là do bị yểm bùa, và đổ vấy cho hai phụ nữ trong làng.
Trọng án kinh hoàng bắt đầu từ cái chết do căn bệnh ung thư gan của một người đàn ông nghiện rượu người dân tộc H're. Nhưng người thân và dân làng Gò Da (xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) thì cho rằng bà hàng xóm Đinh Thị Na đã yểm bùa, gây nên cái chết cho người đàn ông kia và đem đến bệnh tật cho dân làng. Xác của người phụ nữ bị vu làm "phù thủy" này cũng đã được tìm thấy ngay bên bìa rừng, trong tình trạng bị trói cùng nhiều vết tích bị bạo hành sau gần một tuần sợ hãi, lẩn trốn sự truy sát của dân làng...
Hai phụ nữ bị truy sát vì nghi là "phù thủy"- tội ác của những thầy giàng
Ngày 14/1/2014, Công an huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi nhận được tin báo tại thôn Gò Da, xã Sơn Ba (Sơn Hà, Quảng Ngãi) liên tiếp xảy ra hai vụ phụ nữ người H're bị trói, đánh đập, thậm chí hành hạ hết sức dã man cho đến chết. Tuy nhiên, khi lực lượng Công an huyện Sơn Hà đang trong quá trình xác minh điều tra vụ án, thì xác của nạn nhân Đinh Thị Na (45 tuổi) đã được người thân bí mật chôn giấu.
Điều lạ là một án mạng chấn động, xác nạn nhân được phát hiện ngay bìa rừng dọc đường vào làng, nhưng tất cả người dân làng Gò Da khi được hỏi về diễn biến vụ việc đều tỏ ra "không hề hay biết”?. Ngay cả ông Đinh Văn Ni (chồng của nạn nhân Na - PV) cũng một mực không thể cung cấp bất cứ thông tin nào, vì sợ "làng bắt tội"... Phải sau nhiều ngày vận động, tích cực điều tra, sự thật đằng sau cái chết đầy nghi vấn của nạn nhân mới được các điều tra viên Công an huyện Sơn Hà làm rõ...
Hàng xóm của gia đình bà Na ở thôn Gò Da có ông Đinh Văn Nương (60 tuổi) vừa mới chết trước Tết vì căn bệnh ung thư gan. Vậy nhưng khi ông Nương đổ bệnh nằm liệt giường, cán bộ y tế xã khuyên gia đình đưa ông đi khám và điều trị ở Bệnh viện Quảng Ngãi, thì gia đình ông Nương chỉ mời thầy cúng về làm phép đuổi ma.
Mặc các thầy cúng ngày đêm rượu thịt, hóa phép trừ tà, bệnh tình của ông Nương vẫn ngày một thêm trầm trọng. Một tháng sau, ông tử vong... Để ngụy biện cho trò mê tín dị đoan hại người, trục lợi của mình, các "thầy giàng" đã vội phán ông Nương không khỏi bệnh mà chết là do bị yểm bùa.
Nhà của nạn nhân Đinh Thị Na.
Người mà các thầy đổ vấy, truy cứu không ai khác là hai bà Đinh Thị Na và Đinh Thị Nới (59 tuổi) hàng xóm với ông Nương. Quá mê muội tin theo lời phán của thầy bói nhảm, ba con trai của ông Nương là Đinh Văn Hắp, Đinh Văn Hút cùng Đinh Văn Bẻo một lần nữa đã khiêng xác cha đến thẳng nhà thầy bói xin quẻ. Lần này, thầy bói còn bồi thêm: Đích thị bà Na là "ma làng", vì có hiềm khích bấy lâu với ông Nương nên đã yểm bùa hại chết. Thầy còn phán, phải tìm bà Na truy xem bỏ đồ thuốc độc ở đâu, thì mới mong có thể cứu được những người khác, nếu không sẽ có những cái chết tiếp tục diễn ra ở trong làng...
Vậy là, ngay trong đám tang ông Nương ở khu nghĩa địa, bà Na vì tình làng nghĩa xóm đến viếng lại bị ba anh em Hút, Hắp, Bẻo vây lại hành hung, tra khảo. Kỳ lạ là mặc dầu bà Na hết lời kêu oan, bị đánh đập dã man... nhưng người dân trong làng khi biết chuyện lại tỏ ra cổ súy cho hành động bất nhân này. Họ còn cho rằng bà Na là phù thủy, là "cầm đồ thuốc độc" mà không báo sự việc cho chính quyền địa phương.
Việc bà Na bỏ trốn qua nhà người thân tại xã Long Môn, huyện Minh Long để thoát khỏi sự truy sát của những người con ông Nương, càng khiến cho dân làng thêm khẳng định bà chính là người đã yểm bùa hại làng. Gần một tuần sau, khi anh em nhà Hút, Hắp, Bẻo phát hiện bà Na lén trở về làng vì quá nhớ chồng nhớ con và trốn trong căn chòi canh rẫy ngay bìa rừng. Ngay lập tức, ba người con ông Nương ập đến, lôi bà Na ra ngoài bìa suối tra khảo. Bọn chúng còn trói bà Na vào cây rừng rồi thay nhau ném đá, dùng gậy đánh vào đầu vào ngực bà Na cho đến chết để thỏa "lửa hận thù"...
Một nạn nhân (mặc áo zin) kể lại sự việc bị dân làng đuổi đánh, ghẻ lạnh vì bị vu làm phù thủy.
Bức xúc phản ánh với PV, ông Đinh Văn Ni (47 tuổi, chồng bà Na - PV) cho biết: Dân làng đều tin lời thầy bói, mà vu oan cho vợ tôi có đồ độc. Nhiều lần họ đưa vợ tôi ra trước thôn tra khảo, bắt thừa nhận việc có đồ độc hại chết ông Nương, nhưng vợ tôi không nhận. Đến khi phát hiện vợ tôi bị đánh chết tại đầu làng, gia đình tôi cũng không dám làm đám tang tại nhà, bởi họ cho rằng vợ tôi là ma nên không được đưa xác về làng. Chính vì vậy gia đình phải lặng lẽ đem xác vợ đi chôn nơi kín đáo kẻo lại bị quật mồ...!.
Cùng bị vu làm phù thủy như bà Na là bà Đinh Thị Nới (59 tuổi). Vẫn chưa hết ám ảnh kinh hoàng, bà Nới cho biết: "Gã thầy bói phán rằng ông Nương bị bệnh chết do có người phụ nữ trong làng hại. Nên con ông Nương quay ra nghi tôi và bà Na là người cầm đồ thuốc độc (CĐTĐ), hại chết ông ta. Sau khi đánh chết bà Na, họ chuyển sang vu khống rồi ngang nhiên đánh đập, tra khảo tôi... Mặc dù tôi đã may mắn được cứu thoát nhờ có sự can thiệp kịp thời của lực lượng Công an và chính quyền xã Sơn Ba. Nhưng hiện toàn bộ tài sản, vật dụng quý của gia đình tôi bị cướp đi vẫn chưa được hoàn trả"...
Ngăn chặn hủ tục - thầy giàng phải đối diện với pháp luật
Trao đổi với PV về trọng án vùng cao liên quan đến hủ tục CĐTĐ, Thượng tá Ngô Văn Đãi, Trưởng Công an huyện Sơn Hà cho biết: Huyện Sơn Hà là một điểm "nóng" về nạn nghi kỵ CĐTĐ. Khi cụm từ "cầm đồ thuốc độc" còn lạ lẫm với rất nhiều người, thì ở vùng cao tỉnh Quảng Ngãi đã có vô số người bị chết, bị thương hoặc bị ghẻ lạnh, xa lánh bởi bị nghi CĐTĐ.
Mặc dù chưa ai biết thuốc độc đó bằng gì, cũng không ai nhìn thấy người CĐTĐ ra tay như thế nào nhưng quan niệm lạc hậu đó vẫn truyền từ đời này sang đời khác, để lại bao bi kịch cho nhiều gia đình và xã hội. Trước hai phụ nữ Na và Nới bị xâm hại thì ở huyện cũng xảy ra nhiều vụ CĐTĐ dẫn đến giết người khác.
Vào ngày 25/9/2010, ông Đinh Văn Nên (SN 1950, thôn Tà Cơm, xã Sơn Thủy, huyện Sơn Hà) đã bị bốn trai bản dùng gậy đánh hội đồng cho đến chết vì nghi có CĐTĐ. Sau khi đánh ông Nên chết, các đối tượng còn dùng thuốc rầy đổ lên người ông để dựng hiện trường giả rằng ông Nên uống thuốc rầy tự tử. Vụ việc đã được Công an điều tra và làm sáng tỏ, các đối tượng trong vụ án đã bị xử lý, nhưng hiện không ít người dân vẫn cho rằng ông Nên có CĐTĐ và bị đánh chết là chuyện bình thường.
Một phụ nữ bị gán là phù thủy, CĐTĐ khác là bà Đinh Thị Thương (SN 1952, làng Pa Lêu, thôn Bồ Nung, xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà). Khi chúng tôi hỏi đường về nhà bà Thương, dân làng Pa Lêu đều quả quyết: "Mụ đó là ma rừng đấy". Qua tìm hiểu, sở dĩ bà Thương bị nghi có CĐTĐ do xuất phát từ mâu thuẫn tranh giành đất đai với bà Đinh Thị A. Vì tức tối, bà Thương đã tự nhận là có CĐTĐ và dọa sẽ hãm hại gia đình bà A. Sau đó, tháng 2/2012, hai cháu của bà A là Đinh Thị Mai (2007) và Đinh Thị Chi (2011) đã bị chết đột ngột. Gia đình bà A và dân làng tức tốc đi tìm bà Thương để diệt trừ hậu họa. Rất may chính quyền địa phương đã kịp thời phát hiện, làm tốt tuyên truyền, vận động cho bà con nên bà Thương mới bảo toàn được mạng sống.
Nhờ có công tác tuyên truyền, vận động của lực lượng Công an và các cấp chính quyền nên nhiều nạn nhân của nạn nghi kỵ CĐTĐ trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi cao Quảng Ngãi đã được minh oan.
Trong ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng bằng nứa và cây rừng, bà Thương cũng rất hối hận tâm sự với phóng viên: "Lúc đó cái đầu tao tức giận, nên cái miệng tao nói bậy. Cũng tại tao muốn dọa bà A thôi. Chứ cháu bà A chết do đâu tao không biết…". Có lẽ, đây cũng là bài học cho bà Thương và những người khác đang manh nha trục lợi từ CĐTĐ.
Để rõ hơn về quan niệm CĐTĐ lạc hậu này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Ngọc Dũng, Bí thư Huyện ủy Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Theo ông Dũng, CĐTĐ là một hiện tượng xã hội, một tập tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận người dân tộc thiểu số. Đặc biệt người dân tộc rất tin vào lời phán quyết của thầy giàng, thầy phán ai là phù thủy bỏ thuốc độc thì cầm chắc người đó bị truy sát đến chết.
Theo hủ tục, người nào bị bỏ "đồ độc" thì sẽ đau ốm hoặc chết. Thực chất "đồ độc" của người dân nơi đây chỉ gồm những vật như xương gia cầm, mẻ chén, sành, lông đuôi heo, huyết gà được gói lại, đem chôn vào chuồng gia súc hoặc ruộng lúa của người khác để trù, ém. Chỉ cần bắt gặp một ánh mắt hoài nghi, một câu nói vô tình, một suy nghĩ nhuốm màu huyền bí là người dân cũng lo sợ, tìm cách trừ khử người "cầm đồ" để diệt trừ hậu họa...
Trong khi hậu quả của việc nghi kỵ CĐTĐ xảy ra rất lớn, thậm chí chết người nhưng chế tài vẫn chỉ là kiểm điểm người tung tin, hòa giải mâu thuẫn, vận động không nghi kỵ theo phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số. Cách xử lý như vậy chỉ là giải pháp tình thế nên không ít vụ cứ tái đi tái lại một cách dai dẳng.