“Bị thánh bắt đi”
Sự việc xảy ra vào đêm giao thừa vừa qua tại nhà bà Huỳnh Lan Thảo, 36 tuổi ngụ tại lô C – Chung cư Sư Vạn Hạnh, quận 5 (TPHCM) trong lúc gia đình tổ chức nghi lễ tôn giáo.
Nhân vật trung tâm của buổi lễ là cháu Huỳnh Sơn Vỹ, 15 tuổi, con trai bà Thảo, được gọi là “chú tiểu” thực hiện nghi lễ chứng minh sự hiện diện của thánh thần.
Cháu Vỹ dùng dây quấn quanh cổ cho 4 người kéo từ 2 phía để chứng minh “thánh phục sinh”. Tuy nhiên, sau khi thực hiện nghi lễ, cháu Vỹ đã tử vong.
Ngày 26/2, phóng viên (PV) đến căn hộ của bà Huỳnh Lan Thảo. Căn hộ của bà Thảo giống như một khu thờ tự nhỏ.
Tiếp PV, bà Thảo vẫn quả quyết, con mình bị “thánh” bắt đi, chứ không hề có chuyện bị siết cổ đến chết. Cả gia đình bà rất tôn sùng và tin tưởng vào các vị “thánh” “tam phủ, tứ phủ”. Cháu Vỹ tu tại gia cũng do “cơ duyên”.
Bà Thảo cho biết, cháu Vỹ bị trầm cảm nặng từ khi ông ngoại mất, có biểu hiện tâm thần hay đi lang thang. Vỹ được điều trị ở nhiều bệnh viện nhưng không khỏi bệnh. Vỹ cũng được dẫn đi nhiều đền đài, miếu mộ để cúng vái.
“Tôi từng thỉnh rất nhiều vị thần, tượng về thờ cúng hy vọng con khỏi bệnh. Trong một lần có cơ duyên, Vỹ được “thánh” chọn làm chú tiểu để nhập hồn. Từ đó, tôi làm theo ý “chú tiểu” tiến hành tu sửa căn hộ thành một am để chú tiểu tu tại gia.
Sau khi được “thánh” chọn mượn xác để giảng đạo, bệnh tình của Vỹ đã hết dần”, bà Thảo nói.
“Nghi lễ để chứng minh sự tồn tại của “thánh” được thực hiện nhiều lần gọi là “sát căn”. Lúc đó “thánh” trong xác của Vỹ cầm sợi dây quấn quanh cổ và chỉ định từng người kéo dây, tôi đứng gõ chuông và tụng kinh.
Những lần trước “thánh” bị kéo ngã quỵ rồi sẽ “tự phục sinh” để chứng minh cho các vị đồng đạo thấy “thánh không chết”. Lần này do cơ duyên, “thánh” đã bắt Vỹ theo”- bà Thảo kể.
PV hỏi khi xảy ra sự việc, gia đình có đem cháu Vỹ đến bệnh viện không? Bà Thảo vô tư trả lời, con mình do “thánh” bắt đi, nên đi bệnh viện cũng vô ích! “Thánh” về đã dặn không được đụng chạm vào thân xác con, nên tôi chỉ biết gõ chuông và tụng kinh.
Tạm giữ 4 đối tượng
Trao đổi với PV, bà Lê Thị Hiếu Thảo - Chủ tịch UBND phường 9, quận 5 (TP HCM) cho biết: “Khu vực khu phố 1 nơi xảy ra vụ án là khu phố văn hóa. Từ trước đến nay chưa hề xảy ra bất kỳ hiện tượng mê tín, dị đoan gây hậu quả nghiêm trọng như thế này”.
Theo bà Lê Thị Hiếu Thảo khi trình báo cơ quan chức năng để xin giấy chứng tử cho cháu Vỹ, gia đình chỉ thông tin bé trai tử vong do sơ ý ngã vào bồn tắm. Tuy vậy, thấy bé trai chết bất thường, chính quyền khu vực đã nhờ công an đến làm rõ.
Cơ quan công an đã triệu tập 6 người liên quan đến vụ việc, trong đó có bà Huỳnh Lan Thảo và bà Ngô Thị Can (SN 1948, là bà ngoại của cháu Vỹ) đến để lấy lời khai.
Sau khi thực hiện lấy lời khai ban đầu, cơ quan chức năng đã tạm giữ 4 đối tượng trực tiếp cầm dây siết cổ cháu Vỹ. Riêng bà Thảo và bà Can được tại ngoại do không trực tiếp dùng dây siết cổ bé trai.
Quy trách nhiệm hình sự về tội giết người
Trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư Lê Quang Vũ – Phó trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo TPHCM cho biết, với nghi lễ “sát căn”, bà Huỳnh Lan Thảo đã tổ chức cho bốn người khác dùng dây siết cổ cháu Vỹ dẫn đến tử vong là có dấu hiệu cấu thành tội giết người theo điều 93 Bộ luật Hình sự.
Riêng bà ngoại cháu Vỹ cần phải điều tra làm rõ có vai trò thế nào trong vụ án này để xử lý thích hợp.
“Mặc dù không cố ý giết cháu Vỹ nhưng khi thực hiện hành vi siết cổ cháu Vỹ bằng dây bắt buộc những người này phải biết trước hậu quả có thể dẫn đến chết người và dù chết người là ngoài ý muốn nhưng người phạm tội đã để cho hậu quả xảy ra nên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giết người”- Luật sư Vũ nói và theo ông làm chết người do mê tín, dị đoan chỉ là tình tiết giảm nhẹ phạm tội do lạc hậu.