Sau khi nghe vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đề nghị mức án đối với các bị cáo, trong đó đề nghị tử hình đối với hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, các luật sư bảo vệ cho các bị cáo đã lần lượt trình bày tại phiên xử.
Mở đầu, Luật sư Ngô Ngọc Thủy – Luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng cho rằng, khi chất vấn thành viên Vinalines, không có tài liệu nào chứng minh số tiền 1,666 USD là số tiền được chuyển về cho Vinalines. Vì thế, không thể “cột” tội vào ông Dũng. Đây là khoản mà công ty AP - Singapore gửi về Công ty Phú Hà.
Đồng thời vị luật sư này cũng cho rằng việc ông Sơn khai đưa 10 tỷ cho ông Dũng chỉ là một chiều. Ý tưởng xây dựng nhà máy, mua ụ nổi là phù hợp với chủ trương của Bộ GTVT. Ông Thủy cho rằng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines chỉ là nóng vội phê duyệt Dự án nhà máy, trong khi cấp phê duyệt phải của Nhà nước, chứ không có động cơ vụ lợi cá nhân nào.
Các cơ quan tố tụng chưa làm rõ được trách nhiệm trong thành viên HĐQT, những người cho ra đời nghị quyết. Ông Dũng không có quyền tự đưa ra Nghị quyết phải làm việc dưới sự chỉ đạo của HĐQT. Sai sót của ông Dũng bắt nguồn từ cái sai của HĐQT.
Vị luật sư này trình bày tiếp: Ở vấn đề mua ụ nổi 83M, các quyết định của bị cáo đều xuất phát từ Nghị quyết của HĐQT. Cơ quan điều tra và viện kiểm sát nhân dân lại coi ụ nổi (nâng, đỡ để sửa tàu) là “tàu” (không đảm bảo về nhập khẩu). Tuy nhiên tại tòa, các đại diện của Bộ GTVT cũng khẳng định, ụ nổi không phải là tàu do đó không có căn cứ quy tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Từ đó, vị luật sư này đề nghị tòa xem xét, tuyên bị cáo Dương Chí Dũng không phạm tội.
Trong phần trình bày của mình, Luật sư Trần Đình Triển và luật sư Trần Đại Thắng – những người bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng cũng nhận định, thân chủ mình bị kết tội oan.
Trong vụ mua ụ nổi, Luật sư Trần Đình Triển phân tích, thay vì hướng dẫn các đương sự giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng, khởi kiện ra tòa dân sự nhưng lại dồn các bị cáo vào vụ án hình sự. “Buộc tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” còn có lý, chứ “Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thì không có căn cứ”, LS. Triển nói.
Về cáo buộc Dương Chí Dũng phạm tội Tham ô tài sản, luật sư Triển cho rằng cáo buộc này không phù hợp. Theo vị luật sư này, nếu có việc nhận tiền từ món 1,666 triệu USD thì đó là nhận hối lộ bởi số tiền này không phải là số tiền của Vinalines mà là của Công ty AP – Singapore mà đã “nhận hối lộ” thì phải có “người đưa hối lộ”.
Cũng theo vị luật sư này, việc bị cáo Sơn khai man những khoản tiền lớn cho các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và Trần Hữu Chiều cũng có điểm bất thường khi tại sao mang những khoản tiền rất lớn như vậy lại không bị hải quan ở sân bay phát hiện. Theo quy định của pháp luật, những giao dịch từ 200 triệu đồng trở lên đều phải chuyển khoản chứ không được chuyển tiền mặt. Kết thúc phần trình bày của mình, Luật sư Trần Đình Triển đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra lại vụ án này.
Còn luật sư Nguyễn Huy Thiệp – người bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc cho rằng HĐXX nên yêu cầu thu thập những căn cứ như danh sách điện thoại, lịch trình bay… của các bị cáo bởi nếu chưa làm thì đó sai sót, cần bổ sung.
Vị luật sư này cũng đề nghị Viện Kiểm sát không nên dùng “liên danh” Dũng - Phúc mà phải cụ thể là bị cáo Dũng hay bị cáo Phúc chỉ đạo, không thể nhập nhằng được. Từ các cơ sở trình bày của mình, vị luật sư này đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh vì bị cáo chỉ thiếu trách nhiệm chứ không phải là cố ý. Còn về tội Tham ô tài sản cũng cần điều tra lại vì chưa đủ căn cứ để kết tội tham ô vì lời khai chỉ là một phía từ bị cáo Trần Hải Sơn.