Sau hơn bảy tháng bị tạm giam, Thạch Sô Phách (27 tuổi, ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, Sóc Trăng), Trần Hol (28 tuổi, ấp Bưng Lức, xã Trung Bình, huyện Trần Đề) cùng năm người khác vừa được trở về nhà từ quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam của Viện KSND tỉnh Sóc Trăng.
Lời kể của người trở về
Gặp chúng tôi chiều 3-3, nhưng gương mặt của Sô Phách vẫn còn nét thảng thốt sau những ngày bị bắt tạm giam và lấy lời khai. Sô Phách kể ngày 12-7-2013 Công an xã Đại Ân 2 mời lên làm việc về vụ án giết người mà bản thân mình không hề biết người đó. Hai ngày sau (14-7), Sô Phách được đưa lên Công an huyện Trần Đề trong tư thế bị còng hai tay ra phía sau. Tại đây, Sô Phách cho biết bị ba cán bộ công an thay nhau hỏi cung và đánh đập. Khi áp giải lên Công an tỉnh Sóc Trăng, Sô Phách tiếp tục bị bốn cán bộ điều tra đánh. “Không chịu nổi nên tui đã nhận tội” - Sô Phách nói.
Sô Phách cũng cho biết do không biết chữ nên chỉ ký vào biên bản lời khai mà không biết nội dung.
Trong khi đó, Trần Hol đang uống cà phê với bạn thì được công an mời lên xe bít bùng về công an huyện làm việc. Trong khi làm việc, Hol đã khai nhận mình có nhiều chứng cứ ngoại phạm trong đêm xảy ra vụ án, tuy nhiên các điều tra viên của Công an huyện Trần Đề vẫn một mực cho rằng Hol là hung thủ. Bị đánh đập nên Trần Hol phải nhận tội.
“Trong lúc Sô Phách bị bắt tạm giam, vì không chịu đựng được sự gièm pha khi có người chồng mang tội giết người, vợ Sô Phách bỏ theo người khác để lại đứa con trai còn nhỏ dại cho bà nội nuôi. Từ khi Sô Phách trở về, tối nào hai cha con cũng ôm nhau ngủ, con trai cứ luôn miệng hỏi: “Mẹ đâu rồi?”, rồi hai cha con ôm nhau mà khóc” - người nhà Sô Phách cho hay. Còn Trần Hol từ khi trở về nhà cũng chưa gặp lại hai đứa con. Đứa con trai lớn 4 tuổi cùng đứa con gái 4 tháng tuổi được mẹ gửi ở bà ngoại. Vợ của Trần Hol là Sơn Thị Hoan tranh thủ xin nghỉ phép về quê để được gặp mặt chồng, rồi quay trở lại TP.HCM làm công nhân. Hoan cho biết trong lúc chồng bị bắt chỉ có một mình ở nhà với đứa con trai và đứa con trong bụng được bảy tháng. “Có bữa không có gạo ăn nhờ hàng xóm giúp đỡ qua ngày, bụng đói nhưng vẫn tin tưởng chồng không giết người. Lúc chồng ở tù em không đi thăm lần nào vì không có tiền” - Hoan nức nở.
Tiếp tục điều tra
Chiều 3-3, đại tá Phan Hữu Thúy, người phát ngôn Công an tỉnh Sóc Trăng, cho biết chưa thể nói oan sai trong thời điểm này vì vụ án đang được cơ quan tố tụng làm rõ, chưa có kết luận cuối cùng. Khi được hỏi về việc các bị can khi được cho bảo lãnh về nhà nói mình bị ép cung, đánh đập trong quá trình điều tra, ông Thúy nói đó là thông tin cần được xem xét trong quá trình thụ lý vụ án này, nếu có sai phạm thì sẽ xử lý những cá nhân có liên quan; nếu ai đưa, cung cấp thông tin sai lệch cũng sẽ bị xử lý theo quy định.
Còn theo thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng, vụ việc đã được báo cáo Tổng cục 6 (Bộ Công an), cử cán bộ xuống làm việc xem nội dung cụ thể thế nào. Cơ quan điều tra chưa kết luận bất cứ trường hợp nào oan, việc các bị can được cho về nhà là do cơ quan điều tra xét thấy cần cho gia đình bảo lãnh, hiện các đương sự này vẫn đang là bị can của vụ án.
Một lãnh đạo khác của Công an Sóc Trăng cho biết qua điều tra hai nhóm đều khai nhận có hành vi giết ông Lý Văn Dũng. Trong đó nhóm của Lê Thị Mỹ Duyên (ngụ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đến Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM đầu thú, thừa nhận chính Duyên và Nguyễn Kim Xuyến (ngụ thị trấn Trần Đề) đã giết ông Lý Văn Dũng với ý định cướp tài sản nhưng không thành. Hai cô gái này chỉ mới 13, 14 tuổi. Hiện Công an Sóc Trăng điều tra xem hai cô gái ra đầu thú có liên quan gì với nhóm các thanh niên bị bắt trước đó hay không, xác định ai là hung thủ thật sự.
Chiều cùng ngày, trao đổi qua điện thoại, ông Huỳnh Thế Đức, phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Sóc Trăng, cũng khẳng định chưa có bất kỳ quyết định nào hủy quyết định phê chuẩn khởi tố bị can, việc cho các bị can về nhà là thực hiện theo đề nghị của cơ quan điều tra, xét thấy không còn cần thiết để tiếp tục tạm giam mà cho bảo lãnh, tại ngoại phục vụ quá trình điều tra.
Vụ giết người xuất hiện tình tiết mới
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 4g ngày 6-7-2013, người dân ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2 phát hiện thi thể ông Lý Văn Dũng (chạy xe ôm, 42 tuổi, ngụ tại địa phương) trên con lộ thuộc ấp Lâm Dồ cùng chiếc xe máy.
Sáng cùng ngày, công an huyện Trần Đề và tỉnh Sóc Trăng khám nghiệm tử thi xác định nạn nhân bị đâm bảy nhát dao, trong đó có một vết dao đâm thẳng vào ngực và một vết từ trên đỉnh đầu đâm xuống. Toàn bộ tài sản trong người nạn nhân gồm bóp tiền và điện thoại di động vẫn còn nguyên. Cơ quan công an xác định nguyên nhân của vụ án xuất phát từ hiềm khích cá nhân. Nghi vấn Trần Hol (28 tuổi), người từng liên quan đến vụ cố ý gây thương tích trước đó gây ra, nên Trần Hol được mời lên làm việc. Sau đó, năm người khác là bạn bè của Trần Hol cũng lần lượt bị công an mời lên làm việc rồi cùng bị tạm giam, khởi tố về tội “giết người” gồm Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Thạch Sô Phách, Thạch Mươl và Khâu Sóc. Riêng đối tượng nữ duy nhất trong vụ án này là Nguyễn Thị Bé Diễm (quê Hậu Giang, nhân viên phục vụ quán nhậu tại thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề) bị khởi tố về tội “không tố giác tội phạm”.
Vụ án tưởng chừng như đã kết thúc thì bất ngờ vào giữa tháng 12-2013, Lê Thị Mỹ Duyên (ngụ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đến Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM đầu thú, thừa nhận chính Duyên và Nguyễn Kim Xuyến (ngụ thị trấn Trần Đề) đã giết ông Dũng với ý định cướp tài sản nhưng không thành.
Sau khi bỏ trốn lên TP.HCM, do Xuyến có tình cảm với người khác nên Duyên đâm ra ghen tuông (Duyên và Xuyến là người đồng tính). Để trả thù, Duyên đi đầu thú với mong muốn cả hai cùng bị bắt giữ và cùng được ở bên nhau. Những lời khai của hai đối tượng này tương đối phù hợp với hiện trường của vụ án. Cả Duyên và Xuyến đều bị tạm giam để phục vụ điều tra.