Lá thư xóa nhòa ký ức tội ác của kẻ giết người

Đoàn Nga |

10 năm sau ngày bị "sát hại hụt", may mắn thoát chết, nhưng bà Tác mãi không bao giờ quên ngày kinh hoàng đó, cho đến một ngày, bà nhận được lá thư của chính kẻ đã từng muốn truy sát bà...

10 năm sau ngày bị "sát hại hụt", may mắn thoát chết, nhưng bà Tác mãi không bao giờ quên ngày kinh hoàng đó, cho đến một ngày, bà nhận được lá thư của chính kẻ đã từng muốn truy sát bà...

Không chỉ bà Tác mà Đỗ Trọng Sơn, kẻ gây ra tội ác cũng bị ám ảnh mãi buổi chiều 15/9/2004, Sơn giấu dao díp nhọn trong người, lững thững đi bộ đến cánh đồng cuối thôn Đan Tảo, Tân Minh, Sóc Sơn, Hà Nội thì gặp bà Tác ở làng bên cạnh đang đi thu mua lúa. Sơn liền hỏi "Có mua thóc không?".

Tưởng thật, bà Tác vội vàng đi theo gã thanh niên vào ruộng sắn gần đó, tuy nhiên, vào tới nơi không thấy bao lúa như lời Sơn nói, nghi bị lừa, bà Tác vội quay xe đạp bỏ đi, Sơn đuổi theo giữ lại. Gã thanh niên 17 tuổi túm cổ áo, rút dao đâm 2 nhát vào mạng sườn nạn nhân. Quá hoảng loạn, bà Tác van xin: "Cháu đừng giết cô, cô cho cháu tiền". Nhưng Sơn không dừng tay, vẫn vung dao cố sát hại nạn nhân bằng được, do đâm vào xương nên con dao bị gẫy lưỡi. Gã trai tiếp tục dùng quai nón siết cổ nạn nhân.

Tưởng bà Tác đã chết, Sơn lục lấy 290.000 đồng của nạn nhân rồi bỏ chạy, được khoảng 50m, hắn quay lại dùng gậy tre đập liên tiếp vào bà. May mắn, bà Tác được người dân địa phương phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời nên không chết. Một ngày sau khi gây án, Sơn bị bắt.

Sáng 8/4/2005, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt Đỗ Trọng Sơn, 16 năm tù về tội “giết người” và “cướp tài sản”. Căn cứ hành vi phạm tội của bị cáo, tòa tuyên mức án 16 năm tù.

Tại thời điểm gây án, Sơn chỉ là cậu thanh niên 17 tuổi, mọi suy nghĩ còn bồng bột, trẻ con. Giờ đây, sau 10 năm trả án, cậu ta đã thành người đàn ông trưởng thành hơn. Sơn tâm sự, 10 năm qua không ngày nào anh ta không bị ám ảnh về tội lỗi đó. “Không hiểu sao lúc đó tôi lại hành động dã man và mù quáng đến như vậy. Tôi hối hận vô cùng, may mắn là cô ấy không chết”, Sơn nói.

Trong tâm tưởng của Sơn luôn muốn gửi lời xin lỗi tới nạn nhân của mình. Và dịp may đó đã tới khi Tổng cục VIII - Bộ Công an phát động cuộc thi “Viết thư xin lỗi” nhằm giúp các bị cáo có cơ hội bày tỏ sự ăn năn về những tội lỗi đã gây cho các nạn nhân. Vì vậy, Sơn đã viết thư gửi lời xin lỗi tới bà Tác - nạn nhân của mình trong vụ án năm xưa.

Lá thư đầy day dứt của kẻ sát nhân

Đầu thư cháu xin được gửi tới cô lời chức sức khỏe - niềm vui và nhiều may mắn, chúc toàn thể gia đình cô mọi điều đều may mắn tốt lành!

Cô Tác ạ, Thế là đã 10 năm rồi, mãi đến hôm nay cháu mới có đủ dũng khí để viết thư về cho cô. Gửi đến cô và gia đình lời xin lỗi mà trong 10 năm qua cháu không nói được. Sự việc xảy ra cháu rất buồn – cháu biết mình đã sai và rất ân hận. Trải qua quãng thời gian 10 năm qua, cháu đã suy nghĩ rất nhiều. Cháu đã không thể nào quên được việc cháu gây ra cho cô và luôn day dứt vì điều đó. Đến tận ngày hôm nay, cháu cũng không thể nào hiểu được tại sao bản thân lại làm như vậy. Cô ạ, bản thân cháu trước khi bị bắt cháu luôn được gia đình dạy bảo cẩn thận, nhưng bản thân cháu lại đi ngược lại với những gì bố mẹ cháu dạy, phụ công lao của gia đình. Cháu đã tự hủy hoại cuộc đời, tự biến mình thành con người không có nhân tính, chỉ vì cần 50.000 đồng, mà chút nữa cháu tước đi mạng sống của cô. Cho nên cháu buồn và ân hận nhiều lắm.

Cô ạ, cháu biết rằng những gì cháu gây ra khó có thể để cô và gia đình tha thứ cho cháu, nhưng cháu rất mong cô và gia đình tha thứ để cho cháu có cơ hội làm lại cuộc đời. Bởi vì, bản thân cháu bây giờ chưa biết sau này sẽ như thế nào, sẽ đi về đâu  khi cô vẫn còn giận cháu. Như vậy làm sao cháu dám ngẩng mặt nhìn mọi người khi cháu được tự do. Cô ạ, nhớ lại tại phiên tòa xét xử cháu, nhìn ánh mắt và thái độ của cô khi nhìn thấy cháu, cháu đã run sợ. Cháu sợ ánh mắt đầy căm phẫn tức giận của cô. Rồi khi cô xin xử cháu mức án cao hơn. Tất cả những điều đó cháu không thể nào quên được. Nhìn cô lúc đó, đến khi đón nhận bản án 16 năm tù, cháu đã mỉm cười trong lòng.

Thật sự 16 năm cái giá mà cháu phải trả là quá nhẹ so với hành vi phạm tội của mình. Lỗi của cháu gây ra khó có thể mà xóa đi được, nó sẽ in đậm trong cô về một con người đầy tội ác. Bản thân cháu cũng không thể chấp nhận được việc làm của mình. Trong những ngày chấp hành án cải tạo trên trại cháu đã nghĩ về cô rất nhiều, không biết sức khỏe – cuộc sống của cô ra sao, chắc vất vả lắm phải không cô? lỗi là ở cháu. Cháu bây giờ không biết nói gì với cô. Cháu chỉ mong cô cùng gia đình cố gắng vượt qua sống lạc quan vui vẻ, thì bản thân cháu cũng đỡ day dứt hơn. Hoàn cảnh nhà cháu chắc cô cũng rõ. Cháu cũng muốn gia đình khắc phục những gì cháu còn nợ cô, nhưng do hoàn cảnh cũng chẳng đưa được gì nhiều cho cô, mong cô thông cảm cho cháu và gia đình.

Cô ạ cho đến ngày hôm nay, cháu không biết được cô nghĩ cháu như thế nào. Có chấp nhận viêc làm của cháu chỉ là một tai nạn do một đứa trẻ nông nổi thiếu hiểu biết gây ra, hay đó là hành vi tội ác không thể tha thứ. Cho dù như thế nào, cháu vẫn chấp nhận. Cháu chỉ mong cô khi nhận được lá thư này, hãy đón nhận lời xin lỗi và mở rộng vòng tay cho cháu cơ hội làm lại cuộc đời. Bởi vì bản thân cháu bây giờ chẳng có gì hết, không bạn bè, mất tuổi xuân và tương lai, nhất là mất đi niềm tin. Nếu cô vẫn không tha thứ cho việc làm của cháu, thì cháu sẽ ra sao đây. Người ta vẫn thường nói “nhất tội nhì nợ”. Cả 2 điều đó cháu đều phải mang. Mà chỉ có cô mới có thể xóa hết những gì cháu còn nợ cô. Cháu mong cô hãy tha lỗi để cháu có thể trả những gì cháu còn nợ cô.

Cô ạ, có những lúc cháu nghĩ và thấy rằng, tất cả phạm nhân như chúng cháu đều mong muốn những nạn nhân và gia đình người bị hại hãy tha thứ cho những gì chúng cháu gây ra. Chỉ có như vậy, chúng cháu mới thấy thanh thản, dám đối mặt với mọi người khi được tự do, còn không cháu rất sợ ánh mắt khinh thường, miệt thị của mọi người khi nhìn cháu. Quá khứ của cháu không tốt, bản thân đã có vết nhơ khó mà xóa bỏ được. Ngày hôm nay, cháu viết thư này gửi đến cô cùng gia đình lời xin lỗi từ đáy lòng. Và cháu mong rằng, nếu có thể cô cùng gia đình cháu hãy lên trại gặp cháu để cháu có thể nói tỏ lòng mình. Để cô có thể hiểu được cháu thật sự đã thay đổi. và cháu cũng phải cảm ơn cô. Nhờ cô mà cháu đã có một bài học nhớ đời, mong các em ở nhà hãy lấy cháu làm bài học, sống thật tốt đừng phạm sai lầm như cháu. 

Nước mắt thứ tha

Bất ngờ nhận được lá thư từ trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang) của kẻ đang tâm truy sát mình, bà Tác đã không cầm được nước mắt. Khi nhận được lời mời của trại giam Ngọc Lý trong lễ sơ kết của cuộc thi “Viết thư xin lỗi” và giao lưu với kẻ sát hại mình, bà đã vui vẻ nhận lời.

Sau 10 năm gặp lại nhau, cả nạn nhân và kẻ thủ ác đã không cầm được nước mắt. Nước mắt của sự hối hận, nước mắt của sự thứ tha. Không nói ra, nhưng những giọt nước mắt của bà Tác đã xóa hết mọi hận thù trong lòng, trong ánh mắt của bà chỉ còn lại sự thương cảm chứ không còn căm hận như ngày ở tòa cách đây gần 10 năm.

Không chỉ tha thứ cho Sơn, khi biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh ta, bà Tác đã không lấy số tiền mà gia đình Sơn bồi thường thiệt hại cho mình, dù cuộc sống và sức khỏe của bà sau ngày bị sát hại vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả.

Những lá "thư xin lỗi” từ trại giam thực sự có ý nghĩa nhân văn khi là cầu nối trực tiếp giữa các phạm nhân đến với gia đình, bạn bè, đặc biệt là các nạn nhân của họ. Để từ đó, mọi oán thù, căm ghét trong quá khứ sẽ theo đó được xóa nhòa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại