Kỳ án “trộm dê”: Luật sư hôn lên trán bị cáo

Sau khi bị tuyên án 24 tháng từ giam, bị cáo Nguyệt tuyên bố sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng. Để động viên thân chủ, một luật sư đã tặng cho bà Nguyệt một nụ hôn lên trán...

Một luật sư ví von: Nếu pháp luật là một đội bóng thì tòa án là hàng hậu vệ. TAND huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận để “thủng lưới” vì rất nhiều vi phạm tố tụng, mà dường như bất kì ai, không cần học luật cũng có thể “điểm đúng huyệt".

“Huyệt”… lãng quên

24 tháng tù giam là bản án đọng lại rất nhiều xúc cảm cho người dân và báo chí theo dõi phiên tòa.

Bị cáo Nguyệt chấp nhận bản án bằng thái độ sẽ kêu oan cho đến cùng. Luật sư được bà Nguyệt đặt lên trán một nụ hôn, biểu trưng cho lòng biết ơn vì sự tận tâm suốt gần 10 năm ròng và thời gian tiếp theo chưa biết đến khi nào mới kết thúc vụ án đẫm nước mắt và đầy căng thẳng…

14 lần xử án, viện KSND huyện Bắc Bình vẫn chưa thể xác định được ai là chủ sỡ hữu hợp pháp của đàn dê. Bà Nguyệt nói dê của mình, còn bị hại Lê Thị Kim Y thì ngược lại.

Từ năm 2005, bà Nguyệt đã bị TAND huyện Bắc Bình đưa ra xét xử rồi trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Ba năm sau đó, không ai nhắc gì đến vụ án.Thời gian này, thư kí Văn Hồng Lễ tuồn hồ sơ, chứng cứ ra ngoài cho bị hại Lê Thị Kim Y. Bà Y đem giấy tờ nhà đất đi bán. Thấy tài sản của mình gầy dựng lên, giờ để cho người khác lấy, bà Nguyệt tiếc của nên nhờ luật sư đòi lại.

Và rồi mọi chuyện được lôi trở lại ra chốn pháp đình. Không ai khác, trong sự lãng quên này có trách nhiệm rất lớn của viện KSND huyện Bắc Bình, vì đã không làm tròn chức năng kiểm tra, giám sát xét xử…

Người dân không chịu về vì sự "hấp dẫn kì lạ" của vụ kì án...

“Huyệt” vật chứng

Cuối năm 2013, cơ quan điều tra đưa vào hồ sơ vụ án quyết định xử lí vật chứng. Điều đáng nói là thời gian trên quyết định được ghi lùi lại năm 2005, thời điểm xảy ra vụ án.

Cụ thể là ngày 29.5.2005, quyết định xử lí vật chứng được ghép vào hồ sơ, trước khi công an huyện tạm giữ và giao đàn dê cho bà Y. Thử hỏi, vụ án chưa xảy ra, làm sao cơ quan điều tra xử lí vật chứng. Ngày 29.5.2005 theo lịch trúng ngày chủ nhật, không phải thời gian hành chính để công an làm việc này.

Quyết định này được kí, đóng dấu bởi ông Nguyễn Văn Lâm, phó thủ trưởng cơ quan điều tra. Chính cơ quan điều tra lộ ra “huyệt đạo nguy hiểm” của mình cho dư luận “điểm trúng”, đó là ngày 31.5.2005, ông Lâm mới được phân công điều tra vụ án. Làm cách nào, hai ngày trước đó, khi chưa có thẩm quyền mà ông Lâm đã kí được vào quyết định xử lí vật chứng?

Ông Trần Thông, kiểm sát viên tại phiên tòa nói rằng, một số tài liệu được ghi lùi thời gian về năm 2005 là có thật. Việc bổ sung này là để hợp thức hóa hồ sơ chứ không ảnh hưởng đến vụ án. Một kiểu nói được các luật sư gọi là… buồn cười và yêu cầu tòa án khởi tố vụ án giả mạo trong công tác.

Ngoài ra, phiên tòa còn khiến dư luận khó hiểu khi viện kiểm sát bổ sung cáo trạng… bằng miệng. Điều mà chắc chắn lịch sử tố tụng Việt Nam chưa từng xảy ra.

Bỏ qua nhân chứng do bị cáo khai

Sau khi rời phòng xử án, bà Nguyệt đi tìm nhân chứng đến hai giờ sáng dẫn tới tình trạng kiệt sức, ngất xỉu, nằm ngửa cho chủ tọa Võ Tấn Sinh xét xử. Các nhân chứng sau đó được bà Nguyệt khai tên, địa chỉ nhưng hội đồng xét xử không làm rõ những lời khai này.

Luật sư yêu cầu tòa quay trở lại phần xét hỏi thì chủ tọa Võ Tấn Sinh liên tục cắt.

Sự thực là, nếu các nhân chứng do bà Nguyệt khai chứng minh có bán dê cho bà Nguyệt trong tổng số đàn dê 52 con thì đây là tranh chấp dân sự. Các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Bắc Bình đã hình sự hóa một quan hệ dân sự để rồi mọi việc rắc rối như ngày nay.

Hội đồng xét xử chỉ khăng khăng một điều để buộc tội là đàn dê đang thuộc quyền quản lí của bà Y theo biên bản tạm giao đàn dê của cơ quan chức năng. Bị cáo chở dê đi là trộm cắp. Điều này được ví von dễ hiểu hơn là một người đem xe máy đi gửi, sau đó lén lấy xe của chính mình thì vẫn là trộm cắp tài sản.

Tuy nhiên, bà Lâm, người bán đất cho bà Nguyệt khai tại tòa, bà chỉ bán đất cho bà Nguyệt, không biết bà Y mua đất khi nào, mua của ai. Việc cha dượng của bà Nguyệt tự ý bán đất và dê cho bà Y là trái pháp luật. Việc mua bán này phải được vô hiệu. Hơn nữa, bà Y chỉ mới đưa 30 triệu đồng, trong khi giá trị của cả trang trại là 130 triệu đồng.

Mất hết tài sản không quan trọng bằng án trộm cắp. Bà Nguyệt uất ức khóc tại tòa.

Tuồn hồ sơ là phạm pháp

Hồ sơ của vụ án là những chứng cứ quan trọng để xác định sự thật của nó. Thư kí tòa Văn Hồng Lễ đã tuồn ra ngoài cho bị hại là phạm pháp, nhưng tố cáo của các luật sư chưa được xem xét.

Ông Trần Thông, kiểm sát viên cho rằng, bà Y là dân làm ăn nên thư kí tòa đưa hồ sơ cho bà là bình thường. Luật sư vặn: bị cáo cũng là người làm ăn sao tòa không đưa hồ sơ?

Với các dấu hiệu phạm tội kể trên, các luật sư yêu cầu tòa án tiếp nhận tố giác bằng biên bản nhưng chủ tọa Võ Tấn Sinh vẫn chưa có động thái gì trước thông tin tội phạm.

Còn quá nhiều khuất tất

Xét xử một vụ án là nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, trừng trị người phạm tội và công bằng đối với bị hại. Tuy nhiên, kì án trộm dê còn cho thấy rất nhiều hình ảnh phản cảm khi bị cáo nằm ngửa cho tòa xử, chủ tọa tạo ra sự gay gắt, căng thẳng trong phòng xử và kiểm sát viên “cụt lí” khi tranh luận…

Những ngày ở tòa án để theo dõi diễn tiến, đưa tin, phóng viên nhận được ý kiến của một số người mặc thường phục, rằng báo chí đả phá nặng tay với các cơ quan tiến hành tố tụng Bắc Bình.

Xin thưa, báo chí phản ánh khách quan diễn biến tại tòa. Sự thật khách quan trở thành dư luận công kích tòa án, chẳng qua là do chính tòa, viện đã bộc lộ những “huyệt đạo” nguy hiểm của mình cho dư luận điểm trúng.

Không có “chiêu thức” nào quan trọng bằng thái độ công tâm, tôn trọng pháp luật và ý thức bảo vệ thân phận một con người.

Thử hỏi, trong gần 10 năm qua, các cơ quan tố tụng huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã thấu đáo với thân phận bị cáo Nguyệt chưa, khi mà chưa xác định được chủ sở hữu đàn dê đã đẩy bị cáo vào tù?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại