Hạnh phúc vỡ tan
Lưu Huỳnh Tây (SN 1990, thị trấn An Định, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) sinh ra trong một gia đình nghèo. Tuy suốt ngày vất vả ở ngoài đồng, nhưng cha mẹ hắn vẫn cố gắng nuôi gã ăn học.
Tuy nhiên, với tính ham chơi hơn ham làm, khi bước vào cấp ba, sức học yếu, lại thường tụ tập cùng bạn bè xấu, không đuổi kịp bài vở nên Tây bỏ học. Cha mẹ buồn bã, nhiều lần khuyên nhủ, nhưng gã nhất quyết làm theo ý mình.
Hàng ngày, Tây ra đồng phụ giúp cha mẹ kiếm thêm miếng cơm manh áo. Mỗi khi rảnh, gã lại cùng bạn bè nhậu nhẹt. Trong thời gian này, gã phải lòng một người con gái cùng quê, thường xuyên trêu ghẹo, tìm mọi cách để tán tỉnh. Cũng như bao cô gái mới lớn khác, thấy có chàng trai đeo đuổi thì cô bé cũng rộn ràng. Thế rồi không lâu sau, đám cưới của hai người cũng được diễn ra. Chưa tròn một năm sau, cô sinh cho gã một đứa con kháu khỉnh.
Tuy đã lập gia đình nhưng vì tuổi còn quá trẻ, Tây không hề để ý gì đến vợ con, vẫn tụ tập, đàn đúm bạn bè. Cô vợ trẻ nhiều lần khuyên chồng nhưng không được thì buồn bã ôm con nước mắt lăn dài. Chỉ mới sinh được vài tháng, cô phải để con ở nhà ra đồng cày thuê, cuốc mướn để kiếm tiền. Không chịu nổi, cô đã bỏ chồng ra đi không lời từ giã.
Trước những lời soi mói, Tây không chịu đựng nổi đành gửi con thơ cho cha mẹ, còn mình xách ba lô lên Sài Gòn kiếm việc làm.
Gã chồng hờ tàn độc
Sống một mình ở thành phố, Tây mới thấm nỗi cô độc chính mình lựa chọn. Gã khao khát có một người phụ nữ để cùng sẻ chia niềm vui nỗi buồn. Tại đây, gã quen biết chị N.T.Th. (SN 1987, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Với miệng lưỡi ngọt ngào, gã rủ chị về sống cùng phòng trọ để có thể chăm sóc cho nhau lại vừa giảm chi phí.
Sau một thời gian suy nghĩ, chị Th. đồng ý. Đôi vợ chồng hờ hàng ngày vẫn đi làm, tối về lại sum vầy bên nhau. Tuy nhiên, cả Th. và Tây đều giống nhau ở một điểm là thích hưởng thụ hơn ham làm nên thường xuyên xảy ra cãi vã.
Khoảng 13h ngày 2/6/2012, thấy trong người hơi mệt, Tây xin về sớm để nghỉ ngơi. Khi về đến nhà, gã đói bụng, lục tung bếp nhưng không có một chút gì để lót bụng nên bảo Th. nấu cơm cho mình ăn. Lúc này, Th. đang thay áo quần, trang điểm để đi chơi nên bỏ ngoài tai lời nói của chồng hờ. Thấy lời nói của mình không có trọng lượng, Tây lớn tiếng chửi mắng. Th. cũng không chịu thua, cãi lại ra rả. Trong lúc tức giận, Tây đóng mạnh cửa làm kính bị vỡ. Biết nếu mình ở nhà thì sẽ tiếp tục gây gổ với Th. nên Tây bỏ đến nhà bạn.
Đến khoảng 22h cùng ngày, Tây về phòng trọ thì thấy Th.. Sau khi ăn cơm xong, Tây và Th. cùng nhau nằm nghỉ. Th. vẫn giận chuyện hồi trưa nên cằn nhằn. Tây yêu cầu im lặng để mình ngủ, sáng mai còn đi làm, nhưng Th. vẫn tiếp tục lải nhải bên tai. Cũng như bao lần trước, hai bên không ai chịu ai lại xảy ra cãi vã.
Tức giận, Tây dùng tay tát vào mặt Th.. Đau điếng, Th. liền dùng tay trả đòn. Tây liền xông vào ôm, vật xuống sàn và ngồi lên người, rồi dùng tay bóp cổ. Th. vùng vẫy, nhưng chân yếu tay mềm nên không thể chống cự lại được với sức mạnh của một gã đàn ông. Th. càng cố dùng sức kéo tay Tây ra thì gã lại càng siết mạnh. Chừng năm phút sau, thấy Th. không còn động đậy, kêu la, Tây ngồi dậy kiểm tra và phát hiện Th. đã ngưng thở.
Tây kéo Th. vào nhà vệ sinh, lấy mùng, màn, gối, quần áo cho vào bao nilon đem vứt tại bụi cây cách phòng trọ khoảng 50m với ý định phi tang. Vào phòng trọ, nhìn thấy Th. nằm dài, khuôn mặt trắng bệch, gã hoảng loạn không biết phải làm gì. Ngồi thinh lặng, suy nghĩ một lúc khá lâu, gã quyết định nhấc điện thoại báo cho gia đình chuyện mới xảy ra.
Nhận được điện thoại, cha và anh trai của gã lập tức đến và phát hiện Th. đã tử vong. Hai người khuyên Tây nên ra đầu thú để hưởng được sự khoan hồng của pháp luật. Khoảng 3h sáng hôm sau, gã thất thểu đến cơ quan công an quận 7 đầu thú.
Bản án đích đáng
Trước đó, TAND TP.HCM mở phiên tòa lưu động và tuyên phạt Lưu Huỳnh Tây án chung thân về tội giết người. Nhận thấy mức án này là quá nặng đối với hành động mình đã gây ra, Tây viết đơn kháng cáo, xin giảm án.
Mới đây, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử đối với Tây. Tại phiên tòa, Tây khai nhận toàn bộ hành vi của mình đã gây ra. Tuy nhiên, gã luôn miệng cho rằng: “Bị cáo không cố ý sát hại Th.”. Vị chủ tọa nhẹ nhàng phân tích: “Nếu không cố ý sát hại chị Th. thì tại sao bị cáo lại dùng tay siết cổ nạn nhân?. Vả lại, bị cáo đâu phải trẻ lên ba mà không biết siết cổ nạn nhân mạnh, trong khoảng thời gian dài thì sẽ gây ra án mạng?”. Tây nghe vị chủ tọa nói mà chỉ biết cúi đầu im lặng.
Tây thừa nhận, trong suốt quãng thời gian sống với nhau, giữa Tây và chị Th. thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Tuy nhiên, những mâu thuẫn đó đều nhanh chóng được giải quyết một cách êm đẹp. Trong đầu gã, đôi lúc cũng nghĩ đến chuyện sẽ kết hôn với người phụ nữ này. Tuy nhiên, mong muốn đó chưa kịp thực hiện thì gã đã ra tay sát hại người mình định cưới làm vợ.
Đứng sau vành móng ngựa, Tây cho biết, từ khi vợ bỏ nhà ra đi, trong lòng gã lúc nào cũng buồn bã, hối hận về việc trước đây mình không để ý gì đến hạnh phúc gia đình. Chỉ đến khi mọi thứ đã vuột khỏi tầm tay, gã hối tiếc nhưng đã muộn.
Bên cạnh đó, sau khi vợ bỏ đi, bị hàng xóm bàn ra tán vào, gã ngượng ngùng, đành gửi con thơ ở lại cho cha mẹ nuôi, còn mình lên thành phố kiếm việc làm với hy vọng sẽ kiếm được nhiều tiền gửi về nuôi con. Vài tháng đầu, gã gửi một ít tiền về quê để phụ cha mẹ mua sữa cho con, đến khi quen Th., gã bận chăm lo cho người tình mới nên quên luôn nhiệm vụ gửi tiền về nhà.
Trong suốt những ngày ngồi trong trại giam, Tây luôn nghĩ về hành động của mình đã gây ra. Đặc biệt, sau phiên tòa sơ thẩm, gã lại càng lo sợ cho cuộc đời của mình hơn. Gã tự vấn, không biết, con mình lớn lên sẽ đối mặt với mọi người như thế nào khi nhận thức được mẹ bỏ nhà đi theo người đàn ông khác, còn cha phải ngồi tù vì sát hại người tình.
Gã biết, mình đã gây trọng tội, nhưng vẫn luôn tin sẽ được giảm án trong phiên tòa phúc thẩm để sớm trở về nhà sớm chăm sóc con, cũng như đến nhà của chị Th. thắp nén nhang tạ tội. “Bị cáo chỉ muốn nhận được án tù có thời hạn để về quê chuộc lại mọi lỗi lầm”, gã lí nhí.