Ở đời, không thiếu người đàn ông phụ bạc vợ con nhưng vẫn được tha thứ, mở rộng vòng tay đón về tổ ấm. Chỉ có những người đàn bà ngoại tình đều trở thành trắng tay sau cuộc tình hờ.
Thiếu phụ Đỗ Thị N.B. trong vụ án sau đây là số ít may mắn vẫn được người chồng và gia đình tha thứ. Nhưng định mệnh thật nghiệt ngã, hệ lụy từ cuộc tình lầm lỗi của B. đã khiến người chồng phải lãnh án 23 năm tù, còn bản thân B. phải mang nỗi day dứt, ân hận suốt đời…
Tình đẹp tan vỡ
Đỗ Thị N.B. (SN 1983, quê ở xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) có vẻ đẹp đặc trưng của cô gái xứ Đoài: Dáng người chắc lẳn, mộc mạc, khỏe khoắn. Gái quê nghèo, quanh năm chân lấm tay bùn nhưng B. được trời phú cho da trắng, tóc dài rất dễ thương. Năm 20 tuổi, B. nên duyên với Đặng Trần Thân một chàng trai nghèo cùng xã.
B. và Thân sống cùng làng, quen biết nhau từ nhỏ, lớn lên yêu rồi cưới, chứ cũng chẳng ai ép uổng gì. Cưới xong, vợ chồng B. sống cùng mẹ chồng trong căn nhà nhỏ ở đầu làng; bà cụ mở quán bán hàng nước, tạp hóa, kiếm đồng ra đồng vào và phụ giúp con trông cháu nhỏ.
Hàng ngày Thân đi làm thuê, bốc vác, phụ hồ đủ cả, có khi đi xa hàng tháng mới về nhà. Đưa vợ được vài triệu đồng lo cho con ăn học, dành dụm thuốc thang cho mẹ già lúc “trái nắng trở trời”, nhưng cũng có khi Thân về mà không đưa cho vợ được đồng bạc nào. B. cũng không vì thế mà mặt nặng mày nhẹ hay trách mắng chồng.
Thời buổi người khôn của khó, đi tha hương xứ người cũng đâu dễ kiếm ăn. B. ở nhà lo việc đồng áng, chăm con và làm thuê lặt vặt trong thôn, xã. Cuộc sống của vợ chồng B. nghèo, quanh năm phải giật gấu vá vai mới đủ, nhưng được cái mẹ chồng nàng dâu êm ấm, vợ chồng hạnh phúc thuận hòa.
Trong quá trình lang thang đi làm thuê, chẳng may Thân gặp nạn mất một bên mắt phải. “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, từ ngày thành tàn tật, công việc làm thuê của Thân gặp khó khăn hơn, vì người lạ nhìn thấy Thân chột mắt, dữ dằn, khắc khổ thì không ai dám thuê mướn.
Nhìn vợ chồng Thân như một đôi đũa lệch. Thân xấu xí thô ráp trong khi cô vợ ở tuổi đang xoan trông xinh xắn nõn nà. Tuy vậy, B. vẫn một lòng một dạ yêu chồng.
Tuy không có vẻ bề ngoài bảnh bao nhưng bù lại Thân chịu khó làm ăn và yêu vợ thương con rất mực, điều đó còn tốt hơn nhiều người “dẻ cùi tốt mã”.
Khoảng đầu năm 2009, khi con đường đại lộ Thăng Long được thi công chạy qua xã Ngọc Mỹ, vợ chồng Thân xây sửa thêm quán để B. bán nước và hàng tạp hóa tại nhà. B. xinh xắn, có duyên nên khách hàng rất đông, trong đó có anh Lê Văn H. (25 tuổi, quê Thanh Hóa) là công nhân thi công con đường.
Thấy anh H. ngoan ngoãn lễ phép, qua trò chuyện biết H. cũng là con nhà nghèo mà có chí hướng, vừa đi làm công nhân vừa đi học Đại học tại chức thì vợ chồng Thân rất mến, coi H. như em trai. Thân còn kết nghĩa anh em với H. và nhiều lần mời H. đến ăn cơm cùng gia đình, và còn cho H. vay tiền những khi chưa đến kỳ lương.
Tuy vợ chồng cũng không dư dả gì nhưng Thân vẫn hào phóng tặng cho H. một chiếc điện thoại để tiện liên lạc. Khi nào có đồ ăn ngon lại “a lô” cho H. đến nhà ăn cơm. Không ngờ, chiếc điện thoại đó lại là phương tiện phá tan tổ ấm của Thân.
Bẫy em kết nghĩa để trả thù tình
Chuyện là những khi Thân vắng nhà đi làm thuê, H. thường xuyên tranh thủ đến quán của B. uống nước, ăn kẹo lạc, kiếm câu chuyện làm quà, đôi khi chẳng có chuyện gì cũng ghé qua để “ngắm bà chị cho đỡ nhớ”.
Ban đầu B. cũng chỉ nghĩ đó chỉ là những câu bông phèng, thậm chí B. còn mắng H. nói năng cợt nhả. Nhưng rồi những khi chỉ có hai người với nhau, H. khen B. “trắng thế, xinh thế mà sao lại lấy anh Thân?” khiến B. không khỏi bối rối, xao xuyến.
Rồi thiếu phụ trẻ đã xiêu lòng trước cái nhìn như thiêu như đốt, trước những lời âu yếm vuốt ve của chú em kết nghĩa. B. đã lừa chồng dối con ngã vào vòng tay H. lúc nào không hay.
Về phía Thân, sau những ngày đi làm mưa nắng dãi dầu trở về nhà, nghe dân làng xôn xao đàm tiếu về mối quan hệ bất chính của vợ mình với chú em kết nghĩa nhưng Thân không tin.
Tuy nhiên, Thân ngấm ngầm theo dõi và kiểm chứng thì thấy rõ ràng H. và B. “có vấn đề”.
Cho đến sáng 11/10/2010, điện thoại của B. có tin nhắn, Thân định mở ra xem thì bị vợ giật lại, xóa đi. Tuy vậy, Thân vẫn bắt thóp buộc B. phải thú nhận chuyện ngoại tình với H.
Vẫn còn yêu chồng, vẫn tha thiết với tổ ấm gia đình nên B. đã thú nhận chuyện quan hệ bất chính trong nước mắt và hết lời xin chồng tha thứ. B. còn nhắn tin cho H. trước mặt chồng với nội dung đoạn tuyệt tình cảm vì vẫn yêu chồng và không muốn mất gia đình.
Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, H. vẫn cố tình níu kéo, không chịu buông tha và còn xin được gặp B. lần cuối. Thân vô cùng căm hận, nên nghĩ ra cách buộc B. phải lấy công chuộc tội.
Tối 15/10/2010, Thân lấy điện thoại của B. rồi nhắn tin mùi mẫn vào máy của H. hẹn 7 giờ tối nay gặp nhau tại cánh đồng Bói. Nhận tin, lập tức anh chàng H. hồ hởi đến gặp người tình mà không hay rằng sau đó là một âm mưu.
Trước khi đi, Thân thủ sẵn con dao chở vợ ra chỗ hẹn hò rồi nấp ở dưới lòng mương, để B. ra gặp H. Vài phút sau, H. xuất hiện, lao bổ vào ôm lấy B. thì bị Thân vác dao xông ra chém dã man cho đến khi nạn nhân bất động.
Sau đó, vợ chồng Thân tìm mọi cách phi tang hung khí, xóa các dấu vết. Sáng hôm sau, khi phát hiện ra thảm án, Thân đã bị khởi tố bắt giam về tội “Giết người”, Cướp tài sản; B. cũng bị khởi tố về tội “Che dấu tội phạm”.
Cho dù tội ác của Thân vô cùng dã man, cho dù Thân ra tòa với gương mặt có một bên mắt phải bị chột trông thật đáng sợ nhưng những người dự phiên tòa hôm đó, khi hiểu rõ nguồn cơn khiến Thân gây tội ác đều cảm thông với bi kịch của Thân.
Xét nạn nhân cũng là người có lỗi, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt Đặng Trần Thân 20 năm tù về tội "Giết người", 3 năm tội "Cướp tài sản" tổng hợp hình phạt Thân phải chấp hành là 23 năm tù; Đỗ Thị B. cũng bị phạt 15 tháng tù cho hưởng án treo về tội "Che giấu tội phạm".
Là luật sư được chỉ định bào chữa cho bị cáo Thân, tôi vô cùng thương cảm, xót xa cho hoàn cảnh của thân chủ mình. Ở góc độ nào đó, Thân cũng chỉ là nạn nhân của cuộc tình bất chính giữa vợ và nạn nhân H. Những cuộc tình bất chính luôn tiềm ẩn nguy cơ hiểm họa.
Giá như B. vợ của Thân đừng trót mơ giấc mơ ong bướm với người đàn ông không phải chồng mình, giá như B biết sống đúng bổn phận và trách nhiệm của mình… Ôi đáng buồn làm sao cái chữ “giá như”, khi mà nó luôn được thốt ra đầy cay đắng xót xa, tiếc nuối cho những gì đã vĩnh viễn thuộc về quá khứ.