Gặp lại thẩm phán “cải tử hoàn sinh” cho 8 bị cáo

Vụ án “trộm cắp cổ vật” được các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang điều tra, truy tố gần như cùng lúc với vụ án Nguyễn Thanh Chấn.

Cũng giống vụ án ông Chấn, 8 bị cáo vụ án này được xác định bị làm oan.

Trong phiên tòa diễn ra tháng 6/2006, thẩm phán chủ tọa Giáp Văn Hán (Phó chánh án TAND tỉnh Bắc Giang) đã trả tự do cho cả 8 bị cáo và trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nhờ đó các bị cáo đã được minh oan. Nhân dịp năm mới, PV Tiền Phong cùng thẩm phán Hán ôn lại kỷ niệm về phiên tòa này…

Không đủ căn cứ - không tuyên phạm tội

Trong phiên tòa “trộm cắp cổ vật”, ông có niềm tin nội tâm toàn bộ các bị cáo đã bị làm oan?

“Niềm tin nội tâm” là khái niệm cũ rồi. Trước đây, khi chứng cứ yếu, cán bộ tiến hành tố tụng hay sử dụng khái niệm này. Giai đoạn hiện nay, hoạt động tố tụng không thể suy đoán mà phải trên cơ sở chứng cứ và quy định pháp luật.

Pháp luật quy định cán bộ tiến hành tố tụng phải thu thập, đánh giá những tài liệu, chứng cứ cột tội, và cả những tài liệu, chứng cứ gỡ tội. Theo ông, trong vụ án này, đâu là chứng cứ gỡ tội cho các bị cáo?

Ở giai đoạn xét xử, thông thường thẩm phán phải dựa trên tài liệu, chứng cứ của CQĐT, luận tội của cơ quan công tố, trên cơ sở đó xét xem có đủ để kết tội bị cáo không, nếu đủ thì áp dụng hình phạt thế nào. Trong vụ án này, qua nghiên cứu hồ sơ và diễn biến phiên tòa, chúng tôi thấy chưa đủ căn cứ để kết tội các bị cáo. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu điều tra lại 10 vấn đề. Kết quả, việc điều tra đó không khắc phục được, các bị cáo đã được đình chỉ điều tra.

Vụ án nào cũng có áp lực

Trả hồ sơ điều tra bổ sung cũng thường xảy ra. Nhưng nêu ra hàng loạt yêu cầu chặt chẽ như trong quyết định của ông là khá hy hữu!

Hoàn hồ sơ giữa các cơ quan tố tụng là vấn đề bình thường. Tuy nhiên, gần đây nhiều cơ quan lấy đó làm chỉ tiêu thi đua, dẫn đến việc xem xét hồ sơ nhiều khi chưa toàn diện, kỹ lưỡng, dễ xảy ra sai sót. Chính việc chạy theo chỉ tiêu, chạy theo thành tích là một trong những nguyên nhân làm hồ sơ chưa chu đáo của cơ quan tiến hành tố tụng.

Yêu cầu điều tra bổ sung buộc các cơ quan điều tra, cơ quan truy tố làm rõ nhiều vấn đề như vậy, ông có phải chịu áp lực nào không?

Vụ án nào cũng có áp lực. Cơ quan tiến hành tố tụng nào cũng phải chịu trách nhiệm. Mỗi cơ quan đều có ý chí chủ quan, đều mong muốn kết luận điều tra, cáo trạng, bản án… được khâu tiếp theo chấp nhận. Trong vụ án này, chúng tôi cũng nhận được ý kiến không đồng tình, cho rằng chúng tôi chưa kiên quyết trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Chúng tôi có quan điểm phòng chống tội phạm nhưng không được làm oan. Sự thống nhất phải đạt được trên cơ sở pháp luật chứ không phải nể nang cá nhân, hoặc để đạt chỉ tiêu, thành tích.

Đông đảo người dân tham dự phiên tòa đánh giá rất cao việc ông cho các bị cáo được tại ngoại…

Việc cho các bị cáo tại ngoại, căn cứ quy định pháp luật, HĐXX có đủ thẩm quyền để thực hiện. Về lý do, thời gian điều tra quá lâu, các bị cáo sức khỏe không đảm bảo, một bị cáo đã chết trong thời gian tạm giam. Để đảm bảo quyền lợi các bị cáo, HĐXX tạm thời trả tự do cho họ, tránh xảy ra những hậu quả nghiêm trọng hơn. Nếu sau này họ bị kết tội thì theo quy định pháp luật, họ vẫn phải tiếp tục thụ án.

Thẩm phán Giáp Văn Hán (trái) và PV.

Đừng làm theo cảm tính

Nếu được góp ý sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự, ông sẽ đưa ra những kiến nghị gì để hạn chế oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự?

Tôi sẽ đề nghị sửa đổi Pháp lệnh Điều tra hình sự, quy định chặt chẽ quyền và nghĩa vụ của điều tra viên, trang bị đầy đủ các phương tiện phục vụ hỏi cung, phân rõ trách nhiệm cơ quan quản lý phạm nhân và cơ quan điều tra, tạo môi trường khách quan, tránh bức cung, ép cung, tránh công dân phải nhận tội oan. Tôi cũng đề nghị luật sư phải được tham gia ngay từ giai đoạn điều tra, để đảm bảo khách quan và đảm bảo quyền công dân.

Trong điều kiện chúng ta đang áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, là một thẩm phán giàu kinh nghiệm, ông có lời khuyên nào cho các thẩm phán trẻ để họ phòng tránh được làm oan cho người vô tội?

Cuộc đời công tác của tôi kể từ khi tôi được bầu (chứ không phải bổ nhiệm) làm thẩm phán, từng xét xử nhiều loại án không riêng hình sự, tôi luôn quan niệm cố gắng làm sao để không gây ra các thiệt hại không đáng có cho công dân, tổ chức, Nhà nước. Lời khuyên của tôi đối với các đồng nghiệp trẻ tuổi là phải làm việc, đánh giá vấn đề phải dựa trên quy định pháp luật, không được suy diễn cảm tính.

…và đừng làm điều ác

Vụ án Nguyễn Thanh Chấn được TAND tỉnh Bắc Giang xét xử trước khi xét xử vụ “trộm cắp cổ vật”. Bài học kinh nghiệm nào qua vụ án ông Chấn đang gây xôn xao dư luận cả nước, thưa ông?

Theo kết quả xét xử giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, đây là bài học của Bắc Giang, và tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung. Ông Chấn có oan hay không, trách nhiệm thuộc về ai, phải do cơ quan có thẩm quyền kết luận. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, xem xét lại, chúng tôi thấy vấn đề đánh giá chứng cứ chưa được xem xét một cách toàn diện, chưa quan tâm lời kêu oan của đối tượng bị truy tố, chưa làm rõ được các yếu tố cấu thành tội phạm của ông Chấn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại