>> Toàn cảnh vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị xử oan ÁN OAN 10 NĂM
Gần 4.000 ngày oan trái
Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ của gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) mấy hôm nay nườm nượp người.
Nghe tin ông Chấn trở về, làng xóm, anh em họ hàng đến chia vui. Những giọt nước mắt đã lăn, những vòng tay siết chặt, những tiếng thở dài sau 10 năm oan trái…
Ông Chấn nằm bẹp dúm trên chiếc giường cũ kỹ- chiếc giường của hai vợ chồng mà đã gần 4.000 ngày, thiếu hơi ông. Gần 4.000 ngày, ông bị biệt giam trong nhà tù với tội danh mà người đời khinh bỉ.
Và cũng gần 4.000 ngày, vợ ông – bà Nguyễn Thị Chiến vò võ với những lời lẽ miệt thị của hàng xóm: “Chồng nó là kẻ giết người, hiếp dâm”. Với bà Chiến, những lời nói đó còn đau hơn trăm ngàn mũi dao đâm vào tim.
10 năm đi tìm chân lý
Góp công lớn cùng bà Chiến để đưa vụ án ra ánh sáng, đòi lại công lý cho ông Chấn không thể không kể đến ông Thân Ngọc Hoạt – đồng hao với ông Chấn.
Theo ông Hoạt, ngay từ những ngày đầu ông Chấn bị bắt giam, ông đã phải tận dụng tất cả các mối quan hệ để được vào gặp trực tiếp ông Chấn.
Lần đầu tiên gặp người em đồng hao với mình, ông Hoạt gằn giọng hỏi: "Sao chú lại làm cái việc táng tận lương tâm như thế?".
Nghe ông Hoạt hỏi, “phạm nhân lương thiện” đổ rụp xuống như cây chuối héo và nói: “Anh mà cũng nghĩ em làm việc đó à?. Dứt lời, hai hàng nước mắt rơi lã chã trên khuôn mặt hốc hác của Nguyễn Thanh Chấn".
Sau lần gặp đó, linh tính mách bảo cho ông Hoạt rằng ông Chấn bị oan. Bởi thế, ông Hoạt đã đứng về phía bà Chiến để tìm cách bảo vệ người này. Tuy nhiên, đến khi tòa xét xử, tuyên án chung thân đối với ông Chấn về tội giết người, ông Hoạt và hầu hết người trong làng đều cảm thấy hụt hẫng.
Không nản chí, ông Hoạt tìm đến luật sư Nguyễn Đức Biền - luật sư được chỉ định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Chấn để tìm ra sự thật.
"Riêng cái kết luận nạn nhân chết đúng 19h30 tôi cho là không đúng sự thật. Bởi thời điểm đó, có ông Quyền đến mua mắm, ông Thực đến gọi điện, bà Nhâm ngồi chơi. Chính ông Thân Văn Thực - thương binh trong làng là người có thể làm chứng chuẩn xác nhất.
Thời điểm đó, ông Thực sang nhờ ông Chấn bấm số điện thoại cho ông Thực xin một cuộc gọi. Sau đó, tôi đã đích thân đi xin chữ ký xác nhận sự việc của những người có mặt hôm đó. Tuy nhiên, ông Thực nhất quyết không ký.
Về sau, tôi phải lên bưu điện tỉnh xin lại danh sách các cuộc gọi và giá cước của nhà ông Chấn ngày hôm đó để về làm bằng chứng, bắt buộc ông Thực phải ký nhận" - ông Hoạt chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Hoạt, còn nhiều câu chữ không chuẩn xác trong bản kết luận điều tra như: "Theo tính chất cơ học, hai vết chân phải và trái ở hiện trường gần đúng với chân của Chấn. Thế rồi, hôm xử tòa, luật sư cho rằng gần đúng có nghĩa là chưa đúng.
Tôi cũng đặt vấn đề như thế. Ngoài ra, tôi cho rằng, tại sao với hiện trường vẫn còn nguyên vẹn, với nghiệp vụ điều tra công an có thể nhanh chóng tìm ra sự thật, tại sao chỉ căn cứ vào bản nhận tội để kết luận vụ án…".
Cũng theo lời ông Hoạt, từ những thông tin đứt quãng, chưa thật rõ ràng của một người họ hàng với Lý Nguyễn Chung (nghi phạm mới ra đầu thú về tội mà ông Chấn đang gánh chịu) nói ra, ông và bà Chiến đã âm thầm lần theo từng manh mối, để làm cơ sở minh oan.
Cũng từ đây, tất cả những cuộc nói chuyện với người nhà Lý Nguyễn Chung đều được bà Chiến và ông Hoạt bí mật ghi âm lại. Lắp ghép những thông tin có được, chân dung nghi phạm ra tay giết hại chị Hoan được dựng lên.
Theo bà Chiến, điều khiến bà nghi ngờ nhất là sau khi vụ án xảy ra, Chung gần như không còn xuất hiện ở làng Me nữa. Tìm hiểu, bà Chiến được biết hiện anh này đã lấy vợ, có con và đang làm ăn sinh sống ở tận Đắk Lắk.
Và cuối cùng, sau 10 năm lẩn trốn, chút lương tri còn sót lại trong con người Lý Nguyễn Chung đã thôi thúc y đến cơ quan điều tra để tự thú, giải oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn.