Trong khi người dân địa phương liên tiếp “có chuyện để nói” thì phụ nữ này lại làm đơn tố cáo bị anh rể “gạ tình” không được, quay sang rải truyền đơn nói xấu.
Anh rể “mời” em dâu vào nhà nghỉ
Người phụ nữ này liên tục than thở về câu chuyện “họa vô đơn chí” của mình với nỗi bức xúc chỉ trực trào lên: “Biết là chẳng nên vạch áo cho người xem lưng, tôi cũng đã cố nín nhịn vì nghĩ cùng là người một nhà nhưng anh ta lại cố tình gây chuyện, muốn gia đình tôi phải “tan đàn xẻ nghé”.
Câu chuyện bắt đầu từ những mâu thuẫn vợ chồng chị H. xảy ra khoảng đầu năm 2013 khiến nhiều người dân địa phương bàn tán, dị nghị. Ngay sau đó, người anh rể nhắn tin cho em dâu an ủi, động viên, lại còn tỏ ý muốn gặp chị “ nói chuyện gia đình” vì nghe nhiều người bàn tán quá.
“Trước đó, dù là anh rể, em dâu nhưng chúng tôi ít khi nói chuyện hay liên lạc với nhau như vậy. Tôi tưởng anh ta có ý tốt muốn giúp vợ chồng tôi hàn gắn nên mới quyết định gặp mặt nói chuyện”, chị H. cho biết.
Buổi sáng hôm đó, chị H. nhận được tin nhắn của anh rể gọi điện hẹn lên thị trấn cách nhà mấy cây số để “nói chuyện gia đình”. Ban đầu, chị Hiên ngại ngùng từ chối, muốn gặp mặt ở nhà nhưng anh rể một mực nài nỉ “sợ mọi người nghĩ này nghĩ nọ, không hay”.
Sau khi phóng xe đến điểm hẹn, người anh rể gửi xe vào một quán nước, lấy lý do “đi chung xe cho tiện nói chuyện” rồi lên xe chở em dâu. Đi vòng vèo một hồi, người anh rể tỏ nhã ý muốn “mời” em dâu vào nhà nghỉ “nói chuyện chứ không làm gì đâu” nhưng bị cô em dâu kiên quyết từ chối.
Chị H. cho rằng anh rể đã “gạ tình” mình?
Chị H. kể: “Lúc đó, tôi nhận ra anh ta là người không đứng đắn nên chỉ muốn về ngay, nhưng anh ta nói chuyện liên quan đến gia đình em, anh ta chỉ có ý tốt nên sau đó, tôi đồng ý tới một địa điểm công cộng để nói chuyện”.
Sau hôm đó, người phụ nữ này liên tiếp nhận được những tin nhắn hẹn gặp từ số điện thoại của anh rể nhưng chị đều từ chối. Chuyện bị anh ta “gạ gẫm” chị cũng xem như không có vì nghĩ “đều là anh em trong nhà, chẳng muốn mọi chuyện ầm ĩ”.
Tưởng vậy là yên ổn, chẳng ngờ mấy ngày hôm sau, chị nhận được tin nhắn của anh rể: “Hôm nay em có chuyện rồi. Từ giờ đến tối em sẽ rõ”. Chưa hiểu ý nghĩa tin nhắn vừa nhận được từ anh rể, chị Hiên đã thấy người hàng xóm tất tả chạy sang nhà, đưa cho chồng chị xem một tờ giấy có chữ viết bằng tay bản photocopy, nội dung “kêu gọi” chồng chị H. hãy bỏ vợ vì “vừa xấu người, xấu nết, chồng đi làm đưa giai về nhà rồi hẹn nhau đi nhà nghỉ”.
Chị tá hỏa đọc đi đọc lại “truyền đơn”, đinh ninh người đứng sau vụ việc này chẳng ai khác ngoài ông anh rể. Chị quyết định kể mọi chuyện với chồng, thậm chí còn mở tin nhắn “gạ gẫm” của anh rể cho chồng đọc.
Giải thích việc nghi ngờ anh rể viết truyền đơn nói xấu mình, chị cho rằng: “Nội dung trong tờ giấy không khác là mấy so với cuộc nói chuyện mà anh ta đã nói với tôi gần đây. Nếu không là anh ta thì là ai vào đây nữa?”.
Tờ rơi rải khắp làng “chuyện nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”
Câu chuyện về những tờ rơi vẫn chưa dừng lại, sau lần đó, chị H. và gia đình còn “nhận” được hai tờ khác, chữ đánh máy, rải ở những địa điểm đông người quanh thôn. Lần này, tờ rơi không chỉ đề cập đến “cái xấu” của chị H. mà tất tật chuyện trong nhà chị, mối quan hệ vợ chồng, quan hệ mẹ chồng nàng dâu đều được kẻ giấu mặt kể vanh vách.
Không giống tờ rơi trước gọi rõ tên chồng chị H., lần này người viết “kể lể” với mẹ chồng chị: “Cụ Long ơi, chúng con thương cụ lắm nhưng cũng chẳng làm được gì, chỉ bằng cách này chúng con mới chửi được cái lũ con giai và con dâu của cụ…”.
Lần nhận được tờ rơi thứ hai, vì cho rằng anh rể là chủ mưu của vụ việc nên chị H. uất ức bàn với chồng sẽ nói rõ mọi chuyện với chị chồng. Nhưng chưa kịp nói chuyện thì ngay sáng sớm hôm sau, ông anh rể đã sang nhà, chửi bới om sòm.
Người em dâu tức giận cũng quay qua đốp chát khiến câu chuyện càng trở nên ầm ĩ. Chị H. cho biết: “Sau đó, anh ta còn gửi tin nhắn đe dọa tôi đừng làm to chuyện, còn bảo “Tao không muốn làm cho gia đình rối lên và làm cho chồng mày bị nhục, mày đã vậy từ giờ tao cứ nói 2 đứa đã từng dẫn nhau đi nhà nghỉ nhiều lần rồi vậy họ tin tao hay tin mày”.
Ban đầu chồng tôi cũng nói “chuyện trong nhà chưa có gì tốt nhất là dập đi” nhưng sau khi đọc những tờ rơi, quá bức xúc nên anh ấy đồng ý để tôi viết đơn tố cáo về hành vi của anh rể”.
Chị H. viết đơn tố cáo gửi đến xã với nội dung anh rể có thái độ thiếu đứng đắn với mình, khi không đạt được mục đích thì nhắn tin đe dọa, tới nhà chị gây gổ, cãi vã. Theo lời người phụ nữ này, việc chị viết đơn tố cáo chỉ muốn anh rể phải công khai xin lỗi, “trả lại sự trong sạch” cho mình nhưng người anh rể lại nhất quyết không thừa nhận việc mình rủ em dâu đi nhà nghỉ và cho rằng chuyện đó hoàn toàn là bịa đặt.
Chuyện em dâu tố cáo anh rể về hành vi không đứng đắn lan nhanh khắp đầu làng cuối xóm, nơi đâu người ta cũng bàn tán, dấy lên nghi hoặc trong câu chuyện lắm điều khó hiểu này.
Theo tìm hiểu tại địa phương, khi chưa xảy ra vụ kiện cáo này thì hai nhân vật của câu chuyện cũng đã lắm điều tai tiếng. Người dân cho biết, “cô em dâu” mới năm ngoái cũng “lùm xùm tình ái”, có quan hệ bất chính với người đàn ông khác khiến gia đình lục đục một thời gian.
Ông anh rể cũng đã có tin đồn “tán tỉnh” cả cháu dâu nên bị cháu ruột vác dao tới nhà dọa dẫm, cắt đứt tình thân.
Chính quyền chậm trễ giải quyết vụ việc?
Đã gần ba tháng kể từ ngày gửi lá đơn tố cáo lên chính quyền xã nhờ sự can thiệp, câu chuyện của chị H. vẫn chưa thấy hồi kết. Câu chuyện càng thêm rắc rối khi năm lần bảy lượt, chính quyền mời hai người tới trụ sở để tổ chức giải quyết hòa giải nhưng đều thất bại.
Người anh rể ra điều kiện, chỉ chấp nhận xin lỗi … mẹ vợ (mẹ chồng chị H.) vì khiến mọi chuyện trở nên ầm ĩ gây tiếng xấu gia đình, còn những chuyện kia “tôi không làm nên tôi không phải xin lỗi”.
Cô em dâu vẫn một mực cho rằng, người anh rể viết truyền đơn bôi nhọ danh dự mình và gia đình nên nhất quyết bắt phải xin lỗi.
Tìm gặp người anh rể trong vụ việc, ngoài những cái lắc đầu từ chối nói chuyện, người đàn ông này cho biết “Mọi chuyện đều là do mâu thuẫn gia đình giải quyết không kịp thời, còn lá đơn cô ấy tố giác tôi trình ủy ban, hiện nay ủy ban đã và đang giải quyết nên tốt nhất là xuống ủy ban hỏi, theo ý kiến của ủy ban, còn tôi sẽ không trả lời bất cứ một chuyện gì”.
Người đàn ông này cũng không quên khẳng định chuyện tố cáo là hoàn toàn bịa đặt, không hề có chuyện “gạ gẫm, tán tỉnh” em dâu đi nhà nghỉ. “Bản thân tôi thời gian qua cũng bị rải truyền đơn khắp làng bêu xấu, thế thì sao có chuyện những tờ giấy kể xấu cô H. là do tôi viết được”, người đàn ông này chia sẻ.
Mọi chuyện có thể sẽ sáng tỏ nếu phóng viên gặp được chính quyền và phòng ban phụ trách vụ việc trên. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, suốt một buổi chiều tìm gặp từ trưởng thôn đến cán bộ đảng ủy phụ trách giải quyết vụ việc, phóng viên không thể gặp hay nói chuyện với họ vì lý do “bận họp mấy ngày liền”.
Thậm chí, khi tìm gặp được trưởng thôn, trong lúc phỏng vấn, người này liên tục nhận được điện thoại. Cán bộ chi hội phụ nữ thôn có mặt tại đó cũng liên tiếp ra hiệu không nói bất cứ điều gì về vụ việc của chị H. và người anh rể.
Câu chuyện với trưởng thôn Tây Tiến nhanh chóng kết thúc với kiểu trả lời chung chung “Có gì cứ lên gặp chính quyền, chúng tôi không nắm được”.
Người dân địa phương đều nhận định, dù mọi việc được giải quyết hay không, chuyện này vẫn để lại dư luận xấu ở địa phương, anh chị em trong nhà nhìn nhau như người dưng, tình nghĩa cũng chẳng còn.