“Từ lúc sinh ra đến giờ, ngày nào tôi cũng phải chứng kiến cảnh cha say xỉn về nhà đánh đập mẹ. Mẹ tôi chưa bao giờ được hưởng một ngày hạnh phúc. Đến phút cuối, còn bị chấm dứt cuộc sống theo cách tàn nhẫn nhất. Vì vậy, chúng tôi mong tòa giữ nguyên mức án tử hình ở phiên sơ thẩm đối với cha tôi”. Đó là lời nói rành rọt nhưng đau đớn của chị T, con ông Thuận tại phiên tòa phúc thẩm sáng 8-7-2013.
Tại phòng xét xử phúc thẩm, bị cáo Trương Văn Thuận cúi gằm mặt, thi thoảng lại lén lén nhìn về phía 5 người con ngồi ở hàng ghế thứ nhất. Những đứa con tránh đôi mắt của cha, đăm đăm chờ tòa nghị án.
Kẻ thủ ác kinh hoàng
Chiều 29-11-2012, chị Trương Thị Thủy (30 tuổi, ở xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) gọi điện thoại cho người mẹ ruột là bà Hoàng Thị Nhiệm, 48 tuổi. Không thấy trả lời, chị Thuỷ điều khiển xe máy lên nhà ở thôn Phước Xã, xã Đức Hoà nơi người cha ruột là ông Trương Văn Thuận, 48 tuổi đang ở một mình.
Trước đó buổi sáng cùng ngày, bà Nhiệm bảo lên nhà ở xã Đức Hoà làm cỏ trong vườn nhưng cho đến giờ không thấy về. Tại ngôi nhà bị khóa kín cửa, chị Thuỷ gọi điện cho cha ruột ông Trương Văn Thuận nhưng cũng khóa máy. Nghi có điều chẳng lành, chị Thuỷ nhờ bà con đến phá cửa vào nhà.
Gần lối đi vào căn phòng phát hiện xác bà Nhiệm bị giết chết với nhiều vết thương trên người. Tại hiện trường còn hai tờ giấy viết trăng trối. Ngoài ra còn nhiều lọ, bịch thuốc diệt cỏ đã khui đổ dưới nền. Tuy nhiên người chồng Trương Văn Thuận đã biến mất cùng phương tiện xe đạp ông thường sử dụng.
Trước vụ án mạng trên, Công an huỵên Mộ Đức, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi đã kịp thời có mặt tại hiện trường điều tra vụ việc. Bước đầu xác định bà Nhiệm bị giết chết và nghi can hung thủ là người chồng Trương Văn Thuận.
Ngay sau đó lực lượng Công an đã tập trung phong toả các khu vực trong xã Đức Hòa, một số xã lân cận, đường quốc lộ 1A và nhà ga. Hơn 20 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mộ Đức cùng Công an xã, tổ an ninh nhân dân địa phương truy tìm hung thủ.
Đến ngày 30/11, tại khu vực nghĩa địa, thuộc thôn Phước Mỹ, xã Đức Hoà, lực lượng truy bắt phát hiện nhiều chai, bịch thuốc độc vừa sử dụng bỏ lại. Tại bể nước gần đó, nhiều con cá đã bị chết vì thuốc độc trên. Cơ quan Cảnh sát điều tra nhận định khả năng ông Thuận tự tử nhưng không thành. Hoặc hung thủ tạo hiện trường giả để đánh lừa lực lượng truy bắt.
Tập trung lực lượng xiết chặt khu vực trên, đặc biệt khu vực núi Đồi, thuộc thôn Phước Mỹ, xã Đức Hòa. Cho đến trưa 3/12, phát hiện vết lằn dưới đất trong một bụi rậm trên núi Đồi, lực lượng Công an đã phong toả, dùng rựa phát bụi rậm, thì phát hiện ông Thuận đang đào hố đất núp sâu trong bụi rậm. Im lặng không chống cự, đưa tay vào còng, ông Thuận biết tội lỗi mình gây ra, và bây giờ là lúc đền tội.
Tại Công an huyện Mộ Đức, bước đầu ông Thuận khai nhận nhiều tháng qua ông và bà Hoàng Thị Nhiệm ly thân chờ quyết định TAND huyện Mộ Đức tổ chức ly hôn. Trong thời gian này bà Nhiệm sinh sống với người con gái tại TP Quảng Ngãi.
Sáng 29/11 bà Nhiệm về huyện Mộ Đức làm một số thủ tục trước khi ly hôn. Khoảng 8h sáng 29/11, trong lúc bà Thuận ở nhà mẹ ruột ở thôn Thi Phổ, xã Đức Thạnh, huỵên Mộ Đức, ông Thuận gọi điện bảo bà Nhiệm lên nhà nói chuyện và làm cỏ trong vườn. Gặp chồng tại nhà, ông Thuận bảo bà Nhiệm về lại sống với ông, nhưng bà Nhiệm không đồng ý.
Sau đó ông Thuận năn nỉ ở với ông một buổi lần cuối cùng rồi ly hôn. Tại đây lợi dụng bà Nhiệm không đề phòng, ông Thuận ra tay đập đầu bà Nhiệm vào tường và xuống nền nhà cho đến chết. Theo ông Thuận, sau khi giết vợ, ông đã uống thuôc diệt cỏ nhưng không chết.
Ông Thuận tiếp tục đi mua thuốc độc lên núi Đồi tự tử, nhưng vẫn không chết. Người chồng tìm cách bỏ trốn khỏi địa phương nhưng bị lực lượng Công an bao vây khắp xã nơi. Hết cánh ông lên núi Đồi, chui vào các bụi rậm đào hố nấp. Gần 4 ngày trời chui lủi, ban đêm lén suối uống nước và hái hoa quả ăn cầm chừng qua ngày. Cho đến trưa 3/12 thì ông Thuận bị bắt.
Nỗi đau bạo hành
28 năm chung sống. Có với nhau 5 mặt con nhưng bà Nhiệm lúc nào cũng phải sống trong sợ hãi chồng bạo hành. “Mẹ tôi chưa bao giờ dám cãi lại cha tôi vì sợ ông đánh. Cha cho ăn mới được ăn, cha bảo đứng phải đứng, cha đánh cũng cắng răn mà chịu!”, những người con của bà Nhiệm và kẻ giết người Trương Văn Thuận nói trong nước mắt tại phiên tòa phúc thẩm.
Bà T.T.Thạch - một người lặn lội hơn 20 km từ Đức Hòa ra dự phiên tòa phúc thẩm bức xúc: “Sống gần nhà của kẻ máu lạnh, ngày nào tôi cũng nghe ông ta đánh đập chửi mắng vợ con. Trụ cột gia đình mà không làm ăn để lo cho vợ con, ngược lại còn say tối ngày rồi về nhà hành hạ vợ. Giết vợ dã man, giờ còn kháng cáo xin giảm nhẹ làm gì nữa”.
Lúc mới lấy vợ, Trương Văn Thuận còn có nghề làm cửa sắt “lận lưng”, nhưng được vài năm thì nghỉ làm. Từ đó Thuận lấy men rượu làm bạn và cứ “rượu vào là đòn roi ra”. Lấy vợ được 4 năm thì Thuận phạm tội hiếp dâm rồi bỏ trốn. Một thời gian sau, Thuận quay trở về xin lỗi và được gia đình người bị hại bỏ qua.
Không trách cứ nửa lời, mẹ con bà Nhiệm lại giang rộng vòng tay chào đón ông trở về tổ ấm. Tưởng chừng sự thứ tha, bao dung của người vợ sẽ khiến bị cáo Thuận biết ăn năn, hối lỗi. Thế nhưng, những ngày tháng tiếp theo, người đàn ông này tiếp tục giáng những trận đòn thừa sống thiếu chết xuống đầu vợ con. Thậm chí có lần, bà Nhiệm còn bị chồng đánh đến gãy tay phải nhập viện.
Không thể chung sống được nữa với kẻ vũ phu, bà Nhiệm đưa đơn xin ly hôn và chuyển ra TP Quảng Ngãi sống cùng con gái. Cứ ngỡ rằng từ đây mẹ con bà Nhiệm sẽ thoát được cuộc sống “ngục tù” nhưng bà đâu có ngờ rằng ngày kí vào đơn ly hôn cũng chính là ký vào tờ giấy chấm dứt cuộc đời của chính mình. Bởi người chồng Trương Văn Thuận sau nhiều lần chửi bới, lẫn dọa nạt vẫn không níu kéo được vợ nên đã ra tay hạ sát chính người phụ nữ mà mình vẫn đầu ấp tay gối.
Nước mắt kẻ giết người
Hoàn toàn tỉnh táo và trôi chảy, bị cáo Trương Văn Thuận nói về lí do kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt tử hình mà tòa sơ thẩm tuyên trước đó: “Bị cáo rất thương vợ. Cũng vì thương nhớ vợ nên bị cáo mới năn nỉ xin vợ rút đơn li hôn. Ngày trước, đánh vợ cũng là vì vợ cãi lại khiến bị cáo nóng giận, không giữ được bình tĩnh dẫn đến đánh vợ”.
Đáp trả lại lời đề nghị xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, các con ông đứng dậy khẳng định: “Mặc dù ông Trương Văn Thuận là cha chúng tôi, nhưng chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận được tình thương gì từ ông ngoài những trận đòn roi. Mẹ cũng vì can ngăn mà bị ông đánh đập tàn nhẫn. Không bao giờ có chuyện mẹ chúng tôi cãi lời khiến ông nóng giận. Bởi suốt cuộc đời, mẹ tôi chưa một lần dám nói lại. Mẹ sợ hãi ông đến tột cùng”.
Trước tính chất dã man của bị cáo khi bóp cổ vợ, đập đầu vào tường và quật mạnh xuống nền làm bà Nhiệm chết tại chỗ, tòa phúc thẩm vẫn y án tử hình đối với bị cáo Trương Văn Thuận. Vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa nói: “Bị cáo nói rằng bị cáo thương vợ. Nhưng có ai thương vợ mà đánh đập vợ dã man suốt mấy chục năm trời. Thậm chí còn đánh tới gãy tay. Bị cáo nói rằng không cố ý giết vợ. Nhưng lúc bóp cổ, đập đầu vợ vào tường xong, bị cáo còn quật mạnh chị xuống nền đất rồi bỏ trốn, mà không hề có suy nghĩ sẽ đưa vợ đi cấp cứu. Vậy có đúng là bị cáo yêu vợ và không cố ý giết vợ hay không?”
Phiên tòa kết thúc, những người con của bị cáo và người bị hại lặng lẽ rời phiên tòa. Tất cả đều vội vàng rời đi mà không một lần nhìn lại người cha đang đứng ở vành móng ngựa. Bị cáo Thuận thất thần hướng mắt nhìn theo cho đến khi các con khuất dần sau cánh cửa rồi… khóc. Những giọt nước mắt muộn màng của kẻ giết người khẽ lăn dài trên má: “Con tôi, các con tôi đã đi rồi…”.