Chuyện về một phạm nhân "lỡ chuyến đò về… âm phủ"

Không giấu được niềm vui của một kẻ từng hai lần lĩnh “án tử”, Quê thành thực bộc bạch rằng nếu không may mắn được đặc ân giảm án, có lẽ giờ này anh ta cũng đã … “xanh cỏ”.

Trong cuộc chiến quyết liệt phòng chống ma tuý, đã có rất nhiều tên tội phạm bị bắt và phải trả giá cho tội ác của mình bằng những bản án nghiêm khắc nhưng cũng có tội phạm đã gặp may, “lỡ chuyến đò về âm phủ” vào những ngày cuối cùng của cuộc đời nhờ chính sách khoan hồng nhân đạo của pháp luật.

Phạm nhân Phạm Văn Quê, sinh 1960, ở đường Lán Bè, phường Lam Sơn, quận Lê Chân, Hải Phòng mà chúng tôi có dịp chuyện trò là một trường hợp như thế…

“Mắt xích” trong đường dây mua bán cần sa xuyên quốc gia

Tôi gặp Phạm Văn Quê trong phân trại K3, Trại giam Xuân Nguyên, giữa một ngày cuối đông. Dáng người nhỏ nhắn và khá tinh nhanh, Quê nở nụ cười rất tươi khi tiếp xúc với tôi.

“Tôi cũng là người ở Hải Phòng đấy!”. Tôi mở đầu câu chuyện như thế bởi đoán rằng Quê sẽ sốt sắng với cái tin này. Quả đúng như tôi nghĩ, Quê vồn vã: “Có thật thế không anh? Hải Phòng giờ chắc khác lắm rồi nhỉ?”. Cũng dễ hiểu thôi, với một kẻ phạm tội thì dù Quê có cách nơi chôn nhau cắt rốn của mình chỉ hơn mười mấy cây số cũng như một kẻ tha hương lâu ngày. Thế rồi không giấu được niềm vui của một kẻ từng hai lần lĩnh “án tử”, Quê thành thực bộc bạch rằng nếu không may mắn được đặc ân giảm án, có lẽ giờ này anh ta cũng đã … “xanh cỏ”.

Cũng giống như nhiều tên tội phạm ma túy khác, nguồn cơn dẫn đến vòng lao lý, phải đối diện với cái chết của Phạm Văn Quê xét đến cùng là bởi muốn kiếm tiền nhanh, bất chính mà liều lĩnh phạm tội. Vốn từng có thời gian làm cửu vạn bốc hàng thuê cho các chủ buôn lậu ở cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), đầu năm 2000, qua mối quan hệ quen biết, Khuê cùng Phạm Gia Khung (tức Phạm Quý Khung), sinh 1967, quê ở Hải Dương, quay về đầu quân “dưới trướng” của Đinh Thị Xuân (tức Quạnh), sinh 1963, ở tổ 9, khu 1, phường Ka Long. Xuân quê gốc ở xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên.

Thời điểm ấy, thị nổi tiếng trong giới buôn lậu đường biên bởi các phi vụ buôn cần sa qua bên kia biên giới mà Xuân là đầu mối “trấn giữ” cửa khẩu Móng Cái, chịu trách nhiệm đưa cần sa từ Campuchia qua TP Hồ Chí Minh rồi tuồn sang Trung Quốc. Cùng nằm trong đường dây của Xuân, ngoài Quê và Khung còn có các đối tượng như Đinh Thị Phong (em gái Xuân), sinh 1970, ở xã Hòa Bình; Nguyễn Tuấn Ngọc, sinh 1973, ở thị trấn Núi Đèo (huyện Thủy Nguyên) và Trần Văn Tuấn, sinh 1959, ở đường Trần Nguyên Hãn (Lê Chân)…

Các đối tượng này dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đinh Thị Xuân đã nhiều lần vận chuyển cần sa từ TP Hồ Chí Minh về Hải Phòng, cất giấu ở nhà Phong, sau đó tiếp tục vận chuyển ra Móng Cái rồi đưa sang Trung Quốc tiêu thụ.

Theo tài liệu điều tra, Quê cùng bọn Khung, Tuấn, Ngọc, Phong được thị Xuân “điều” vào TP Hồ Chí Minh nhận “hàng” rồi đưa lên xe đò chở từ bến xe miền Đông (TP Hồ Chí Minh) ra bến xe Niệm Nghĩa (Hải Phòng). Cả bọn dưới “vỏ bọc” như những doanh nhân đi công tác, lúc di chuyển bằng tàu hỏa, khi thì đáp máy bay, nghỉ ở khách sạn, liên lạc với nhau qua điện thoại di động. Chuyến đầu tiên vào ngày 30-11-2000, Quê cùng Xuân, Tuấn, Khung vận chuyển trót lọt 6 bao cần sa về Hải Phòng rồi đưa qua Móng Cái sang Trung Quốc.

Thấy “ngon ăn”, ngày 26-12-2000, Đinh Thị Xuân cùng Quê, Khung, Tuấn lại đáp máy bay từ Hải Phòng vào TP Hồ Chí Minh móc nối với các “đầu nậu” trong đó để nhận 7 bao hàng, gồm 16 túi du lịch trong đựng 250 bao cần sa đưa lên xe khách về bến xe Niệm Nghĩa. Chuyến “hàng” này cẩn thận hơn, Xuân, Khung và Phong chia ra làm 2 phần, một phần gồm 56 bánh (52,64kg) đi xe khách từ thị trấn Núi Đèo ra Móng Cái giao cho đối tượng tên Nguyễn Văn Hiến (em họ Xuân) thì bị Công an Quảng Ninh bắt quả tang. Phần còn lại, Ngọc và Phong vận chuyển bằng xe khác nên thoát và tiêu thụ trót lọt sang Trung Quốc.

Tuy lúc này một số tên đồng bọn đã bị “sa lưới” nhưng Xuân, Quê, Tuấn… vẫn không lấy đó làm bài học mà tiếp tục dấn sâu vào con đường tội lỗi. Sau một thời gian nằm “án binh bất động”, chiều 12-3-2001, cả bọn lại đặt vé máy bay vào TP Hồ Chí Minh. Tại đây, chúng thuê xe taxi đến khu vực cây xăng Chí Tài nhận 15 chiếc túi du lịch “quần áo cũ” nhưng thực chất bên trong chứa 233 bánh cần sa ép khô (232,7kg) rồi đưa ra bến xe miền Đông gửi chiếc xe khách BKS: 53N-2259 về Hải Phòng.

Đến sáng 17-3, xe về đến Hải Phòng, đúng lúc chúng đang mặc cả thanh toán cước phí thì bị Công an quận Lê Chân bắt quả tang. Từ đây, lực lượng công an đã khám phá, bóc gỡ một đường dây gồm hàng chục đối tượng chuyên vận chuyển, mua bán cần sa xuyên quốc gia, trong đó Phạm Văn Quê là một “mắt xích” quan trọng.

Lực lượng công an đã khám phá, bóc gỡ một đường dây gồm hàng chục đối tượng chuyên vận chuyển, mua bán cần sa xuyên quốc gia

Lực lượng công an đã khám phá, bóc gỡ một đường dây gồm hàng chục đối tượng chuyên vận chuyển, mua bán cần sa xuyên quốc gia

Tài liệu điều tra chứng minh, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2000 đến khi bị bắt, Quê đã tham gia vận chuyển 3 chuyến với tổng trọng lượng 699,7kg cần sa. Ngoài ra, Quê cũng khai thêm, trước đó đã cùng bọn Xuân, Phong, Tuấn, Ngọc vận chuyển 4 chuyến khác mà anh ta trực tiếp đi nhận hàng với số lượng khoảng 544kg cần sa để đem sang tiêu thụ ở Trung Quốc…

 

Quê xúc động kể lại may mắn “lỡ chuyến đò về âm phủ” của mình với phóng viên

“Mong được tạ tội với người cha già”

Sau lần ra toà sơ thẩm bị tuyên án tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy, rồi cả phiên phúc thẩm bị bác đơn y án, Phạm Văn Quê suy sụp hẳn. Biết tội mình chẳng oan nhưng khi cái “án tử” cứ thế lơ lửng treo trên đầu khiến Quê không khỏi run sợ. Một mình nằm trong phòng biệt giam, chẳng thiết ăn uống, thời gian chậm chạp trôi từng giờ, từng ngày, ban ngày ngủ nhưng cứ đêm đến là anh ta sợ đối diện với bóng tối, không tài nào chợp mắt được.

Có lần, nửa đêm Quê nghe rõ tiếng cánh cửa sắt của phòng biệt giam bên cạnh mở ra kêu ken két, rồi tiếng chân người, tiếng xích lê xuống sàn nhà. Biết người bạn tử tù đến giờ phải đi trả án, nghĩ đến thế thôi Quê bật dậy, mồ hôi vã ra như tắm. “Có cận kề với cái chết mới biết cuộc sống quý giá chừng nào. Cứ nghĩ đến giây phút phải ra pháp trường “dựa cột” để trả giá thì tay chân lại bủn rủn, đầu óc u mê, mụ mẫm…”, Quê kể lại chuỗi ngày kinh hoàng trong phòng biệt giam. Nhưng điều mà Quê suy nghĩ, đớn đau và dằn vặt nhiều nhất khi ấy là về gia đình, mất ngủ vì sợ chết một phần nhưng anh ta thương vợ con, thấy mình tội lỗi với bố mẹ. Vợ Quê, một người đàn bà tảo tần giờ đây bên ngoài đang một mình vất vả với nghề buôn bán nhỏ để kiếm cái ăn, nuôi dạy 2 đứa con nhỏ. Dù biết là rất mong manh nhưng được sự động viên của cán bộ quản giáo, Quê viết đơn xin pháp luật mở lượng khoan hồng với hi vọng cuối cùng…

“Tôi nhớ rất rõ. Đó là ngày 31-12-2003, cũng là ngày tôi được “sinh ra lần thứ hai”…”, Quê kể lại. Sau mười tám tháng với hơn 500 ngày dài dằng dặc nằm trong khu biệt giam, Phạm Văn Quê được “lỡ chuyến đò về âm phủ” khi anh ta nhận được quyết định ân giảm xuống chung thân của Chủ tịch nước do quá trình điều tra khai báo thành khẩn, gia đình có công với cách mạng (bố Quê là cán bộ lão thành cách mạng). Giây phút thoát khỏi bàn tay “thần chết” thật vui mừng khó tả, nghe đọc xong quyết định, Quê lặng người ít phút rồi cứ thế bật khóc như một đứa trẻ.

Sau khi “lỡ chuyến đò về âm phủ”, Phạm Văn Quê càng thấm thía và cảm nhận điều quý giá của cuộc sống. Pháp luật luôn công bằng nhưng cũng vị tha cho những người lầm đường lạc lối, thực sự biết hối cải. Lúc chia tay, Phạm Văn Quê thành thực chia sẻ: “Hơn 10 năm trong trại giam giờ điều tôi day dứt hơn cả là mang tội bất hiếu với người cha già. Bố đã sinh ra tôi một lần nhưng cũng nhờ cha mà tôi mới có cơ hội được sống, mới có ngày hôm nay”.

Quê kể thêm rằng, lần cuối cùng anh ta được gặp, chuyện trò với cụ qua cánh cửa phòng thăm gặp trại giam là một ngày vào tháng 5-2009. Phút giây ngắn ngủi đó, Quê ứa nước mắt, muốn được ôm chặt bố và nói lời tạ tội nhưng không thể. Sau lần ấy, có lẽ cụ đã yếu nên không thể lên thăm anh ta nữa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại