Cái trò cờ bạc đỏ đen có một đặc điểm là luôn cướp đi rất nhiều tiền của con bạc, cũng có những lúc mang lại rất nhiều tiền, nhưng nói như dân cờ bạc chuyên nghiệp là “tiền cờ tiền bạc nó có chân”.
Tiền kiếm được cứ chạy đâu mất hết, của Thiên trả Địa bốc hơi lên trời. Tùng “thần tài” có bạc tỉ nhờ bóng bánh, rồi thì tiền tỉ cũng ra đi, bởi chính cái thứ “bản năng cờ bạc” của nó, bởi chính cái mà nó gọi là “linh cảm” Trời ban cho.
Đánh bóng chết thì phải xoay tiền để cày lại, từ những đồng tiền công làm thuê chuyển bóng, cò quay vay mượn anh em bạn bè, rồi thua là bùng luôn, nó trở thành một thằng lừa đảo.
Rồi đúng là cái số nó cao, giống như lần xới bạc bì cướp xới, ẩu đả lần trước, lần này đường dây cá độ bóng đá cũng vỡ, và nó lại thoát được. Thằng chủ đường dâu do mâu thuẫn bị dân chơi thuê giang hồ chém nằm gục trên vũng máu. Còn nó, an toàn, giữ được cái mạng sống, nhưng lại tay trắng ra đường.
Cái khiến Tùng sa vào con đường đỏ đen cờ bạc, chỉ từ một câu nói, cái khiến Tùng quay lại con đường sống đàng hoàng như một con người tử tế cũng chỉ vì một câu nói. Vốn có vẻ ngoài thư sinh, cái bản mặt khá hiền lành, ăn nói lẻo mép, nhẹ nhàng lễ phép, trong những ngày lang thang, nó được một đôi vợ chồng già bán quán nước vì thương mà cho ở nhờ, coi nó như con nuôi trong nhà. Con cái ông bà cụ chẳng biết đi đâu hết, hai ông bà sống trong cái nhà lợp prô-xi-măng bé tí, chật chội, mưu sinh bằng cái quán nước nhỏ.
Vẫn cái máu cờ bạc, ở nhờ ở đó, chẳng hiểu bằng cách nào, Tùng mượn được hơn chục triệu tiền tiết kiệm của 2 ông bà, số tiền mà bà cụ nhịn ăn dành dụm định đưa ông cụ đi chạy chữa mấy cái bệnh mãn tính nhưng lần lựa mãi chưa dám đi vì không đủ tiền.
Cầm được tiền rồi, Tùng xem tỉ lệ rồi xuống tay chơi luôn một trận bóng. Bao nhiêu lần ăn, lần này, khốn nạn thay, 1 bàn thắng ở tận phút bù giờ thứ 5 của trận đấu khiến nó thành kẻ thua cuộc.
Tiền hết, nó chuẩn bị đánh bài chuồn thì bà cụ chỉ nói nhỏ nhẹ, nước mắt rưng rưng: “Chúng ta coi con như con, thôi thì tiền coi như mất. Lần sau, đừng đi lừa đảo ai, lừa người ta, người ta đánh cho, rồi thì còn vào tù ra tội, con lừa hai thân già này thì chúng ta cũng chẳng làm gì được con và cũng chẳng định làm gì đâu. Sống ở đời, đói cho sạch, rách cho thơm, cố sống làm cái thằng người cho đàng hoàng tử tế, con ạ”.
Từng lời bà cụ, Tùng nhớ như in. Nó bước đi trong một đêm mưa giá rét, hai bàn tay trắng, không xu dính túi, nước mưa chảy xuống ướt mặt, và nó ngẩng mặt lên trời thề không bao giờ dính vào cờ bạc đỏ đen nữa.
Những ngày tháng cuộc đời dính với cờ bạc của nó thực sự chấm dứt, khi nó mất tất cả, trắng tay vì bóng bánh, vì nhờ đó thực sự nhận ra được cái sự khốn nạn tột cùng của “kiếp đỏ đen”.
Rồi thì cũng chẳng biết bằng những cách nào, Tùng vẫn sống được, quê quán cũng chẳng còn ai thân thiết để mà về kiếm chốn dung thân. Phải mất một thời gian dài, nó mới gom góp vay mượn đươc ít tiền đi học lái xe để kiếm cái nghề, và giờ đang lái taxi.
Nó cùng thằng bạn góp vốn chung nhận một con xe, bạn chạy ban ngày, nó chạy ban đêm, kiếm từng đồng khó nhọc nhưng lương thiện. Nó quay trở lại căn nhà cũ tìm ông bà già từng cưu mang mình khi xưa, nhưng ông đã mất còn bà đã chuyển đi nơi khác. Mấy lần liền nó cứu giúp người gặp nạn trên đường, hay trả lại của rơi cho người đánh mất.
Bạn bè đôi khi bảo hôm nay đánh con đề, con lô nọ kia, rồi xuống tí tiền ở mấy trận cầu đinh, Tùng chỉ cười bảo món đó em nào có biết gì, mà cũng chả ham. Chỉ thỉnh thoảng nó đánh vui vui vài ván tá lả với đám bạn.
Ít người biết rằng, nó đã từng là một thằng cờ bạc bịp chuyên nghiệp, từng là một “huyền thoại” trong giới cá độ bóng đá. Cuộc đời nó giống như một cuốn tiểu thuyết, không có những trang đẫm máu, bạo lực, ra tù vào tội nhưng cũng có khối tình tiết li kì.
Cờ bạc, đỏ đen, lô đề bóng bánh, có kẻ nào giàu sang, hạnh phúc, nên người từ đó đâu. Cái điều ấy tưởng chừng đơn giản, nhưng có khối kẻ chẳng thể nào nhận thức được mà vẫn cứ đâm đầu vào.
(Hết)