Đang ở với nhà ngoại, mỗi lần nhớ nội, đứa trẻ chỉ biết tranh thủ lúc đi học về nhờ bác tài (xe đưa đón học sinh) dừng lại cho mình chạy vào ôm nội một lúc. Lần nào được gặp nội, nó cũng đều rất vui, niềm vui đẫm nước mắt. Hai bà cháu ôm nhau khóc sướt mướt. Xong, đứa trẻ dặn nội đừng cho ai biết chuyện nó tranh thủ thăm nội, “nếu không con sẽ bị la”. Rồi nó nhanh nhẹn ra xe cho bác tài chở về.
Đó là tình cảnh của bé gái con bị cáo Lê Quang S., đang học lớp 6 một trường ở TP.HCM. Bị cáo S. phạm tội giết người, nạn nhân chính là vợ bị cáo, mẹ của cháu bé đáng thương nói trên.
Nỗi ghen tích tụ thành án mạng
Cuộc hôn nhân của S. và chị H. được đơm hoa kết trái bằng đứa con thông minh, lanh lợi. Nhưng rồi sau đó, do nghi ngờ vợ có bạn trai nên S. hay ghen, cả hai thường xảy ra mâu thuẫn.
Ngày 3-11-2013, S. đi làm về thì thấy cửa nhà khóa từ bên trong nên kêu vợ ra mở. Phải đứng đợi bên ngoài đến hơn 15 phút, S. tức giận chửi vợ. Bị vợ tát tai nên S. ép vợ vào tường, bóp cổ. Vớ được con dao, chị H. đâm chồng một nhát. S. điên tiết bóp cổ vợ đến lúc nạn nhân không còn cử động được nữa. Sau đó S. dùng dao đâm vợ rồi định tự sát. S. vừa ôm vợ vừa lấy dây điện chích vào người H. để chết cùng. Do được người dân phát hiện kịp thời nên S. đã không đạt được mục đích.
Tại phiên sơ thẩm (do TAND TP.HCM vừa xét xử), tòa hỏi: “Vợ chồng sống với nhau không được sao bị cáo không ly hôn để giải thoát cho cả hai mà lại đi giết vợ mình? Bây giờ vợ mất, bị cáo đi tù, con cái còn nhỏ ai sẽ lo?”. Nghe nhắc đến con gái, mặt S. buồn xo. S. khai: “Bị cáo rất thương vợ nhưng cô ấy cứ hay bỏ nhà đi chơi, đi uống cà phê với bạn trai. Hễ bị cáo nhắc nhở, khuyên bảo thì vùng vằng bỏ đi. Có mấy lần cô ấy đi chơi ba, bốn ngày mới về, bị cáo mới la đã xông vào đánh chồng. Hôm xảy ra chuyện cũng thế, bị cáo đi làm về mệt nhưng cô ấy không chịu ra mở cửa. Chờ lâu, bị cáo giận quá nên nói mấy câu thì bị cô ấy tát vào mặt. Cô ấy chết, bị cáo định tự sát nhưng không được…”.
Tòa phân tích: “Ai cũng đều có nhiều mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, công việc… Vợ bị cáo đi cà phê hay đi chơi với người khác giới biết đâu là bạn học cũ, bạn làm ăn thì sao. Chẳng lẽ hai người khác giới ngồi trên một chiếc xe chở nhau đi ngoài đường là không được à?”.
Cuối cùng, căn cứ vào nhiều tình tiết giảm nhẹ, trong đó có việc gia đình bị hại có đơn bãi nại nên tòa tuyên phạt bị cáo 20 năm tù.
Mỗi khi làm gì hãy nghĩ đến con
Con gái bị cáo S. năm nay 11 tuổi, đang học lớp 6. Từ ngày mẹ mất, ba đi tù, em sang ở với ông bà ngoại. Hỏi chuyện, em nói lời cuối cùng của mẹ mà em được nghe qua điện thoại là câu: “Đánh nhau rồi bé ơi!”. Mỗi lần nhớ mẹ, câu nói ấy cứ vọng về khiến ban đầu em giận ba khủng khiếp.
“Con cứ tự hỏi sao mà ba ác quá. Con đã hét lên thật to: “Con hận ba! Con hận ba! Hận nhiều lắm!”. Nhưng đó là trước kia thôi. Giờ mỗi lúc thấy trống trải, con lại nhớ thương ba vô cùng. Con chỉ mong sao ba ở trong tù được ăn no và không bị ai đánh. Con cũng mong sao ba biết ăn năn hối cải sớm ra tù về nuôi con. Con cũng mong sao ở trên thiên đàng mẹ được bình yên, được khỏe mạnh rồi phù hộ cho con học giỏi”.
Em kể hôm ba mẹ đánh nhau là ngày Chủ nhật. Ba chở em qua gửi ở nhà nội để ba đi công chuyện và bảo 30 phút sau sẽ qua đón. Em đi ăn lẩu với các bác và các anh chị con bác mãi mà vẫn không thấy ba qua đón nên em gọi điện thoại. Lúc đầu, em nghe ba nói chờ nửa tiếng nữa sẽ đón. “Lúc đó, con còn nghe được tiếng mẹ trong điện thoại rằng: “Mẹ về rồi bé ơi, tí nữa ba mẹ xuống đón con nha”. Chơi một lúc, con lại thấy nóng lòng nên bấm số gọi ba lần nữa. Lần này ba nói ba mẹ đang lên Sài Gòn sắm đồ. Lúc đó con có nghe tiếng mẹ nói vọng vào điện thoại rằng: “đánh nhau rồi bé ơi!”. Sau đó ba khóa máy nên con không liên lạc được nữa” - em kể.
Sau đó thì đứa bé 11 tuổi biết mình từ đây vĩnh viễn mất mẹ, còn ba em phải đằng đẵng ngồi tù. Nỗi đau quá sức chịu đựng của một đứa trẻ.
Nhưng rồi thời gian có phép nhiệm màu của nó. Đứa trẻ đã dần biết chấp nhận sự thật, biết tha thứ cho ba và dồn tất cả vào việc học. Người lớn ơi, trước khi muốn làm gì làm ơn hãy nghĩ đến nỗi lòng con trẻ! Thương bé quá bé ơi!…
Đứt gãy nhịp cầu nội - ngoại
Lúc đứng trước tòa, mẹ chị H. nói rằng vì thương bị cáo S. như con cái trong nhà nên bà đã làm đơn bãi nại cho bị cáo. Bà những mong con rể cải tạo tốt để về phụ bà nuôi con vì cháu bà đã mất mẹ rồi nên rất cần có cha bên cạnh.
Còn mẹ bị cáo thì nói trong nước mắt: “Thằng S. nó sai thì đã rõ rồi, nó phải đi tù để mà hối lỗi. Nhưng còn đứa cháu, từ nhỏ ở với nhà nội, gì nội cũng lo cho. Từ ngày xảy ra chuyện, tôi nghĩ rằng cho nó sang nhà ngoại để cháu nó còn hương khói cho mẹ nó. Vậy mà từ đó đến nay con bé chẳng được sang đây nữa. Tôi biết mình sai khi chưa thể thay con bồi thường được. Nhưng cháu nó còn nhỏ, nào có tội tình gì. Giờ mỗi lần muốn gặp nội, nó chỉ còn biết tranh thủ giờ tan học mà thôi. Còn tôi, mỗi lần nhớ cháu cũng chỉ biết tạt qua trường đưa cho nó hộp bánh rồi ôm cháu mà khóc…”.