TAND TP.HCM vừa mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án “cố ý gây thương tích” do bị cáo Nguyễn Thị Ngọc L.(SN 1973, TP.HCM) thực hiện. Theo dõi phiên tòa, người dự khán không khỏi bật cười trước những tình huống bi hài diễn ra trong phiên xử.
Bị đánh vì ghen ảo
Theo bản án sơ thẩm, sáng ngày 13/5/2013, ông Trần Văn Đức dùng điện thoại của ông gọi 4 lần vào điện thoại của chị Nguyễn Thị Ngọc là người bán cà phê gần nhà để kêu cà phê nhưng chị Ngọc không nghe máy. Tối cùng ngày, bà Mai Thị Bích T. là vợ ông Đức lén kiểm tra điện thoại của chồng phát hiện ra 4 cuộc gọi trên.
Nghi ngờ chồng ngoại tình với người đàn bà là chủ nhân của “số máy lạ”, bà T. liền dùng điện thoại của mình nhắn tin qua lại. Sau những lời lẽ ban đầu, hai bên buông lời chửi bới, đe dọa, xúc phạm lẫn nhau.
Ấm ức, sáng hôm sau, bà T. điện thoại cho bạn của chồng phàn nàn sự việc thì được biết chủ nhân “số máy lạ” ấy chính là chị Ngọc – người bán cà phê gần đó, việc ông Đức điện thoại chỉ là để gọi cà phê. Tưởng chừng mâu thuẫn đến đây được hóa giải nhưng mọi thứ không dừng lại…
Trưa 14/7/2013, nghe em gái kể lại việc bị bà T. chửi, bị cáo Nguyễn Thị Ngọc L. lập tức đi tìm bà T. để làm cho ra chuyện. Trên đường đi, L. ghé vào một tiệm sửa xe lấy một cây búa sắt cầm theo, chị Ngọc cùng một người chị gái khác cũng lật đật cầm khúc cây theo sau L.
Đến nơi, bị cáo L. định xông vào nhà đánh bà T. thì bị con chó trước nhà cắn trúng bắp chân rồi gặm chiếc quần kéo lại. Hai bên giằng co, L. cầm búa đánh trúng trán bà T. gây thương tích.
Ông Đức đang ngủ trên lầu nghe tiếng ồn ào chạy xuống tá hỏa phát hiện máu chảy tràn trên mặt vợ. Bà T. được mọi người đưa đi cấp cứu với tỷ lệ thương tật 2% còn L. vướng vòng lao lý.
Với hành vi trên, xử sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Ngọc L. bị tòa tuyên phạt mức án 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “cố ý gây thương tích”, buộc bị cáo phải bồi thường cho bà T. gần 7,3 triệu đồng.
Không đồng ý, bà T. kháng cáo đề nghị tòa tăng hình phạt, tăng bồi thường lên 60 triệu đồng.
Bi hài phía sau vụ án
Tại phiên tòa phúc thẩm, vốn là hàng xóm của nhau nhưng mối quan hệ giữa bị cáo và bị hại vẫn vô cùng căng thẳng.
Bị hại bức xúc cho rằng tòa sơ thẩm xử như vậy là quá nhẹ, là thiệt thòi cho bị hại nên bị hại giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Đáp lại, bị cáo khẳng định việc làm của bị cáo là có nguyên do, bị hại chính là người gây ra sự việc, là người luôn ghen tuông bóng gió rồi vu khống cho người khác.
Phần tranh luận, HĐXX dành thời gian cho cả bị cáo và bị hại trình bày.
Bị cáo L. rỏ ra bức xúc: “Chị ấy suốt ngày chỉ đi tìm hàng xóm vu khống cho người ta quan hệ với chồng mình. Nhà tui có 3 chị em, chị ấy ghen với cả 3 người, ghen cả với chị hàng xóm đối diện rồi vu khống cho người ta…” – “Bà nói vậy là cũng đang vu khống cho tôi đấy!”, ngồi trên băng ghế người bị hại, bà T. chen vào phân bua lời bị cáo.
“Tòa bảo bị cáo không ân hận, không xin lỗi chị ấy nhưng sau khi vụ án xảy ra, chị ấy còn dọa giết cả con tôi, bảo tôi “mày chết đi thì tao sẽ tha cho con mày”. Khi tòa sơ thẩm xử tôi xong, chị ấy rất hung hăng đòi đánh bị cáo nên công an phải dẫn bị cáo về, chị ấy là người không hiền lành gì đâu thưa tòa..” - “Cái loại chuyên môn đặt chuyện ra vu khống không à. Không biết ăn năn hối hận gì cả. Nghe chối tai quá tòa ơi...”, bị hại tiếp tục nói chen vào.
Đến lượt mình trình bày, bị hại đứng phắt dậy bức xúc: “Tôi mong tòa xem xét cho tôi, bị cáo không có tí ăn năn hối hận gì cả. Tòa xem bị cáo ôm tôi xin lỗi tôi nhưng lại nói vào tai tôi “em xin lỗi chị nhưng em không có tiền bạc bồi thường gì đâu. Mai mốt chị đánh ghen ở đâu kêu em một tiếng, em tới liền”, như vậy thử hỏi tôi có chấp nhận lời xin lỗi được không?”...
Trước thái độ gay gắt của mỗi bên, HĐXX phải nhiều lần nhắc nhở:“Hai bên gia đình ở rất gần nhau, ra khỏi cửa là thấy mặt nhau, nếu mỗi bên không biết kiềm chế và nhìn lại, cứ giữ thái độ ăn thua thì câu chuyện sẽ không dừng lại ở đây, hậu quả sẽ lớn hơn nên đề nghị cả hai bên bình tĩnh”.
Chưa yên tâm trước thái độ của hai người phụ nữ, vị đại diện Viện kiểm sát nói thêm: “Một lần nữa, tôi khuyến cáo sau vụ án này tòa xử thể nào hai bên phải nghiêm chỉnh chấp hành. Tòa xử xong, nếu 2 bên về nhà mà không biết kiềm chế dẫn đến hậu quả lớn hơn, khi phải đối diện với pháp luật một lần nữa thì các bên sẽ phải ân hận”.
Nghe đến đây, hai người phụ nữ gật đầu nhưng ánh mắt họ nhìn nhau vẫn đầy tức giận.
Sau khi nghị án, tòa tuyên giữ nguyên mức án 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo với bị cáo. Về phần bồi thường, tòa chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại, sửa án sơ thẩm, tuyên buộc bị cáo L. phải bồi thường cho bà T. hơn 41,7 triệu đồng.
Tòa dứt lời tuyên án, hai bên đứng dậy ra về. Giữa sân tòa, được hỏi về kế hoạch bồi thường để được xóa án tích, bị cáo L. thốt lên bình thản:“Một xu, một đồng cũng không có đâu nha !”.
Không biết rồi mối quan hệ giữa 2 người phụ nữ ở hai gia đình ấy sẽ ra sao chỉ vì một cơn ghen mù quáng?