>> Xem toàn bộ vụ TRỌNG ÁN THẨM MỸ VIỆN LÀM CHẾT NGƯỜI, VỨT XÁC xuống sông Hồng
Khuyến cáo từ Phó GĐ Bệnh viện Bạch Mai
Như thông tin đã đưa, tại cơ quan điều tra, đối tượng Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường khai đã dùng ống bơm kim tiêm hút khoảng 50cc, khoảng 11 ống bơm mỡ rồi dùng các ống bơm trên, bơm lượng mỡ vừa hút được vào ngực của chị Huyền.
Người bác sĩ ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng để phi tang.
Sau những tai biến, chị Huyền đã tử vong. Là bác sĩ trưởng, Tường sợ trách nhiệm nên đã cho nhân viên giải tán, nghỉ về rồi cùng một số người khác thu dọn đồ đạc và cho chở sổ sách khám chữa bệnh cùng trang thiết bị đi nơi khác cất giấu nhằm xóa dấu vết.
Hiện tại, các lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiểu xác nạn nhân và điều tra làm sáng tỏ sự việc.
Trước những thông tin đó, trao đổi với báo chí, PGS.TS Đỗ Doãn Lợi, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Nguyên tắc với bất cứ thủ thuật can thiệp nào cũng có tai biến nhưng đối với trường hợp của bác sĩ Tường chưa có kết luận của cơ quan điều tra.
Bác sĩ Tường được đào tạo về chấn thương chỉnh hình, còn tại Bệnh viện Bạch Mai không có chuyên khoa thẩm mỹ và tại bệnh viện không làm chuyên môn đó. Theo tôi được biết thông tin thì thẩm mỹ viện Cát Tường cũng chưa được cấp phép để làm các thủ thuật thẩm mỹ cho người dân.
Các bệnh nhân trước khi tới các cơ sở y tế phải nắm thông tin chặt chẽ như cơ sở đó đã cấp giấy phép chưa và phải cung cấp giấy phép với người dân đặc biệt là những lĩnh vực nhạy cảm như phẫu thuật thẩm mỹ. Chúng tôi khuyến cáo mọi người là phải cẩn thận khi trao sức khỏe, vận mệnh của mình cho người khác”.
“Chọn mặt gửi vàng”
Nhân sự việc này, bác sĩ Cao Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP.HCM, Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ bệnh viện An Sinh đã có những chia sẻ về quy trình nâng ngực. Theo bác sĩ Bích, cần biết rõ bác sĩ nâng ngực bằng phương pháp nào.
Với trường hợp của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông Bích khẳng định: “Có thể bác sĩ Tường nâng ngực bằng phương pháp lấy mỡ tự thân để bơm lên ngực. Ngoài ra, còn có những phương pháp khác và bơm bằng những chất khác. Đặc biệt là đặt thuốc viên nâng ngực”.
Bác sĩ Cao Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP. HCM, Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Bệnh viện An Sinh.
Nói về quy trình của phương pháp Tường sử dụng, bác sĩ Bích đưa ra thông tin: "Nếu trong trường hợp bơm mỡ tự thân để nâng ngực thì điều đầu tiên là hút mỡ ở bụng, eo, mông để đủ số lượng. Sau khi hút được mỡ thì dùng máy móc để xử lý để loại trừ những tạp chất và thêm những chất khác vào cơ thể như vitamin hay tố chất khác để tăng chất lượng cho mỡ. Sau đó bơm trở lại ngực theo khối lượng mong muốn.
Nhưng có 2 yêu cầu đặt ra: Thứ nhất là cần có dụng cụ chuyên biệt để xử lý mỡ và bơm mỡ vào. Thứ hai, làm trong môi trường tuyệt đối vô trùng”.
Với trường hợp này, bác sĩ Bích cũng cảnh báo là có thể xảy ra những tai biến. Đây là điều mà mọi người quan tâm.
“Tai biến phụ thuộc 2 yếu tố là bác sĩ gây tê hay gây mê. Nhìn chung, dù gây tê hay gây mê thì tai biến có thể thường gặp nhất theo mức độ nguy hiểm ở đây là nguy hiểm tới tính mạng.
Đầu tiên là tai biến về vấn đề sốc thuốc. Đó là phản ứng của cơ thể với thuốc tê trong quá trình gây tê, gây mê. Sốc thuốc gây nguy hiểm tới tính mạng rất cao.
Thứ hai, có thể một tai biến khác là tắc mạch máu mỡ. Tai biến này sau khi bơm mỡ mới xảy ra. Nguy cơ này rất hiếm gặp nhưng khi gặp, cấp cứu không nhạy bén, không đủ phương tiện thì tỉ lệ tử vong rất cao.
Thứ ba, chúng ta có thể suy từ trường hợp nạn nhân Huyền ra. Trong quá trình thao tác nếu như bác sĩ có động tác nào làm tổn thương như làm thủng màng phổi trong quá trình đâm kim, bơm mỡ vào vú… thì cũng xảy ra hiện tượng suy hô hấp và dẫn tới tử vong.
Đó là 3 tai biến dễ gây tử vong với bệnh nhân. Ngoài ra còn có những tai biến khác như chảy máu, nhiễm trùng… thì không dẫn tới nguy hiểm tới tính mạng ngay mà có thể giải quyết từ từ”, bác sĩ Bích chia sẻ.
Cũng như tất cả những phẫu thuật khác, nhất là phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ Cao Ngọc Bích nhấn mạnh: “Điều đầu tiên tôi muốn nói, mọi phẫu thuật khi can thiệp vào cơ thể đều nguy hiểm. Dù chỉ là chích thuốc hoặc đốt một nốt ruồi hay phẫu thuật bất kì bộ phận nào của cơ thể. Vì khi ta sử dụng thuốc tê có nguy cơ sốc thuốc và đều nguy hiểm tới tính mạng. Mọi người phải nhận thức được điều này để thận trọng trước khi tiến hành phẫu thuật.
Thứ hai là phải lựa chọn nơi làm. Như thẩm mỹ là phải chọn bác sĩ được phép hành nghề. Mà bác sĩ được phép hành nghề phải có bằng cấp chuyên khoa về phẫu thuật thẩm mỹ, đồng thời được cấp giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Bác sĩ đó có thể làm ở phòng khám thẩm mỹ tư nhân, thẩm mỹ viện hoặc làm trong khoa thẩm mỹ của bệnh viện”.
Thẩm mỹ viện Cát Tường, nơi nạn nhân tử vong vì phẫu thuật
Trả lời câu hỏi: “Làm sao bệnh nhân có thể biết được bác sĩ nào có giấy phép hành nghề?”, bác sĩ Bích nói thêm: “Bệnh nhân phải tìm hiểu qua các nguồn thông tin để biết được bác sĩ nào được phép hành nghề. Điều tế nhị thì thường bệnh nhân sẽ không trực tiếp hỏi giấy phép. Nhưng thường những bác sĩ có giấy phép hành nghề họ sẽ ghi trên bảng hiệu, trên cổng với nội dung như: Bác sĩ có bằng cấp chuyên môn gì, Giấy phép hành nghề số bao nhiêu về phẫu thuật thẩm mỹ?...
Với bảng hiệu mập mờ về điều này thì bản thân bệnh nhân phải đặt nghi vấn và xác minh lại thông tin. Ví dụ, ở Hà Nội và TP. HCM có thể hỏi tại Hội Phẫu thuật thẩm mỹ hoặc vào website của Hội Phẫu thuật thẩm mỹ để xem bác sĩ đó có phải hội viên của hội và có giấy phép hành nghề hay không.
Không chỉ về vấn đề bác sĩ, bác sĩ Bích tiếp tục đưa ra thêm những thông tin nhằm mang lại sự an toàn cho mỗi bệnh nhân khi “chọn mặt gửi vàng”:
“Sau khi bác sĩ có giấy phép hành nghề, khách hàng phải tìm hiểu xem người đó có kinh nghiệm bao nhiêu năm, tay nghề có tốt không. Vì bác sĩ dù là giỏi nhưng không thể toàn diện mọi lĩnh vực. Vì vậy, bệnh nhân phải tìm hiểu điều đó thông qua các phương tiện truyền thông, bạn bè, giới chuyên môn để nắm được chắc điều này trước khi đặt niềm tin vào vị bác sĩ đó”, ông Bích nói.
Đứng trên cương vị là một bác sĩ chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ Bích nói: “Sau khi chọn được bác sĩ rồi còn một điều quan trọng nữa là chọn nơi làm, chọn cơ sở y tế đầy đủ phương tiện, trang thiết bị tốt, có đội ngũ bác sĩ sẵn sàng ứng cứu nếu có tai biến xảy ra. Đó là nơi có sự an toàn cao nhất”.
Và theo kinh nghiệm của bác sĩ Bích thì bệnh nhân nên tới bệnh viện. Ở đó sẽ giúp hạn chế những rủi ro hơn là làm ở những nơi thiếu phương tiện, thiếu điều kiện cấp cứu.
Đưa ra những khuyến cáo cho bệnh nhân, bác sĩ Bích nhấn mạnh: “Bệnh nhân phải biết bác sĩ được phép hành nghề và được làm những gì. Đó là điều kiện tiên quyết đảm bảo an toàn cho người đi thực hiện phẫu thuật. Sau đó mới nói tới đẹp hay xấu, kết quả thẩm mỹ như thế nào”.
Những thông tin đặc biệt vụ trọng án: Đi thẩm mỹ viện bị chết, bác sỹ ném xác xuống sông Hồng (cập nhật liên tục)
* Chủ tịch Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM: "Ông Tường nói láo"! Toàn bộ thông tin vụ việc: BẤM VÀO ĐÂY |