8 vụ án trọng điểm xét xử trước Đại hội XII của Đảng: Vì sao có tới 4 vụ liên quan đến ngân hàng?

NHÓM P.V |

Trong 8 vụ án tham nhũng, kinh tế trọng điểm đưa ra xét xử trước Đại hội XII của Đảng có tới 4 vụ án liên quan đến các ngân hàng (NH).

Đây không phải là điều ngẫu nhiên, mà cho thấy mức độ nguy hiểm của dạng tội phạm này đã tới mức nào. Điều đáng nói, hệ thống NH luôn được coi là có hệ thống kiểm soát chặt chẽ nhất, vậy vì sao vẫn xảy ra các vụ án cực kỳ nghiêm trọng?.

Từ cán bộ ngân hàng…

Điều cần nói ngay là những vụ án liên quan đến NH được đưa ra xét xử sắp tới chưa phải là những vụ án lớn nhất từ trước đến nay. Có những vụ đã, đang xử vẫn gây không ít xôn xao, bàn tán của dư luận.

Trong đó, các luật sư, những chuyên gia trong lĩnh vực NH tranh luận gay gắt việc xác định tội danh, như vụ án siêu lừa đảo hơn 4.000 tỉ đồng của Huyền Như - nguyên cán bộ VietinBank.

Điều dễ thấy nhất ở các vụ án này là có điểm rất chung: Tiền vay NH hầu hết không được người vay sử dụng đúng mục đích. Và việc sử dụng không đúng mục đích, đương nhiên cán bộ NH phải biết.

Lý do vì sao biết nhưng cán bộ không ngăn chặn ít được nhắc đến trong các vụ án. T

rong nhiều trường hợp, cán bộ NH còn tư vấn cho con nợ vay tiếp để đảo nợ với hy vọng con nợ tìm được cách trả nợ hoặc ít nhất là số tiền có nguy cơ mất ấy chậm bị phát hiện.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến số tiền các NH bị chiếm đoạt đều rất lớn, từ vài chục cho đến hàng nghìn tỉ đồng.

Về cán bộ NH, hầu hết họ, từ nhân viên cho đến giám đốc đều phạm tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Trong các vụ án này, cán bộ cao nhất bị khởi tố phần lớn chỉ là giám đốc các chi nhánh.

Vậy hệ thống kiểm soát, các phòng ban chức năng khác của NH để đâu mà các chân rết của mình làm sai kéo dài, nhiều khi qua mặt mà không biết. Vậy trách nhiệm của họ đến đâu trong các vụ án này?

Điều cũng cần nói ở đây là, chính những đối tượng bị kết tội lừa đảo, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà không trả được nợ nên mặc nhiên trở thành kẻ lừa đảo, dù rằng trong số họ không phải đều có mục đích lừa đảo ngay từ đầu.

Để phân định rạch ròi, đối tượng chủ mưu lừa đảo từ đầu hay do làm ăn thua lỗ cũng không hề đơn giản.

Chẳng hạn vụ án Phạm Thị Bích Lương - nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội - duyệt cho Cty liên doanh Lifepro Vietnam vay vốn với tổng vốn đầu tư 197 triệu USD.

Dự án này được Agribank Nam Hà Nội giải ngân phần vốn cố định bằng VND và ngoại tệ tương đương 3.000 tỉ đồng.

Dự án sau khi hoàn thành giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động nhưng sau vài tháng, do không hiệu quả nên phải ngừng hoạt động. Giám đốc bỏ về nước và khoản nợ không thu hồi được cả vốn lẫn lãi.

Ngược lại với vụ án trên, dấu hiệu lừa đảo trong vụ án Lâm Ngọc Khuân lại rất rõ.

Cụ thể, dù Cty CP chế biến thực phẩm Phương Nam thua lỗ 5 năm liên tục, mất khả năng thanh toán nhưng Khuân vẫn chỉ đạo con gái và thuộc cấp lập các hồ sơ khống để tiếp tục vay tiền.

Do đó, trước khi cao chạy xa bay, Khuân đã chiếm đoạt của các NH gần 1.000 tỉ đồng. Hậu quả, có tới 25 cán bộ NH dính vào vụ án này.

Đáng lưu ý là, trong cả dây chuyền “tiếp tay” lừa đảo cho Khuân, nếu một số vị lãnh đạo các chi nhánh NH cố ý làm trái thì cũng có một số “lính tráng” không được “sơ múi” gì, làm việc theo chỉ đạo của cấp trên nhưng vẫn bị vướng vào vòng lao lý.


Bị cáo Phạm Văn Cử.

Bị cáo Phạm Văn Cử.

… đến đối tượng lừa đảo

Trong các vụ án này, nếu các cán bộ NH đều bị vướng vào tội danh “Vi phạm các quy định …”, các đối tượng đi vay hầu hết lại mắc vào tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hoặc “lừa đảo”.

Điều dễ nhận thấy là tất cả những đối tượng bị kết tội lừa đảo đều có mối quan hệ “thân mật” với những cán bộ ở vị trí chủ chốt, có quyền quyết định cho vay ở NH.

Nhờ vậy, một nhóm các giám đốc Cty tư nhân dễ dàng ký khống 14 hợp đồng mua bán hàng hóa, xuất hóa đơn giá trị gia tăng nhưng vẫn được Phạm Văn Cử - nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh 7, TPHCM - chấp thuận.

Hậu quả là chi nhánh này bị mất hơn 600 tỉ đồng

Tương tự, lãnh đạo chi nhánh Agribank Bình Chánh (TPHCM) sẵn sàng lập giấy tờ khống để cho Dương Thanh Cường - nguyên TGĐ Cty CP Tập đoàn Bình Phát vay tiền. Tất cả cũng từ sự “thân quen”.

Số tiền bị chiếm đoạt trong vụ án này tuy không lớn (27,3 tỉ đồng) so với các vụ án liên quan đến NH lần này nhưng vẫn được Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đưa ra xét xử trọng điểm bởi tính chất nguy hiểm và mang tính phổ biến.

Đó là, Cường đã lập thêm các Cty khác để lập khống hợp đồng mua bán đất, lập khống dự án, nâng khống mảnh đất của mình lên hàng chục lần.

Dù rằng, nghi can Cường từng có 5 tiền án về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và đưa hối lộ nhưng vẫn không làm lãnh đạo NH ở đây cẩn trọng hơn.

Thế mới thấy sức mạnh của cái gọi là “lại quả”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại