Tên mã của phiên bản tên lửa phòng không mới sẽ là Aster-30 Block 1 hay B1NT (New Technology - Công nghệ mới).
Việc nâng cấp đạn tên lửa Aster-30 cũng đồng nghĩa với việc nâng cấp tổ hợp tên lửa phòng không SAMP/T và các tổ hợp vũ khí phòng không hải quân của Pháp và Italia.
Theo mong muốn của giới chức quân sự Pháp và Italia, Aster-30 Block 1 phải có khả năng chiến đấu ưu việt hơn, đặc biệt là việc cải thiện khả năng đánh chặn tên lửa.
Liên quan tới việc nâng cấp đạn tên lửa Aster-30, trong năm 2015, Cục Quản lý vũ khí trang bị (DGA) thuộc Bộ Quốc phòng Pháp đã ký hợp đồng nguyên tắc với hãng chế tạo EUROSAM, đơn vị phát triển tên lửa Aster-30, trị giá tới hàng trăm triệu euro.
Gói hợp đồng này sẽ có hiệu lực tới năm 2023 với việc tăng cường năng lực phòng không - phòng thủ tên lửa của Pháp, cũng như khả năng tích hợp vào hệ thống phòng không chung của NATO.
Đạn tên lửa Aster-30 trong cơ cấu tổ hợp tên lửa phòng không SAMP/T
Đạn tên lửa Aster-30 được trang bị tàu hải quân nhiều quốc gia châu Âu
Đạn tên lửa Aster-30
Từ các thông tin được công bố, đạn tên lửa Aster-30 Block 1 sẽ được chuyển đổi sử dụng sóng radar nhìn vòng, dẫn bắn băng tần Ka thay vì băng tần Ku như hiện nay.
Sóng radar băng tần Ka có bước sóng ngắn hơn, mang nhiều năng lượng hơn nên tầm bao quát lớn hơn và tăng độ phân giải về mục tiêu phản hồi.
Một số nguồn tin còn cho biết, đạn tên lửa Aster-30 sẽ sử dụng hệ thống dẫn bắn và trao đổi thông tin hoàn toàn mới để tối ưu khả năng chiến đấu, nhưng thông tin này không được xác nhận.
Đặc biệt, theo trang tin Defence News, đạn tên lửa Aster-30 Block 1 ngăn chặn được các dòng tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 1.000 đến 3.000 km.
Trong tương lai, Aster-30 Block 2 có thể ngăn chặn các dòng tên lửa tầm xa với tầm bắn trên 3.000 km và sử dụng phương thức tiêu diệt mục tiêu “hit to kill” (tiêu diệt mục tiêu bằng xuyên phá động năng). Đạn tên lửa Aster-30 nâng cấp sẽ sử dụng giếng phóng đa dụng SYLVER A50.
Hiện tại, nhiều quốc gia châu Âu đang quan tâm tới khả năng trang bị đạn tên lửa Aster-30 trong cơ cấu các tổ hợp phòng không lục quân, hải quân với vai trò là xương sống của hệ thống phòng không quốc gia.