Trong những năm gần đây, do tập trung hiện đại hóa Không quân và Hải quân, nên lực lượng Lục quân chưa được đầu tư những gói trang bị lớn, dẫn đến nhiều vũ khí trang bị đã tỏ ra tụt hậu so với khu vực. Pháo binh - lực lượng hỏa lực mặt đất quan trọng của Quân đội ta hiện nay cũng không nằm ngoài xu hướng trên.
Để có được lực lượng quân sự mạnh, đủ khả năng răn đe bảo vệ an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng pháo binh cần sớm được đầu tư mạnh mẽ nhằm tăng tốc hiện đại hóa.
Nhường ngôi vương cho những láng giềng
Những thay đổi căn bản về tương quan lực lượng từ sau Hiệp định Paris đã được cụ thể hóa thành lợi thế chiến trường. Những bước chân thần tốc Giải phóng Miền Nam đã cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là trong nghệ thuật sử dụng Pháo binh.
Lần đầu tiên và duy nhất trong khu vực Đông Nam Á, một quân đội có thể thực hiện liên tiếp nhiều chiến dịch thu hồi lãnh thổ nhanh chóng và trọn vẹn như vậy. Đặc biệt, sự trưởng thành về cả trang bị kỹ thuật và cách thức sử dụng hỏa lực pháo binh đã đóng vai trò không nhỏ cho chiến thắng của dân tộc nói chung.
Bộ đội pháo binh huấn luyện chiến đấu.
Có thể nói vào thời điểm đó, không một lực lượng pháo binh nào tại khu vực có khả năng cơ động, kinh nghiệm tổ chức chiến đấu và trang bị kỹ thuật vượt trội như Việt Nam, chúng ta đã bỏ xa các nước láng giềng trong thời điểm đó về mọi mặt.
Sau chiến thắng, lực lượng Pháo binh Việt Nam lại thêm một lần lớn mạnh về lượng và chất, khi được bổ sung vào kho vũ khí nhiều loại pháo lớn và uy lực do Mỹ sản xuất. Hỏa lực vượt trội, chủng loại đa dạng và kinh nghiệm tốt đã khiến Việt Nam áp đảo hoàn toàn lực lượng Khmer Đỏ về hỏa lực trong cuộc Phản công Biên giới Tây Nam và Chiến tranh Biên giới phía Bắc.
Những ưu thế đó đã đưa Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc sau cùng ở thế kỷ XX.
Thế nhưng cùng với thời gian, lực lượng pháo binh của ta đã bộc lộ nhiều điểm lạc hậu so với khu vực và trên thế giới, trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ đã đưa pháo binh tiến nhiều bước quan trọng.
Việc hiện đại hóa phương tiện trinh sát, nâng cao khả năng cơ động, đưa máy tính ứng dụng vào tính toán phần tử bắn, đạn có điều khiển… đã nhanh chóng khiến các khí tài được sản xuất từ những năm 60-70 trở về trước trở thành kém ưu thế. Việt Nam đành nhường những đỉnh cao về pháo binh cho các nước khác trong khu vực.
Pháo tự hành Thái Lan.
Xung đột tại đền Preah Vihear thuộc Campuchia đã khiến giới quân sự nhận ra nhiều điều, khi phao tự hành của Thái Lan tỏ ra có lợi thế so với các loại pháo 130mm và 152mm của Campuchia. Không có thiết bị trinh sát, tính toán phần tử bắn bằng phương pháp thủ công, không có đạn pháo thông minh… đã khiến Campuchia yếu thế hơn khi bắt buộc phải đấu pháo.
Điều đó hẳn đã khiến Việt Nam đưa ra một số nhận định quan trọng trong việc bước đầu mua sắm các thiết bị mới nhằm giảm thiểu khoảng cách công nghệ so với các quốc gia xung quanh.
Không chỉ dừng lại ở đó, trên lục địa Đông Nam Á, lần lượt Myanmar rồi Thái Lan… trình làng những hệ thống pháo tự hành, pháo phản lực phóng loạt có tầm bắn xa, nối dài tầm can thiệp của lực lượng pháo binh, đặt ra những chuẩn mực mới cần phải tính toán kỹ nếu không muốn tụt hậu về lực lượng vũ trang mặt đất với các nước láng giềng.
Vấn đề và giải pháp tạm thời
Có thể nói, hiện tại pháo binh Việt Nam đang gặp phải những vấn đề chủ chốt như:
- Tính cơ động của pháo binh chưa cao. Đây là một trong những vấn đề quan trọng cần phải lưu ý khi hiện đại hóa lực lượng pháo binh. Hiện tại, số lượng pháo tự hành của Việt Nam đang chiếm tỉ trọng thấp, Việt Nam đang nỗ lực tự hành hóa một số mẫu pháo kéo nhằm bù đắp tạm thời thiếu hụt và nâng cao khả năng cơ động cho lực lượng này.
- Thiếu các khí tài trinh sát và tính toán hiện đại. Trinh sát pháo binh đang là một trong những điểm yếu của Việt Nam so với các nước trong khu vực, nhất là việc ứng dụng trang bị các khí tài hiện đại. Trong chiến tranh Biên giới phía Bắc, phía Trung Quốc đã sử dụng có hiệu quả các radar phản pháo và có đuợc lợi thế nhất định khi đấu pháo.
Việt Nam đã mua sắm UAV trính sát pháo binh. Ảnh: Minh họa.
Không dừng lại ở đó, ngày nay, khí tài trinh sát pháo binh còn mở rộng đến cả những phương tiện đường không như UAV, vệ tinh…
Nhận thức được vấn đề này, Việt Nam đã tìm cách mua sắm bổ sung các khí tài trinh sát như UAV trinh sát pháo binh của Israel để từng bước làm quen và tổ chức huấn luyện sử dụng nhằm thí điểm các giải pháp cho việc đổi mới toàn diện sau này.
- Cải thiện tầm bắn và độ chính xác của pháo: Hầu hết trang bị của Pháo binh Việt Nam hiện nay đều đã lạc hậu, thiếu hụt các loại đạn có độ chính xác cao trong trang bị, điều đó dẫn đến định hướng mua sắm mới khí tài có khả năng bắn các loại đạn thông minh như việc mua các pháo tự hành từ Cộng Hòa Pháp.
Những hợp đồng như vậy sẽ tạo tiền đề cho việc thí điểm xây dựng các đơn vị pháo binh hiện đại nhằm thực hiện mở rộng ra toàn quân khi chủ trương Hiện đại hóa lục quân cho phép.
Có thể nói, tất cả các vấn đề kể trên đều đang bước đầu được giải quyết bằng những giải pháp tạm thời, khi nền CNQP mới chỉ bước đầu tự chủ được sản xuất đạn pháo chiến dịch, sẽ còn rất nhiều điều phải làm mới có thể nâng tầm lực lượng pháo binh Việt Nam, đưa nó trở về ngôi vương tại ĐNA như chúng ta từng có.
Hy vọng rằng, cùng với chủ trương mới trong việc hiện đại hóa quân đội, chúng ta sẽ sớm có những gói đầu tư hiệu quả, quy mô nhằm thay đổi diện mạo pháo binh Việt Nam trong thời gian tới.