Phản ứng của ông Biden trước đà phản công của Ukraine

Bảo Duy |

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng giảm bớt những kỳ vọng quá lạc quan vào chiến dịch phản công của Ukraine. Theo đó, Washington ghi nhận những bước tiến vừa qua nhưng cho rằng chặng đường vẫn còn dài.

Biểu cảm của Tổng thống Mỹ Joe Biden với báo giới khi đến căn cứ không quân Andrews (bang Maryland của Mỹ) ngày 13-9 - Ảnh: REUTERS

Biểu cảm của Tổng thống Mỹ Joe Biden với báo giới khi đến căn cứ không quân Andrews (bang Maryland của Mỹ) ngày 13-9 - Ảnh: REUTERS

"Rõ ràng là người Ukraine đã đạt được nhiều tiến triển đáng kể, nhưng tôi nghĩ đây sẽ là một chặng đường dài", Tổng thống Mỹ Biden trả lời báo giới ngày 13-9 (giờ Mỹ), khi được hỏi liệu đợt phản công lần này của Ukraine có phải là một bước ngoặt của cuộc chiến.

Trong thông điệp video tối 13-9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố quân đội nước này đã tái chiếm được tổng cộng 8.000km2 từ Nga trong vài ngày qua, trong đó có 4.000km2 Ukraine đang kiểm soát chắc chắn và hoàn toàn.

Theo Hãng tin Reuters, tổng diện tích tái chiếm tương đương đảo Crete của Hy Lạp và phần lớn tập trung tại vùng Kharkov giáp biên giới với Nga.

Trước đà phản công thần tốc của Ukraine, nhiều ý kiến từ cả trong và ngoài Ukraine đã kêu gọi phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí để bảo đảm chiến thắng cho Kiev.

Nhà Trắng xác nhận nhiều khả năng Mỹ sẽ gửi thêm một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trong "những ngày tới". Tuy nhiên, cũng chính các quan chức Mỹ đang là người cố gắng kiềm chế sự lạc quan thái quá trước các diễn biến có lợi cho Ukraine trên chiến trường.

Các quan chức Lầu Năm Góc, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ tìm cách uyển chuyển vấn đề, tránh các tuyên bố công khai gọi đây là một chiến thắng cho Ukraine.

Trong cuộc họp báo ngày 13-9, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết vẫn còn quá sớm để nói liệu Ukraine có biến cuộc phản công như hiện nay thành một bước ngoặt hay không.

Theo ông Kirby, Tổng thống Ukraine Zelensky nên là người "xác định và quyết định xem về mặt quân sự Ukraine đã đạt đến một bước ngoặt hay chưa", theo Hãng tin Reuters.

Hồi tuần trước, trong khi ghi nhận những bước tiến của Ukraine, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng cho rằng chặng đường còn dài vì Nga vẫn còn nhiều binh sĩ ở Ukraine.

Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào cuối tháng 2 và kể từ đó vấp phải hàng loạt phản đối và chỉ trích từ phương Tây. Các nước này, dẫn đầu là Mỹ, đã cung cấp viện trợ quân sự ồ ạt cho Ukraine sau thời gian đầu chần chừ.

Các lực lượng Nga vẫn kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine ở phía nam và phía đông, đồng thời liên tiếp tổ chức tập kích vào vị trí của quân Ukraine ở các vùng vừa được tái chiếm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại