Cuối tuần trước, tờ Tân Hoa Xã đưa tin Ủy ban trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc muốn xóa bỏ điều khoản quy định người đứng đầu Nhà nước "sẽ không phục vụ nhiều hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp". Đây được coi là động thái mở đường cho Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền lâu dài hơn.
Nhưng điều này có ý nghĩa gì đối với TTCK Trung Quốc? Một số nhà đầu tư ở đây đã đưa ra những quyết định tưởng chừng như không có cơ sở: mua cổ phiếu của những công ty mà trong tên gọi có chữ "king" hoặc "emperor", những từ có nghĩa là vua, hoàng đế.
Cổ phiếu của Shenzhen Emperor Technology, 1 công ty chuyên về hệ thống thẻ thông minh, đã tăng 7,4%, mạnh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Khối lượng giao dịch cổ phiếu này cũng tăng đột biến, gấp gần 5 lần so với phiên trước đó.
Cổ phiếu của Harbin Viti Electronics, công ty có tên tiếng Trung nghĩa là "hoàng đế hùng mạnh" tăng 4,4%. Cũng có tên gọi có ý nghĩa tương tự, cổ phiếu của Vatti Corp, nhà sản xuất lò nướng và cây nước nóng, tăng 1,7% lên mức cao nhất 3 tuần. Trong khi đó cổ phiếu của công ty thực phẩm Jiangxi Huangshanghuang Group – dịch ra tiếng Trung là "vua của các ông vua" tăng 2,9%.
Cổ phiếu Shanghai Emperor tăng 3,3%.
Tuy nhiên xu hướng mua cổ phiếu theo tên gọi cũng không hiếm gặp ở Trung Quốc. Cuối năm 2016, nhà đầu tư trên thị trường có giá trị vốn hóa 7.700 tỷ USD này – phần đông là các nhà đầu tư nhỏ lẻ - đã đổ xô mua cổ phiếu của những công ty có tên gọi mang ý nghĩa "Trump thắng lớn". Còn cổ phiếu của những công ty mà tên gọi có nghĩa là "bà dì Hillary" lại bị bán tháo.
Khi Trung Quốc công bố kế hoạch xây dựng 1 khu kinh tế mới ở gần Bắc Kinh vào tháng 4 năm ngoái, cổ phiếu của những công ty có các cụm từ "Bắc Kinh", "phát triển", "xây dựng" và thậm chí là "xi măng" đã hưởng lợi.
Đó là về phản ứng khá kỳ lạ của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, còn các chuyên gia phân tích nhận định như thế nào về động thái chính trị này?
Theo các chuyên gia phân tích được khảo sát bởi Bloomberg, nếu Trung Quốc sửa hiến pháp và kéo dài thời gian lãnh đạo của Chủ tịch Tập, điều đó sẽ có lợi cho thị trường tài chính. Ngoài chuyện ổn định chính trị, ông Tập sẽ có thể tiếp tục theo đuổi các chính sách cải cách kinh tế. Tuy nhiên cũng tồn tại nguy cơ Trung Quốc mắc sai lầm về chính sách.
Kể từ khi chính thức lên nắm quyền năm 2013, nhìn chung nhiệm kỳ của ông Tập duy trì được nền kinh tế khá ổn định nhưng cũng có một vài thời kỳ thị trường chao đảo và khiến Chính phủ phải can thiệp. Nhiều thách thức cũng xuất hiện, trong đó có mối đe dọa từ tốc độ tăng trưởng suy giảm hay núi nợ khổng lồ và tình trạng già hóa dân số.
Dưới đây là nhận định của một vài chuyên gia am hiểu về thị trường Trung Quốc:
Các chuyên gia phân tích tại Everbright Sun Hung Kai:
Nếu ông Tập Cận Bình tại chức hơn 2 nhiệm kỳ, các chính sách sẽ không có nhiều thay đổi nhưng sẽ chú trọng hơn đến việc thực hiện. Các nhiệm vụ chính bao gồm ngăn chặn rủi ro hệ thống, giảm tỷ lệ đòn bẩy và giảm dòng tín dụng chảy vào những lĩnh vực không mong muốn.
Từ khía cạnh đầu tư, cách tốt nhất để thích nghi với hoàn cảnh này là mua cổ phiếu của các ngân hàng lớn ở Trung Quốc. Họ sẽ được hưởng lợi từ nguồn tín dụng dồi dào và í bị ảnh hưởng bởi các chính sách ngăn chặn rủi ro của Chính phủ.
Banny Lam, trưởng bộ phận nghiên cứu của CEB International Investment Corp. (Hồng Kông):
Khả năng nhiệm kỳ của ông Tập kéo dài hơn sẽ có tác động tích cực đến thị trường. Trung Quốc mới đi được một nửa chặng đường cải cách kinh tế, vì thế các chính sách sẽ rất quan trọng. Trung Quốc có thể tiếp tục đi theo cải cách trọng cung và những nỗ lực giải chấp, cũng như duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa ổn định. Điều đó sẽ giúp cải thiện các yếu tố cơ bản trong nền kinh tế.
Robert Carnell, chuyên gia kinh tế trưởng tại ING Bank:
Với quyền lực được củng cố, ông Tập sẽ dễ thành công hơn với các nỗ lực giảm giải chấp, chuyển đổi nền kinh tế sang dựa vào tiêu dùng, chiến dịch chống tham nhũng, sáng kiến Một vành đai một con đường hay tăng tính linh hoạt cho đồng nhân dân tệ và cán cân vốn.