Ngày hôm qua (25/2), đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã đề xuất sửa đổi hiến pháp của nước này, loại bỏ điều lệ "Chủ tịch và Phó Chủ tịch [Trung Quốc] chỉ được tại nhiệm không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp".
Nếu hiến pháp sửa đổi được thông qua vào tháng Ba tới, Chủ tịch Trung Quốc đương nhiệm Tập Cận Bình sẽ có thể tiếp tục giữ chức vụ hiện tại nếu ông được bổ nhiệm vào vị trí này sau năm 2023.
Theo Tân Hoa Xã, bản đề xuất dài 4.480 chữ đã được viết từ ngày 26/1 nhưng giới phân tích không rõ tại sao tròn 1 tháng sau tài liệu này mới được gửi lên và công bố trước công chúng.
Ông Tập Cận Bình, hiện 64 tuổi, đã tái đắc cử chức Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc vào kì Đại hội toàn quốc khóa 19 của đảng vào tháng 10/2017 vừa qua. Trong kỳ họp Quốc hội tới đây, gần như chắc chắn ông sẽ được bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ thứ hai (2018-2023).
Trong nhiều thập kỉ trở lại đây, các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thường nghỉ hưu trước tuổi 68. Theo hiến pháp nước này, không vị lãnh đạo nào được giữ chức Chủ tịch nước quá hai nhiệm kì 5 năm.
Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời các chuyên gia nhận định, việc loại bỏ giới hạn nhiệm kì chức vụ Chủ tịch Trung Quốc trong hiến pháp là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy ông Tập Cận Bình có khả năng nắm vai trò nguyên thủ lâu hơn những người tiền nhiệm trong 3 thập niên qua, đặc biệt khi hệ thống lãnh đạo đã "dần đi vào ổn định".
Ngoài ra, điều này sẽ giúp ông Tập có nhiều thời gian hơn để hoàn thành mục tiêu "làm hồi sinh" Trung Quốc như ông đã dự định.
Deng Yuwen, cựu biên tập viên Study Times - tờ báo trực thuộc Trường đảng Trung ương Trung Quốc, nhận xét: "Sự thay đổi lớn trong hiến pháp là dấu hiệu rõ nét cho thấy ông Tập sẽ tiếp tục nắm quyền sau khi kết thúc nhiệm kì tới. Tại thời điểm hiện tại, khó có thể biết ông ấy có thể giữ chức vụ cả đời hay không".
CGTN giới thiệu về sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
Kerry Brown, Giám đốc viện Trung Quốc tại Đại học King - London, cho biết các diễn biến gần đây trong hệ thống dân chủ của các nước phương Tây đã thúc đẩy Bắc Kinh xét tới việc thay đổi.
"Ông [Donald] Trump lên nắm quyền, Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit), sự trỗi dậy của các phe cực hữu và cực tả trên khắp thế giới… khiến Trung Quốc mong muốn ổn định chính trị hơn bao giờ hết, nhất là tránh các rủi ro và bất ổn. Ông Tập là nhân vật trung tâm trên chính trường Trung Quốc với khả năng lãnh đạo phù hợp," ông Brown đánh giá.
Trong bài xã luận đăng chiều 25/2, sau khi có thông tin trung ương ĐCSTQ đề xuất sửa đổi quy định trong hiến pháp liên quan đến nhiệm kì Chủ tịch nước, tờ Thời báo Hoàn cầu nhận định việc loại bỏ giới hạn nhiệm kì giúp các chức vụ trong hệ thống lãnh đạo không bị thay đổi quá nhiều.
"Hơn 20 năm qua, hệ thống gồm Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã hình thành và tỏ ra khá hiệu quả. Việc loại bỏ giới hạn nhiệm kì giúp hoàn thiện hệ thống này và tăng cường hiệu quả lãnh đạo của đảng và nhà nước Trung Quốc," tờ Thời báo Hoàn cầu viết.
Ở mô hình hiện nay, lãnh đạo tối cao Trung Quốc đồng thời giữ chức Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy trung ương và Chủ tịch nước Trung Quốc, nhưng hai chức vụ đầu tiên không bị giới hạn về quy định nhiệm kì.
Hoàn Cầu dẫn một nguồn tin giấu tên cho hay, "Sự thay đổi mới không đồng nghĩa với việc Chủ tịch Trung Quốc sẽ có nhiệm kì ‘cả đời’."