Đang lái xe mà gặp tình huống mất phanh thì hẳn sẽ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi đang chạy ở tốc độ cao hay đang xuống dốc. Đây là sự cố kỹ thuật nguy hiểm nhất đối với một tài xế và có thể xảy ra trên cả các xe đời mới.
Khi ấy, sự hoảng loạn mất bình tĩnh chính là một trong những nguyên nhân chính làm cho hậu quả càng nặng nề. Vậy bạn cần làm gì để hạn chế tối đa sự nguy hiểm khi rơi vào tình huống này?
1. "Phòng bệnh hơn chữa bệnh"
Trước tiên, để phòng tránh rơi vào tình huống nguy hiểm trên, bạn phải đảm bảo chế độ chăm sóc, sửa chữa, bảo dưỡng xe định kỳ, tuân thủ luật giao thông (không phóng nhanh, vượt ẩu, giữ khoảng cách an toàn với các xe khác...).
Nếu trời mưa, đường xấu, cua gấp thì nên hạn chế tốc độ và luôn chủ động trước mọi tình huống có thể xảy ra.
2. Giữ bình tĩnh
Hoảng loạn sẽ khiến bạn xử lý sai. Ảnh Internet.
Nếu không may rơi vào tình huống hiểm nghèo đó, việc đầu tiên phải ghi nhớ là luôn cố gắng... giữ bình tĩnh! Điều này là tác nhân chủ yếu quyết định xem liệu bạn có may mắn sống sót hay không!
Chính sự hoảng loạn, luống cuống sẽ khiến chúng ta không thể xử lý mọi chuyện một cách chính xác và làm cho sự việc thêm tồi tệ.
3. Nhả chân ga, trả về số thấp
Hãy nhả chân ga (đối với xe tự động) cũng như về số thấp (với xe số sàn) để giảm tốc độ tối đa. Tuy nhiên tránh về số quá nhanh hoặc quá thấp nếu xe đang chạy ở tốc độ cao hay xuống dốc vì có thể phá hủy hệ truyền động, vỡ hộp số gây mất kiểm soát hoàn toàn.
Hãy về số và cảm nhận tốc độ để trả về số tiếp theo cho hợp lý.
Cảm nhận tốc độ và giảm số từ từ. Ảnh Internet.
Tuyệt đối không tắt động cơ vì điều này làm mất đi trợ lực cho hệ thống lái khiến cho việc điều khiển càng khó khăn. Nhất là khi xe chạy ở tốc độ cao, việc làm này sẽ làm tình trạng nguy hiểm tồi tệ hơn vì lực quán tính tác động.
4. Cảm nhận chân phanh và sử dụng phanh tay
Dù mất phanh nhưng điều này có thể do mất dầu vì hỏng đường ống, do đó hãy đạp phanh liên tục để có thể hồi phục áp suất (nếu xe có ABS thì hành động này sẽ kích hoạt ABS). Đồng thời thử đạp sát tận sàn nếu phanh mềm.
Ngoài ra, hãy sử dụng phanh tay (còn gọi là phanh khẩn cấp), loại phanh này tuy hơi mất thời gian để dừng vì chỉ tác động bánh sau nhưng sẽ giúp tốc độ giảm đi đáng kể.
5. Giữ tầm quan sát, báo hiệu cho các xe khác
Hãy ra hiệu cho người khác biết. Ảnh Internet.
Để hạn chế hậu quả đáng tiếc hoặc gây nguy hiểm cho người khác, hãy bật đèn cảnh báo, nháy pha hay dùng còi gây chú ý để mọi người biết được mối nguy hiểm.
Mở cửa sổ nhằm tăng sức cản của không khí và dễ gọi trợ giúp hơn.
6. Dùng vật cản giảm tốc
Luôn kiểm tra xe định kỳ. Ảnh Intertnet.
Nếu khéo léo, bạn có thể làm dừng xe nhờ những vật cản bên đường như con lươn, bãi cỏ ven đường, đống rơm, bụi cây, vũng lầy, bờ tường hay thậm chí có vẻ điên rồ hơn là lao xuống ao, hồ, sông (nếu bạn biết bơi), đồng ruộng hay đâm vào vách núi.
Cuối cùng, "phòng bệnh hơn chữa bệnh" nên hãy giảm tối đa nguy cơ rơi vào tình huống trên bằng cách luôn bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ và tập thói quen đi xe với tốc độ vừa phải mà bản thân có thể kiểm soát.