Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters
Dù đều mong muốn sẽ không có thảm họa hạt nhân nào xảy ra, song kỳ vọng về cách thức giải quyết vấn đề nhà máy của các bên liên quan đang là khác nhau.
Dẫn đầu phái đoàn IAEA khi tới thành phố Zaporizhzhia, Tổng Giám đốc Rafael Grossi hôm qua (31/8) khẳng định, chuyến thăm của phái bộ tới nhà máy điện hạt nhân là một “nhiệm vụ chuyên môn”, nhằm ngăn chặn một sự cố hạt nhân.
“Chúng tôi có nhiều việc để làm. Đó chủ yếu là vấn đề chuyên môn, kỹ thuật như đánh giá sự toàn vẹn vật lý của cơ sở hạ tầng, hoạt động của hệ thống an ninh. Chúng tôi phải nói chuyện và làm việc với nhân viên của nhà máy và cố gắng thiết lập một sự hiện diện thường xuyên của IAEA tại đây. Tuy nhiên, trước tiên, chúng tôi sẽ phải làm việc với những người ở đó”, ông Rafael Grossi nói.
Theo Tổng Giám đốc IAEA, sứ mệnh thanh sát này có thể diễn ra trong vài ngày và cho tới thời điểm hiện tại, phái đoàn của IAEA đang được tạo điều kiện tốt nhất.
Ngay sau tuyên bố của Tổng Giám đốc IAEA, đại diện của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo), ông Mikhail Ulyanov cho biết, Nga hoan nghênh ý tưởng các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) có thể hiện diện thường trực tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine. Theo nguồn tin từ một số quan chức Nga, phái đoàn có thể cử 6 hoặc 8 nhân viên ở lại nhà máy sau chuyến thanh sát.
Trong khi, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố việc các thanh sát viên của IAEA đến kiểm tra nhà máy điện hạt nhân Zapozhiazhia là cần thiết và Nga sẵn sàng hợp tác với phái đoàn của IAEA. Ông Peskov cũng nhấn mạnh việc giảm căng thẳng quân sự tại nhà máy điện hạt nhân Zapozhiazhia vì sự an toàn của cả châu Âu.
Cũng trong ngày hôm qua, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell cũng bày tỏ hy vọng phái bộ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ giúp đưa tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine trở lại bình thường, với việc phi quân sự hóa.
“Chúng tôi đã yêu cầu phi quân sự hóa ngay lập tức khu vực lân cận nhà máy điện hạt nhân lớn nhất trên toàn châu Âu. Chúng ta không thể chơi trò chơi chiến tranh trong khu vực lân cận của một địa điểm như thế này. Vì vậy, tôi hy vọng rằng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử sẽ có thể khôi phục tình hình. Và chắc chắn chúng ta phải tiếp tục gây sức ép để phi quân sự hóa hoàn toàn nhà máy này”, ông Josep Borrell nêu rõ.
Đây cũng là mong muốn của nhiều quan chức châu Âu và bản thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong cuộc gặp với Tổng Giám đốc IAEA, Tổng thống Ukraine cho rằng, Quyền kiểm soát nhà máy nên được trao lại cho nước này và quân đội Nga phải rút khỏi nhà máy.
Trong khi đó, một số quan chức cấp cao quốc phòng Mỹ thậm chí còn mong muốn đóng cửa hoàn toàn nhà máy này, sau khi thừa nhận vẫn có khả năng Ukraine đã pháo kích nhà máy này, nhằm đáp trả các vụ tấn công của Nga từ bên trong nhà máy. Tuy nhiên, việc đóng cửa hoàn toàn có thể khiến người dân Ukraine rơi vào một hoàn cảnh khó khăn khác là thiếu điện sử dụng đặc biệt khi mùa đông đang đến gần. Đây là điều Nga cũng đã cảnh báo trước đó và khả năng Nga đóng cửa nhà máy là “cực chẳng đã” khi nhà máy liên tục bị tấn công.
Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu. Thời gian gần đây, khu vực xung quanh nhà máy đã xảy ra nhiều vụ tấn công quân sự. Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau pháo kích nhà máy, dẫn tới những yêu cầu IAEA thị sát cơ sở này. Nga cho rằng, khó có thể phi quân sự hóa nhà máy này, do lo sợ “những kẻ phá hoại” tấn công nhà máy, gây ra thảm họa hạt nhân./.