Phá quy ước, tạo tiền lệ: Tập Cận Bình sắp "giáng đòn" lên tập thể lãnh đạo cao nhất TQ?

Hải Võ |

Một câu hỏi trong cuộc họp báo 3 tháng trước Đại hội khóa XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc (11/2012) đã khiến phát ngôn viên của Ban tổ chức trung ương nước này "mất cảnh giác".

"Sẽ có bao nhiêu người trong Ban thường vụ Bộ chính trị (BTVBCT) tiếp theo?" một phóng viên Mỹ đặt câu hỏi.

Người phát ngôn của Ban tổ chức trung ương ĐCSTQ, cơ quan giám sát các cơ cấu, tổ chức trong Trung Nam Hải, chỉ có thể đáp rằng "tôi không biết".

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, trên thực tế, trước khi các thành viên BTVBCT mới - những lãnh đạo đưa ra quyết sách hàng đầu của đất nước - bước lên bục để chụp ảnh tại phiên bế mạc Đại hội đảng, được tổ chức 5 năm một lần, thì cả thế giới không có chút manh mối nào về danh tính hay số lượng của nhóm này.

Các nhà phân tích nói rằng cuộc tái cơ cấu quyền lực trong đảng mà tiêu điểm là Đại hội XIX dự kiến tổ chức mùa thu năm 2017 là cơ hội tốt cho ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực của mình, để lần đầu tiên sau 30 năm đưa BTVBCT về lại con số 5 thành viên.

Biến động về "kích cỡ" của Ban thường vụ là hết sức quan trọng, bởi số lượng "người chơi" có thể quyết định phe nào nắm giữ "cửa trên" của quyền lực và từ đó ảnh hưởng đến các quyết sách cao nhất. Ngay cả ông Tập, người vừa được ĐCSTQ xác định là "hạt nhân lãnh đạo" hồi tháng 10/2016, cũng không thoát khỏi quy luật đó.

Còn nếu không có thay đổi về cơ cấu, 5 ghế Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc hiện nay sẽ có chủ mới, trừ ông Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường, bởi có 5 thành viên đã đến tuổi nghỉ hưu theo một nguyên tắc bất thành văn.

Bắc Kinh phủ nhận sự tồn tại của một "quy tắc ngầm" như vậy, làm dấy lên nhiều suy đoán về khả năng có nhân vật "quá tuổi" tái nhiệm.

Lịch sử nhiều biến động của Bộ chính trị Trung Quốc

Danh sách ứng viên "chạy đua" vào Ban thường vụ không bao giờ được Trung Quốc công khai, nhưng người ta có thể thu hẹp phạm vi ứng viên căn cứ vào quy định độ tuổi nghỉ hưu trong đảng, cùng các phát ngôn của hàng trăm quan chức cấp bộ trở lên, đặc biệt là những quan chức có lý lịch công tác và thăng tiến nổi trội hơn.

Phá quy ước, tạo tiền lệ: Tập Cận Bình sắp giáng đòn lên tập thể lãnh đạo cao nhất TQ? - Ảnh 1.

Đặng Tiểu Bình, người đề ra "quy ước" các quan chức thăng tiến theo kiểu "xếp hàng" từng bước (Ảnh: Xinhua)

Tuy nhiên, số lượng thành viên luôn là điều không thể đoán trước. Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc có tới 11 thành viên khi lần đầu được tổ chức vào năm 1927.

BTVBCT không phải lúc nào cũng là tập thể lãnh đạo cao nhất trong ĐCSTQ. Nó bị thay thế bằng Ban bí thư trung ương trong giai đoạn 1934-1956, trước khi được khôi phục quyền lực, để rồi lại "đứng bên lề" một lần nữa khi lãnh tụ Mao Trạch Đông phát động Đại cách mạng Văn hóa (1966-1976) - một thập niên đầy biến động chính trị ở Trung Quốc.

Về mặt lý thuyết, BTVBCT nước này chỉ thực sự nắm quyền quyết sách từ năm 1992, khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình giải tán Ủy ban Cố vấn trung ương - một tập thể gồm các nguyên lão về hưu, có nhiều ảnh hưởng trong Trung Nam Hải, những người từng có tiếng nói quyết định.

Nhưng dù vậy, các vị lão thành vẫn duy trì được tầm ảnh hưởng khác nhau, tùy thuộc khả năng từng cá nhân.

Thay đổi số lượng thành viên BTVBCT - Cách để lãnh đạo Trung Quốc thâu tóm quyền lực

Ding Xueliang, giáo sư chính trị Trung Quốc ở Đại học khoa học và công nghệ Hồng Kông, nhận định Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình có đủ quyền lực để "nâng lên hạ xuống" quyền hạn của BTVBCT, nhưng các lãnh đạo Trung Quốc từ sau Đặng chỉ có thể ép mình và "mày mò" trong khuôn khổ của nó.

"Trong những năm đầu, Mao có ảnh hưởng lên các quyết sách bằng cách đưa thân tín vào những hội nghị mở rộng," Ding nói. "Giang Trạch Dân làm điều tương tự khi ông không thể 'đá' những lãnh đạo đã được bầu vào BTVBCT. Ông chỉ có cách mở rộng nó và đưa người của mình vào."

Phá quy ước, tạo tiền lệ: Tập Cận Bình sắp giáng đòn lên tập thể lãnh đạo cao nhất TQ? - Ảnh 2.

Nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân cùng 6 thành viên BTVBCT Trung Quốc dự một cuộc họp ở Bắc Kinh tháng 9/1994. (Ảnh: Xinhua)

Khi Giang Trạch Dân rời cương vị Tổng bí thư ĐCSTQ năm 2002, một BTVBCT mới được bầu với số thành viên tăng từ 7 lên 9, mà quá nửa trong số đó là đồng minh hoặc "môn đồ" của ông Giang.

Theo SCMP, đây được xem là nỗ lực nhằm hạn chế quyền lực của nhà lãnh đạo mới, ông Hồ Cẩm Đào - người được Đặng Tiểu Bình "chọn mặt gửi vàng".

Khi ông Tập Cận Bình kế nhiệm Hồ Cẩm Đào vào 10 năm sau, số lượng thành viên Ban thường vụ một lần nữa được điều chỉnh, từ 9 về 7.

Tập Cận Bình "bẻ cong" quy ước trong đảng, tạo ra tiền lệ?

Sự thay đổi quy mô BTVBCT Trung Quốc thường chỉ diễn ra ở kỳ chuyển giao quyền lực 10 năm, tức là khi ĐCSTQ bầu ra Tổng bí thư mới theo thông lệ. Ở những thời điểm khác, Ban thường vụ có xu hướng "ổn định".

Nhưng Đại hội XIX có thể chứng kiến một tiền lệ, khi ông Tập vẫn là người đứng đầu ĐCSTQ, trong khi số ghế của Ban thường vụ sẽ bị cắt giảm nếu 5 Ủy viên nghỉ hưu.

Các "quy ước" về thành phần cấu thành BTVBCT có thể dễ dàng bị bẻ cong, bởi trên thực tế Trung Nam Hải chưa bao giờ đưa ra các quy định hay điều luật chính thức liên quan đến vấn đề này - Kerry Brown, Giám đốc Viện Lau China tại ĐH King ở London, nhận xét.

Phá quy ước, tạo tiền lệ: Tập Cận Bình sắp giáng đòn lên tập thể lãnh đạo cao nhất TQ? - Ảnh 3.

Nhà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào cùng 8 thành viên BTVBCT mới ra mắt tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh tháng 9/2002. (Ảnh: Reuters)

"Tất cả những luật lệ về độ tuổi nghỉ hưu hay quy mô Ban thường vụ, không có gì được ban hành dưới dạng văn bản cả," Brown nói.

"Đó là một phép tính đơn giản với ban lãnh đạo của ông Tập, vốn đã thể hiện tính chiến thuật và chính trị cao độ đối với những sắp xếp [nhân sự] có thể giúp họ đạt được các mục tiêu then chốt".

Giáo sư Bạc Trí Dược, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc đương đại Đại học Victoria, Wellington, New Zealand, cho rằng việc cắt giảm số thành viên BTVBCT xuống 5 người sẽ có lợi cho Tập Cận Bình bởi ông đang cần tập trung quyền lực.

"Các thành viên trong tương lai của Ban thường vụ có thể sẽ trái ý ông Tập," ông Bạc đánh giá. "Thế hệ quan chức tiếp theo đang đợi ngày gia nhập [Bộ chính trị] đã được 'sắp xếp' bởi các nhóm thế lực khác, và họ không có bối cảnh thân cận với Tập Cận Bình."

Theo giáo sư Bạc, những "môn đồ" của ông Tập vẫn còn trẻ tuổi ở thời điểm hiện tại, khiến ông khó đề cử trực tiếp họ vào Ban thường vụ. Nhưng việc đưa họ vào nhóm hơn 20 thành viên Bộ chính trị vẫn là điều khả thi.

"Có một lý thuyết về việc 'xếp hàng' trong ĐCSTQ: Nếu tôi xếp đầu hàng thì không có lý do gì tôi không được thăng tiến trước người khác," Bạc Trí Dược nói.

Quy ước về "xếp hàng" được tổ chức từ thời Đặng Tiểu Bình là biện pháp loại trừ các vụ "thăng tiến thần tốc" của những nhân vật cánh tả cuồng tín trong giai đoạn cuối đời Mao Trạch Đông.

Ông Đặng tuyên bố "những hạt giống tốt cần phải thăng tiến từng bậc thang một".

Phá quy ước, tạo tiền lệ: Tập Cận Bình sắp giáng đòn lên tập thể lãnh đạo cao nhất TQ? - Ảnh 4.

Ông Tập Cận Bình (thứ hai từ phải) đã giành một ghế trong BTVBCT khóa XVII của Trung Quốc, từ đó vươn lên thành nhà lãnh đạo. (Ảnh: Xinhua)

Theo SCMP, có được sự ủng hộ của đa số trong BTVBCT là một điều quan trọng bởi ĐCSTQ thực hiện cơ chế "lãnh đạo tập thể", mà Tổng bí thư chỉ là "người đứng đầu nhưng bình đẳng với những người còn lại".

Nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân không dưới 1 lần khẳng định "chúng tôi là một đội, và với tư cách đội trưởng thì tôi cũng chỉ có 1 phiếu bầu" - trích từ cuốn tiểu sử chính thức "Người đàn ông thay đổi Trung Quốc".

Việc giảm kích cỡ Ban thường vụ sẽ giúp Tập Cận Bình dễ dàng lôi kéo để có được sự ủng hộ của đa số hơn - giáo sư Steve Tsang từ Đại học London nhận định.

"Giảm quy mô BTVBCT xuống 5 thành viên nghĩa là ông Tập sẽ dễ được đa số ủng hộ hơn nhiều - ông ấy chỉ cần 2 đồng minh nữa là đủ phiếu," Tsang nói.

"Nhưng để đạt được điều này cũng không hề dễ dàng. Tập thể sẽ chiến đấu gay gắt để chống lại, nếu đó là kế hoạch của Tập Cận Bình."

Tuy vậy, Steve Tsang cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra dự đoán vào thời điểm này.

"Như các chính khách thường nói, một tuần là cả một thời gian dài trong chính trị. Một năm thì dường như là vô tận. Ai biết được điều gì sẽ xảy ra từ nay đến 1 năm sau?"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại