Thông tin phản ánh trên một số tờ báo, sáng 12/7, trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 15 HĐND TPHCM, nhiều đại biểu bức xúc về nạn xả rác bừa bãi xuống kênh rạch, nơi công cộng.
Nêu ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dân tộc học – Nhân học TP.HCM cho hay, cần nghiên cứu, xây dựng các chuẩn mực văn hóa lối sống.
“Như chương trình vận động toàn dân không xả rác. TPHCM cần khảo sát xem đối tượng, khu vực nào xả rác nhiều nhất. Đã đến lúc nghĩ đến việc ăn cây nào phải rào cây nấy.
Thực tế, có một bộ phận người nhập cư không tuân thủ các quy định của thành phố. Có biện pháp nào mạnh mẽ hơn không? TPHCM có thể yêu cầu họ trở về nơi cư trú cũ vì “Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen”, báo chí dẫn lời bà Xuân.
Sau khi ý kiến của bà Xuân được đăng tải đã tiếp tục nhận được phản ứng của dư luận và một số người cho rằng, việc đề nghị mạnh tay xử lý "trục xuất" người nhập cư phạm lỗi là quan điểm không chính xác, thậm chí "vô pháp".
Trao đổi với PV, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân cho hay, gia đình bà và nhiều người thân, bạn bè, học trò cũng có nguồn gốc từ ở nơi khác về TP Hồ Chí Minh sinh sống, làm việc nên "việc nói tôi đề nghị trục xuất người nhập cư vì xả rác là không chính xác".
Bà nói, tại phiên họp HĐND TP buổi sáng 12/7, bà đã góp ý vào việc TP HCM nên xây dựng chuẩn mực, đạo đức văn hóa, đạo đức ứng xử để hiện thực hóa Nghị quyết xây dựng TP HCM văn minh, hiện đại nghĩa tình.
"Tôi đã nhận định, TP HCM là nơi "đất lành chim đậu" và những người dân nơi khác tựu hội về đây đã, đang chung sức, chung lòng, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển của TP.
Kết nối với cuộc vận động "người dân không xả rác ra đường, kênh rạch vì TP sạch, giảm ngập nước, tôi có nêu ý tứ là TP Hồ Chí Minh nên khảo sát xem khu nào người dân thường xả rác nhiều nhất, đối tượng nào xả rác nhiều nhất.
Thực tế, có một bộ phận người nhập cư không tuân thủ các quy định của pháp luật, TP. Do đó, chúng ta có nên có biện pháp nào mạnh mẽ hơn không? TP có thể yêu cầu họ trở về nơi cư trú cũ?.
Rõ ràng, bất cứ người dân nào vi phạm cũng bị xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, nếu là những người nhập cư từ nơi khác đến chưa có nơi ở ổn định, vậy có nên đưa họ về nơi xuất cư?", bà Xuân nêu rõ ý kiến của mình.
Nữ ĐB HĐND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Hiến pháp cũng như Luật cư trú đã có hiệu lực từ năm 2007 quy định rất rõ mọi công dân đều có quyền tự do cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.
"Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến một bộ phận người nhập cư hay lao động bất hợp pháp nếu có hành vi vi phạm, không tuân thủ các quy định thì TP HCM cần có biện pháp mạnh như đưa họ về nơi xuất cư.
Còn nếu người ta không vi phạm các quy định của pháp luật, thành phố thì sao có thể xử lý họ được", bà Xuân nói thêm.
PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân chia sẻ, sau các phát biểu góp ý của bà ở HĐND, trên mạng xã hội, rất nhiều người đã có những bình luận, chia sẻ với nội dung làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm...
"Cá nhân tôi đã phải trải qua những ngày rất áp lực vì bên cạnh các ý kiến tán thành, ủng hộ chia sẻ cũng có không ít sự không thấu hiểu và phản ứng có phần gay gắt của một bộ phận cộng đồng mạng và qua điện thoại, tin nhắn...
Việc báo chí bình luận, phân tích tôi tiếp thu với tinh thần cầu thị, tuy nhiên, tôi nghĩ, mình cần được bảo vệ hình ảnh, danh dự cá nhân", bà Xuân bày tỏ.
Trước đó, cũng trong kỳ họp này, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân đã đưa ra ý kiến dùng lu để chống ngập và tạo nên những ý kiến trái chiều khác nhau trong dư luận.