Tình bạn không có lỗi, lỗi do định mệnh
Mourinho và Pep từng là bạn tốt của nhau, dù Mourinho nhiều hơn Pep 8 tuổi. Bởi cả hai đều đã có chí hướng trở thành HLV trưởng từ rất sớm. Với Mourinho, chức danh trợ lý ngôn ngữ chưa bao giờ là đủ. Với Pep, những trăn trở về chiến thuật đã xuất hiện từ khi ông còn là cầu thủ. Thế nên cả hai đã từng trò chuyện với nhau thật nhiều về chiến thuật trên sân tập. "Phải, Jose từng là bạn của tôi," Pep thừa nhận trong cuốn tự truyện.
Thế rồi tình bạn ấy tan vỡ, mà lỗi chẳng do ai cả. Đức Đà Lai Lạt Ma từng nói một người bạn cũng như một ngày, nhất định rồi sẽ trôi qua. Vậy thì ta hãy vinh danh người bạn ấy, hoặc ngày hôm ấy một cách tốt nhất: làm cho nó trở nên ý nghĩa.
Pep và Mourinho trở mặt thành thù, có lẽ khởi đi từ năm 2008, năm Barca chọn HLV trưởng thay cho Frank Rijkaard. Họ đã mời Mourinho đến phỏng vấn, nhưng rốt cục lại chọn Pep, khi ấy chưa có bất kỳ kinh nghiệm cầm quân đỉnh cao nào. Bởi họ tin Pep là đại diện trung thành nhất cho lối chơi mà Johan Cruyff đã khai sinh, còn Mourinho chỉ là một "con cừu đen" của gia đình Barca.
Màn ăn mừng không thể phấn khích hơn của Mourinho khi Inter Milan loại Barcelona ở bán kết Champions League năm nào.
Mourinho đã có nhiều chiến công hiển hách trong đời. Nhưng chưa bao giờ người ta thấy ông vui đến thế khi Inter Milan loại Barcelona tại bán kết Champions League mùa 2009/10. Ông đã cố tình nán lại trên sân rất lâu, vung tay khiêu khích về phía khán đài, đến mức Ban quản lý sân phải bật hệ thống tưới sân tự động để đuổi cả thầy lẫn trò của Inter rời sân.
Nhưng đấy chưa phải là tận cùng của mâu thuẫn. Trận chung kết Champions League năm ấy diễn ra tại sân Bernabeu. Thành ra Chủ tịch Florentino Perez hết sức biết ơn Mourinho vì đã tránh cho ông cơn ác mộng phải nhìn đại kình địch Barca nâng cúp ngay trên thánh địa mình. Và cũng là để chặng đứng sự thống trị của Barca, Perez đã trải thảm mời Mourinho sang Bernabeu.
Tận cùng sự mâu thuẫn là triết lý con người
Mối quan hệ đang rất xấu của Mourinho và Guardiola, được đặt trong bối cảnh là cuộc chiến El Clasico, mới bị đẩy đến tận cùng của sự mâu thuẫn. Cho đến nay, lối chơi tiki-taka của Pep vẫn chiếm lợi thế lớn trước Mourinho. Pep thắng 7/16 cuộc giao đấu trong khi Mourinho chỉ thắng 3 trận.
Thế nhưng, những trận thắng của Pep cũng buộc ông phải lao tâm khổ tứ, vắt hết tinh hoa. Khi Pep rời Barca sau 4 năm gắn bó, thậm chí phải nghỉ ngơi một năm mới dám trở lại, đấy là vì ông thật sự đã kiệt sức. Sự kiệt sức ấy hết 50% là từ Mourinho mà ra.
Người khiến Pep phải lao tâm khổ tứ đến kiệt sức, chỉ có thể là Mourinho.
Mourinho là người duy nhất khiến Pep phải từ bỏ hình ảnh lịch thiệp thường thấy. Trước một trận El Clasico, Pep nói: "Ngài Mourinho tự gọi tôi là Pep, thế thì tôi gọi ngài ấy là Jose. Ngày mai, lúc 8 giờ 45, chúng tôi sẽ chạm trán nhau trên sân cỏ. Chưa cần đấu, ông ấy cũng thắng trận đấu ở ngoài sân.
Nếu có một danh hiệu Champions League bên ngoài sân cỏ, tôi cam tâm để ông ấy mang về nhà. Trong căn phòng họp báo này, Mourinho là một ông sếp khốn nạn, một gã khốn nạn. Thế nên tôi chả dại gì đấu với ông ấy ở đây. Tôi chỉ muốn ông ấy nhớ là tôi từng làm việc với ông ấy 4 năm ở Barcelona. Tôi biết ông ấy, ông ấy cũng biết tôi. Tôi luôn cố học Jose ở trên sân cỏ, nhưng tôi cố không học cái thói cư xử của ông ấy ở ngoài sân".
Lời nói trong lúc hằn học ấy vẫn toát lên sự ngưỡng mộ của Pep dành cho Mourinho, thông qua từ "học hỏi". Bởi vì Mourinho tuy cũng có 4 năm ở Barcelona như Pep nói, tuy cũng tiếp thu tinh hoa từ thứ bóng đá tuyệt vời của Johan Cruyff, nhưng ông không bị thứ triết lý ấy ám ảnh như Pep.
Nếu như Pep dành trọn sự nghiệp sau khi giải nghệ để vinh danh triết lý ấy, phát triển nó lên tầm cao mới thì Mourinho là người vạch ra những điểm yếu, và từ đó phủ định triết lý ấy. Khi cả thế giới đều ngưỡng mộ tiki-taka, Mourinho là người hiếm hoi đi ngược dòng, thậm chí chỉ ra cho thế giới thấy không có chiến thuật nào là hoàn toàn ưu việt.
Muốn biết rõ về Mou và Pep, hãy hỏi Ibrahimovic.
Khi Inter Milan chạm trán Barca ở Champions League năm nào, đội bóng của Mourinho kiểm soát bóng chưa đến 20% thời lượng. Trong những trận thắng ít ỏi của Mourinho trước Pep khi cả hai cùng ở La Liga, chưa bao giờ Real cầm bóng đến 35%. Ai cần bóng để chiến thắng, như những người ở Barca rao giảng?
Mourinho coi xù xì, nhưng kỳ thực là người phát triển đội bóng theo hướng phát huy con người. Pep Guardiola thì lại theo hướng vinh danh hệ thống. Bởi vì rất hiếm có cầu thủ nào từng làm việc với Mourinho nói xấu về ông. Còn Pep, ông đi đến đâu thì để lại những xầm xì đến đó, từ cầu thủ cho đến bác sĩ. Đến cả bạn thân của Pep là Tito Vilanova, sinh thời còn chỉ trích Pep đã nói dối xung quanh bệnh tình của mình.
Chiếc gạch nối giữa cả hai là Zlatan Ibrahimovic. Trong lúc Zlatan vinh danh Mourinho thì chửi bới Pep không còn kiêng dè gì. "Mourinho là người thắp sáng một căn phòng, Pep tắt đèn để tất cả đều sống trong bóng tối", Zlatan viết trong tự truyện.
Lần đầu tiên, trận derby Manchester thu hút nhiều sự chú ý đến thế. Và đấy cũng là lần đầu tiên, câu chuyện về oán thù của hai HLV lại cao hơn cả chính trận đấu ấy.