Ngày 17/3, lệnh phong tỏa toàn bộ nước Pháp được đưa ra. Ngay sau đó thì Paris - Kinh đô ánh sáng, một trong những địa điểm du lịch hot bậc nhất thế giới - bỗng trở nên hoang vu đến lạ kỳ. Quá trưa, cảnh sát tuần tra đại lộ Champs-Élysées gần Khải Hoàn Môn, bắt đầu áp dụng các quy tắc phong tỏa đối với thành phố và cả đất nước. Ở thời điểm ấy, Pháp là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đại dịch Covid-19, với 6.600 ca nhiễm và 148 người tử vong.
Lệnh phong tỏa được xem là giải pháp khắc nghiệt nhất trong lịch sử nước Pháp thời hiện đại. Sau khi công bố, mọi công dân sẽ phải ở nguyên tại nhà trong 15 ngày kế tiếp, chỉ được phép ra ngoài nếu có tình huống khẩn cấp - mua sắm nhu yếu phẩm, thuốc men, hoặc đi công tác xa. Bất kỳ ai muốn rời nhà sẽ phải ký và cầm theo một tờ đơn giải thích lý do di chuyển, nếu không sẽ bị phạt tiền.
Vậy là khắp thành phố, cảnh sát phải tiến hành chặn xe và người đi đường, truy xét giấy tờ đi lại của họ.
2 du khách chụp ảnh tại bảo tàng Louvre danh tiếng tại Paris trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực
Lần cách ly thứ 3 và lời cảnh báo chưa từng được xem trọng
"Tôi chỉ đang cố tận hưởng khoảnh khắc cuối trước khi lệnh phong tỏa được áp dụng," - Nana Zhou chia sẻ khi đang chụp nốt ảnh Khải Hoàn Môn trước ban trưa.
Là một sinh viên Trung Quốc học tập tại Paris, Zhou (24 tuổi) hiện đang phải đối mặt với lần cách ly thứ 3 kể từ khi dịch bệnh bắt đầu. Lần đầu tiên là hồi tháng 1/2020, cô về đón Tết với gia đình ở Hà Nam (Trung Quốc) - tỉnh rất gần với Vũ Hán nơi khởi phát dịch bệnh, và phải cách ly 14 ngày ở đó. Khi quay lại Pháp, cô tiếp tục phải tự cách ly trong 14 ngày.
Còn hiện tại, với lệnh phong tỏa toàn Paris, Zhou sẽ lại phải chôn chân ở nhà trong 15 ngày kế tiếp.
Zhou chia sẻ, cô đã cố gắng cảnh báo bạn bè người Pháp của mình về mối nguy mà virus corona chủng mới mang lại, nhưng chẳng ai tin cô hết. Tất cả đều lờ đi, cho rằng mọi chuyện sẽ chẳng có gì nghiêm trọng.
"'Chỉ là cúm thôi mà' - họ bảo tôi thế," - Zhou cho biết. "Giờ tôi có cảm giác Pháp đang giống như Trung Quốc hồi tháng 1. Tôi sợ những gì sẽ xảy ra kế tiếp."
Lệnh phong tỏa được tổng thống Emmanuel Macron đưa ra sau một tuần hỗn loạn của người Pháp, với những thông tin hỗn độn và không thống nhất từ chính phủ. Chỉ 10 ngày trước, bất chấp tình hình dịch bệnh đang leo thang ở châu Á và nước Ý láng giềng, ông Macron và vợ vẫn đến một nhà hát ở Paris, kêu gọi mọi người không hoảng sợ, tiếp tục ra ngoài và sinh hoạt bình thường.
Đến cuối tuần vừa rồi, ông Macron thông báo đóng cửa trường học và các doanh nghiệp không thiết yếu, nhưng vẫn chấp nhận tổ chức bầu cử vào ngày 15/3. Đây là quyết định hiện đang nhận được nhiều chỉ trích, vì nó khiến người Pháp không đánh giá đúng sự nghiêm trọng của dịch bệnh.
Trốn chạy khỏi Paris
"Giống như một cuộc di cư vậy," - Jeanne Bacca (23 tuổi) cho biết. Cô đang ngồi tại ga Gare Montparnasse - một trong những tuyến đường sắt chính của nước Pháp, chờ đợi chuyến tàu trở về với gia đình ở Bordeaux. Vẻ mặt cô thẫn thờ, che mặt bằng một chiếc khăn quàng màu xám vì không mua được khẩu trang. Bacca chia sẻ, lệnh phong tỏa đã khiến cô nhanh chóng rời khỏi Paris, dù bản thân hoàn toàn hiểu rằng rủi ro nhiễm bệnh sẽ tăng lên trên các chuyến tàu kín người ấy.
"Chuyến tàu ấy bây giờ mới là thứ tôi sợ nhất," - Bacca chia sẻ.
Chuyến tàu rời Paris đông như kiến
Vài giờ trước lệnh phong tỏa, toàn bộ nhà ga Gare Montparnasse hỗn loạn với những tin đồn, hoài nghi và âu lo. Với hy vọng về kịp với gia đình, hoặc quá lo về cảnh mắc kẹt trong căn hộ bé nhỏ giữa Paris trong nhiều tuần, hàng trăm người đổ về nhà ga cùng chiếc khẩu trang trắng che mặt, cố gắng rời đi trước khi bị bắt buộc ở trong nhà.
"Tôi đang cố gắng trở về Toulouse," - Robin Pereira, sinh viên 20 tuổi chia sẻ. Chuyến tàu về miền Nam nước Pháp của cô vừa mới bị hủy bỏ. "Tôi không có vé, nhưng sẽ cứ lên tàu và xem chuyện gì sẽ xảy ra."
Từng đoàn người nhồi nhét trên những chuyến tàu về Nantes hoặc Bordeaux. Nhiều người phải ngồi dưới sàn tàu, hoặc đứng chen chúc như cá hộp - dĩ nhiên là sai hoàn toàn với quy tắc giữ khoảng cách xã hội vẫn đang được nhà chức trách cách nước kêu gọi. Mỉa mai thay, những người chạy trốn chạy khỏi Paris lại đang biến đoàn tàu thành thứ khiến họ phải trốn chạy: nơi tiểm ẩn rủi ro lây lan cực lớn!
Tàu điện ngầm không còn một bóng người
Anne Rasmussn, chuyên gia sử học về các đợt khủng hoảng y tế chia sẻ, mọi dịch bệnh tại châu Âu trong quá khứ - từ dịch hạch cho đến cúm Tây Ban Nha - tất cả đều được chứng kiến cuộc di cư ồ ạt, trốn chạy khỏi Paris.
"Đó là phản ứng khá bình thường đối với phần đông cư dân, nhất là trong bối cảnh việc bị phong tỏa là chưa từng có đối với lịch sử nước Pháp hiện đại," - Rasmussn cho biết.
Việc hàng ngàn người rời khỏi Paris chỉ vài giờ trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực còn mang theo những mối nguy khác nữa. "Việc mọi người rời đi sẽ tạo ra mối lo về vấn đề virus lây lan sang các lãnh thổ khác," - trích lời Olivier Véran, Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp. "Việc bạn sống gần biển hoặc các vùng quê gần gũi với thiên nhiên không đồng nghĩa với việc rủi ro lây nhiễm thấp đi."
Paris vắng lặng, nhưng vẫn đầy sức hút
Tại siêu thị U Express, một đoàn khách đang đứng xếp thành hàng dài, mỗi người cách nhau ít nhất 1m. Khi một người phụ nữ cảm thấy người đứng sau tiến đến quá gần, lập tức tranh cãi nổ ra với những từ ngữ hết sức gay gắt.
Pascale Chedin - một nhân viên bảo tàng - cũng đang đứng xếp hàng. Cô đeo găng tay, quàng khăn kín miệng, cố gắng giữ bình tĩnh, dù đôi mắt cô đang cho biết điều khác. Nó thể hiện sự sợ hãi không nói nên lời. Chedin cũng đã dự định rời Paris về các vùng quê, nhưng chủ nhà đang thuê đã yêu cầu cô ở lại thành phố. Hiện tại, Chedin đang lên kế hoạch sẽ làm gì trong thời gian cách ly tại gia.
Đoàn người cách xa nhau, cố giữ khoảng cách an toàn
Dẫu vậy, ngay cả trong thời khắc tăm tối nhất, Paris vẫn là một điểm đến đầy sức hút với mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Phía bên kia sông Seine, một đoàn khách Malaysia đang chụp hình, với bối cảnh là tháp Eiffel phía xa. Bất chấp đại dịch, họ vẫn quyết định không hủy bỏ chuyến du lịch tới Pháp đã được lên kế hoạch từ lâu.
"Ít nhất hãy để chúng tôi ghé thăm tháp Eiffel đã," - trích ơi Fadhilah Nor, 34 tuổi. Nhóm này cho biết họ đến Pháp vào ngày 16/3, và đang trên đường trở lại khách sạn.
Trên đại lộ Champs-Élysées, một cặp đôi người Mỹ đang selfie với Khải Hoàn Môn làm nền. Họ cũng đến Paris vào ngày 16/3 - cũng là lần đầu tiên đến đây, và dự tính ở lại 4 ngày.
"Đây thực sự là trải nghiệm có 1-0-2, khi được đến đây (Khải Hoàn Môn) mà xung quanh vắng lặng," - Alcausin, 41 tuổi chia sẻ. "Chúng tôi không phải giành chỗ trên tàu, không cần xếp hàng chụp ảnh ở cổng. Cuộc sống dễ dàng hơn hẳn ha?"
"Nhưng tôi đoán họ chuẩn đuổi hết chúng tôi ra khỏi đây rồi," - Alcausin cười nói, khi nhận ra đồng hồ sắp điểm ban trưa - thời điểm lệnh phong tỏa chuẩn bị có hiệu lực.
Tham khảo: NY Times