Tuần này, Đảng Dân chủ tiếp tục đợt vận động và tranh đua giữa Biden và Sanders để giành vé đề cử ứng viên Tổng thống, người sẽ đối diện với ứng viên của đảng Cộng hòa Donald Trump, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.2020. Theo đó, Biden và Sanders đã có cuộc tranh luận tay đôi đầu tiên (là cuộc tranh luận thứ 11 của Dân chủ từ đầu mùa bầu cử) và có các cuộc bầu cử sơ bộ tại 4 bang tiếp theo là Arizona, Florida, Illinois và North Dakota.
01.
Nước Mỹ mùa bầu cử
và một tuần không yên ả
Mọi việc vốn vẫn theo lộ trình mùa bầu cử, bỗng trở thành một tuần rất không yên ả của nước Mỹ: dịch Covid-19. Sự lây lan quá nhanh của dịch cả tại nước Mỹ và thế giới đã buộc Tổng thống Trump phải ban hành lệnh đóng cửa với Châu Âu (11.3) và ngay sau đó, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia (14.3). Và, mọi mặt đời sống xã hội ở Mỹ đã bị đảo lộn. Tổng thống Trump kêu gọi người dân bình tĩnh, đăng riêng một dòng Tweet chỉ để đề nghị người dân chấp nhận và thực hiện "cách ly xã hội" trong mùa đại dịch.
Do đại dịch, ban tổ chức cũng đã phải có nhiều điều chỉnh đề giảm bớt đi lại, tụ tập đông người như bố trí thêm các điểm bỏ phiếu, mở giờ bỏ phiếu sớm hơn, hay cho phép bỏ phiếu qua bưu điện… Lần đầu tiên, tranh luận giữa các ứng viên mà không có khán giả dự tại hội trường. Chỉ hai ứng viên trong phòng ghi hình, hai bục phát biểu cách xa nhau đến 6 feet (gần 2m), chào nhau chỉ bằng chạm khuỷu tay, thay vì bắt tay hay ôm, vỗ vai nhau như lâu nay. Địa điểm tranh luận cũng bị thay đổi, ở thủ đô, thay vì tại bang Arizona như dự kiến ban đầu. Đó chính là do Covid-19.
02.
Bầu cử sơ bộ 17.3:
Những kết quả có thể tiên liệu
Cuộc bầu cử sơ bộ tiếp theo của Dân chủ diễn ra vào ngày 17.3, tại 4 bang, với tổng số 577 đại biểu, cụ thể: Arizona (67), Florida (219), Illinois (155) và Ohio (136).
Bước vào cuộc đua này, Biden đã có những chiến thắng ngoạn mục liên tiếp, nhất là tại đợt "Siêu thứ Ba" (3.3) và "Mini" Siêu thứ Ba (10.3). Theo đó, Biden đã dẫn trước Sanders với khoảng cách khá lớn, với khoảng 150 đại biểu (tỉ lệ: 890-736, dù sau đó, Sanders thắng thêm ở các đảo Guam và Bắc Mariana) và đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhân vật chủ chốt trong đảng Dân chủ, bao gồm hầu hết các ứng viên đã rút lui khỏi tranh cử.
Mặt khác, thăm dò dư luận trước bầu cử đều cho thấy Biden có lợi thế khá nhiều so với Sanders, bao gồm cả tại bang Florida có số đại biểu lớn nhất (219) và có ý nghĩa chính trị lớn nhất đợt này.
Với kết quả kiểm phiếu đến nay, Biden thắng lớn, đang dẫn ở 3/4 bang, đến lúc này, đã nhân đôi khoảng cách dẫn về đại biểu, từ hơn 150 lên 315 (1.132-817). Kết quả này đã khẳng định thêm nữa thế khó có thể đảo ngược hướng tới việc đề cử Biden làm ứng viên của Dân chủ (khi mà, gần hơn 53% số đại biểu đã được phân chia). Thắng lợi ở Florida là quan trọng và rất có ý nghĩa cho Biden, cả với Dân chủ và trong cuộc bầu cử Tổng thống sau này.
03.
Tranh luận tay đôi Biden-Sanders:
Kịch bản không mới, nhưng kỳ vọng đã thay đổi
Vì là cuộc tranh luận tay đôi đầu tiên giữa Biden và Sanders nên rất quan tâm bởi nhiều lẽ. Trước hết, đây là dịp đầu tiên tranh luận của Dân chủ, vốn từ gần ba chục ứng viên, đã giảm dần, đến nay chỉ còn lại hai, mà lại là đại diện cho hai cánh quan điểm rất khác nhau trong đảng Dân chủ. Hai bên cơ bản khác về các vấn đề, trừ việc có một điểm chung, đó là: phê phán và muốn đánh bại Trump.
Kế đó, kể từ cuộc tranh luận gần nhất, vào 25.2, chỉ trong 3 tuần, mọi thứ đã đảo lộn, Sanders vốn luôn dẫn đầu, giờ lại thất thế, còn Biden, từ chỗ lu mờ, đã lật ngược ngoạn mục và dẫn khá xa Sanders, đang ở thế chắc chắc hướng tới việc được đề cử. Các đánh giá đều cho rằng, cánh cửa của Sanders đã khép lại.
Vậy các bên trông đợi gì, khi mà cuộc cờ dường như đã an bài và nội dung quan điểm của mỗi bên về các vấn đề tranh luận đều đã rõ qua 10 cuộc tranh luận trước đây.
Với Sanders, đó là một cuộc "cách mạng" đã theo đuổi nhiều năm, chống lại nền chính trị dòng chính và về các lý tưởng cải cách, đã khích lệ và cuốn hút hàng triệu người Mỹ, nhất là thế hệ trẻ. Sanders tiếp tục phải thể hiện tính kiên định và tái khẳng định các tư tưởng cấp tiến, về y tế, giáo dục, phúc lợi, hay biến đổi khí hậu…, như giáo dục miễn phí hay Bảo hiểm y tế cho mọi người.
Còn với Biden, mục tiêu hàng đầu giờ đây, chính là cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới và làm sao đánh bại Trump. Cái quyết định chính vẫn là cử tri, ở các cấp độ khác nhau, trước hết là các nhóm cử tri Dân chủ, rồi đến cử tri liên bang trong cuộc đối đầu tương lai với Trump, và cũng phải tạo được cảm hứng, lợi ích, để họ không chỉ nói ủng hộ, mà còn phải thể hiện bằng lá phiếu, tức là sẽ đi bầu.
Do vậy, trong tranh luận, Biden đã đưa ra cả kế hoạch và giải pháp cho các vấn đề cấp thiết, như các gói hỗ trợ tài chính, phúc lợi trong phòng chống dịch Covid-19, là cái người ta cần ngay (vừa đối lại với Trump, vừa đối lại với cái dài hạn, khó hiện thực của Sanders, như bảo hiểm y tế cho mọi người). Mặt khác, Biden cũng có điều chỉnh, để tranh thủ thêm các nhóm cử tri Dân chủ cấp tiến, như dành sự ủng hộ nhất định với ý tưởng giảm học phí (của Sanders) hay hỗ trợ phá sản (của Warren). Đáng chú ý, dịp này cũng là lần tiên Biden khẳng định rõ hơn khả năng lựa chọn liên danh Phó Tổng thống là một phụ nữ, phần quan trọng trong cơ cấu cử tri liên bang, trong khi cùng câu hỏi, Sanders chỉ nêu nguyên tắc, có thể xem xét.
Dư luận đánh giá chung là Biden đã làm tốt hơn trong cuộc tranh luận này, nhưng Sanders cũng đã hoàn thành bằng việc kiên định các nguyên tắc, giữ chữ tín với những người ủng hộ mình.
04.
Covid-19:
Tác nhân khó lường trong mùa bầu cử
Đại dịch Covid-19 bỗng đảo lộn các mặt đời sống, kinh tế, xã hội nước Mỹ. Trường học, công xưởng, doanh nghiệp… đóng cửa, hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, tụ tập đông người bị hủy bỏ, nhiều khu vực, thành phố bị phong tỏa, thị trường chứng khoán tiền tệ chao đảo. Nếu nhìn lại, chỉ trong vòng 1 tuần, từ cuộc bầu cử "Mini" Siêu Thứ Ba, ngày 10.3, thì mọi thứ đã thay đổi hẳn khi dịch bệnh lan nhanh, buộc Tổng thống Trump phải công bố "Tình trạng khẩn cấp quốc gia" vào ngày 14.3.
Covid-19 bỗng chốc trở thành nghị sự cấp bách và hàng đầu của nước Mỹ, đã và chắc chắn sẽ tiếp tục tác động khó lường đối với chính trị và cuộc bầu cử của nước Mỹ năm nay.
Truoc hết, đó là nỗi bất an của người dân, không chỉ vì nỗi lo dịch bệnh lây lan (đến nay, đã có hơn 90.000 ca nhiễm, hơn 90 ca tử vong), mà còn về công ăn việc làm, tiền lương, bảo hiểm, phúc lợi… khi mà các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Tiếp đó, là năng lực ứng phó của chính phủ. Tổng thống Trump cũng đã bị phê phán là bạn đầu đã quá xem nhẹ, nên ứng phó không kịp thời và thiếu hiệu quả với dịch bệnh. Mặt khác, thị trường cũng rất nhạy cảm với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và khả năng ứng phó của chính phủ. Mấy ngày vừa qua đã chứng kiến sự chao đảo rất lớn của thị trường tài chính Mỹ, trong đó có ngày thứ Hai "đen tối", khi chỉ số Dow Jones giảm sâu tới 12,9%, mức độ nghiêm trọng được so sánh tương ứng với cú sốc của năm 1987.
Tình hình trên bỗng chốc đã và đang làm lung lay những điểm mạnh của Tổng thống Trump, trước hết là về các chỉ số tăng trưởng, sức mạnh của thị trường chứng khoán, và nhất là, chỉ số ủng hộ của cử tri. Các thăm dò dư luận trong mấy ngày gần đây cho thấy, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Trump có phần giảm sút (tuy vẫn đạt trên 40%, nhưng thấp hơn có lúc đã lên tới 49%).
Điều này đã buộc Tổng thống Trump phải điều chỉnh, trước hết bằng việc công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tiếp đó là các gói hỗ trợ tài chính, phúc lợi. Chính quyền Tổng thống đã buộc phải hợp tác với đảng Dân chủ, nhất là tại Hạ viện, để thông qua các gói hỗ trợ này về phòng chống dịch, bao gồm cả nghiên cứu tạo ra vắc xin và về trợ cấp nghỉ việc, chăm sóc y tế; hai bên đang thương lượng về gói thứ ba, liên quan đến ổn định, kích thích phát triển kinh tế.
Tổng thống Trump đang tìm cách sớm có được các gói hỗ trợ, cả cho trước mắt, ứng phó với dịch và khó khăn của người dân, vừa bao gồm cả gói hỗ trợ về phát triển kinh tế sắp tới, giá trị 850 tỉ USD.
Đây là thời điểm hết sức nhạy cảm về chính trị, lại càng phức tạp khi cao điểm của mùa bầu cử đang đến gần. Trong khủng hoảng, cả hai phía Cộng hòa và Dân chủ đều phải thể hiện trách nhiệm trước người dân, nhưng cũng luôn soi tìm những điểm yếu của mỗi bên. Trong bối cảnh đó, trách nhiệm xử lý trước hết thuộc về Tổng thống Trump vì đương nắm chính quyền.
Đây là lúc biến nguy thành cơ. Tổng thống nếu chủ động và giải quyết tốt, sẽ càng tạo thế và sự ủng hộ cho mình, thuận lợi hơn nữa kể cả trong cuộc bầu cử sắp tới. Nhưng đây cũng sẽ là kẽ hở để Dân chủ tìm cách tận dụng. Vì vậy, tuy vẫn giữ ưu thế trong việc tái cử năm nay, nhưng Tổng thống Trump cũng đang đứng trước những rủi ro lớn hơn, khi mà đại dịch Covid19 vẫn tiếp tục phức tạp. Đến nay, số ca mắc Covid19 ở Mỹ đã vượt ngưỡng 6.000 người nhiễm và ngưỡng 100 ca tử vong, riêng ngày Thứ Ba 17.3, chứng kiến sự gia tăng đột biến lên tới 1.500-1.900 số ca nhiễm mới. Và phía trước vẫn còn nhiều ẩn số, diễn biến khó lường.
Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.