Bầu cử Mỹ: Cuộc đua song mã giữa phe ôn hòa và phe cấp tiến

Huệ Bình |

Sau sự rút lui của hàng loạt ứng cử viên nặng ký, cuộc chạy đua vào vị trí ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ cuối cùng trở thành cuộc đối đầu giữa phe ôn hòa và phe cấp tiến: cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders.

Trước thềm các cuộc bầu cử sơ bộ tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 10-3 ở các bang Idaho, Michigan, Mississippi, Missouri, North Dakota và Washington, "hai vị trưởng lão" đã bắt đầu một chiến dịch mới hôm 7-3.

Giành được sự ủng hộ quan trọng từ các đối thủ trước đây gồm "ứng viên trẻ tuổi nhất" Pete Buttigieg, Amy Klobuchar và Michael Bloomberg, ông Biden cho rằng đang ở vị thế tốt nhất để đoàn kết đảng này. Không trực tiếp tấn công đối thủ, ông Sanders nhấn mạnh sự khác biệt về tầm nhìn về tương lai của bản thân với ông Biden trước đám đông người ủng hộ ở TP Chicago.

Thượng nghị sĩ Sanders đã nêu lên các chính sách đang đưa Đảng Dân chủ lệch sang cực tả như chăm sóc sức khỏe toàn dân (Medicare for All), Thỏa thuận Mới Xanh (Green New Deal), miễn học phí đại học công và lương tối thiểu 15 USD, đồng thời đưa các biện pháp đánh thuế giới nhà giàu.

Ông Sanders nhận được sự ủng hộ từ cử tri theo quan điểm tự do, trong đó có nhóm người Mỹ gốc Latin. Tuy nhiên, việc tự gọi mình là nhà xã hội chủ nghĩa, sự cứng nhắc trong tư tưởng phần nào hạn chế nhóm người ủng hộ ông. Ông Sanders đang hướng đến tăng tỉ lệ người ủng hộ bằng cách thu hút các cử tri trẻ, dân tộc thiểu số.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư bị ông Biden thu hút vì chiến thuật ôn hòa, trái ngược với các chính sách tiến bộ của ông Sanders. Ông Biden còn rất được lòng các cử tri là tầng lớp lao động da trắng, nhóm người giúp Tổng thống đương nhiệm Donald Trump giành chiến thắng vào năm 2016.

Theo hãng tin AP, các cố vấn hàng đầu kỳ vọng ông Sanders sẽ dồn sức ở Washington. Tuy nhiên, ông đã hủy một chuyến đi đến Mississippi để tập trung vào Michigan. Chiến dịch vận động được tổ chức giữa lúc Mỹ đang đối mặt với sự bùng phát của dịch Covid-19. Kết quả bầu cử sơ bộ cho thấy ông Biden đang tạm dẫn đầu với chiến thắng tại 9/14 bang.

Sau thất bại của bà Hillary Clinton năm 2016, có vẻ Đảng Dân chủ cho rằng cần tìm điều gì đó mới mẻ, một chiến lược tranh cử với những gương mặt mới, suy nghĩ mới thay vì những ứng viên giàu kinh nghiệm nhưng "già cỗi" để đem tới nước Mỹ sự thay đổi. Thế nhưng, chuyện đó đã không xảy ra.

Nếu một trong hai ông Biden hoặc Sanders giành thắng lợi trước Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tới, họ sẽ đánh bại kỷ lục do chính ông Trump thiết lập năm 2016 khi thắng cử ở tuổi 70, trở thành tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất trong lịch sử. Nếu Tổng thống Donald Trump tái cử, một lần nữa ông sẽ thiết lập một kỷ lục mới cho chính bản thân mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại