Papua New Guinea: Cạnh tranh đầu tư khốc liệt với TQ, Australia quyết "rút gươm ra khỏi bao"

Tất Đạt |

Từ quân sự, xây dựng tới điện lực, viễn thông, Australia đang cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc trong cuộc chiến đầu tư tại Papua New Guinea.

Sự hiện diện rõ nét

Bên cạnh tấm biển hiệu "Chào mừng tới Papua New Guinea" bên ngoài sảnh đến của Sân bay Quốc tế Jacksons ở thủ đô Port Moresby là tấm biển quảng cáo của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc.

Sự hiện diện rõ nét của đầu tư Trung Quốc tại quốc gia Thái Bình Dương - từng thuộc quyền quản lý và là nước láng giềng thân cận nhất của Australia - đã gióng lên "hồi chuông báo động" với Canberra giữa bối cảnh cuộc chiến giành ảnh hưởng với Bắc Kinh đang nóng dần lên trong thời gian gần đây.

"Những gì chúng ta có thể làm là đưa ra lựa chọn thay thế cho những quốc gia nhận được lời mời từ 'Vành đai, Con đường'. Chúng ta cần phải cho các nước biết rằng sáng kiến của Trung Quốc không phải là nguồn tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng duy nhất," Ngoại trưởng Australia Julie Bishop trả lời hồi tháng 6.

Ông gọi siêu kế hoạch trị giá 900 tỉ USD của Bắc Kinh là phương tiện giúp Trung Quốc đạt được những ảnh hưởng chiến lược nhất định.

Những quan ngại của Australia sẽ còn kéo dài, đặc biệt khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ lần đầu tiên thăm cấp nhà nước tới Papua New Guinea và gặp người đồng cấp Peter O'Neill vào ngày 15-16/11.

Được lên kế hoạch trước những ngày cuối tuần của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Port Moresby, cuộc gặp này được dự định sẽ là nơi để ông Tập hoàn thiện và mở rộng các thỏa thuận đầu tư của Trung Quốc tại Papua New Guinea.

Tại sự kiện APEC, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên sẽ đều có mặt. Cả Trung Quốc và Australia đều đã tăng cường hỗ trợ nước chủ nhà trong việc chuẩn bị cho kì thượng đỉnh sau khi thủ đô Port Moresby được lựa chọn làm nơi tổ chức APEC từ năm 2014.

CGTN giới thiệu về sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Với sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Australia đã nỗ lực để cân bằng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại đây.

Cụ thể, để phục vụ APEC, Australia đã gửi các khí tài quân sự tới Port Moresby, trong đó có máy bay trực thăng hải quân, hai tàu tuần tra biển và khoảng 1.500 binh sĩ thuộc quân đội Australia.

Đầu tháng này, Thủ tướng Australia Scott Morrion đã gặp ông O'Neill tại Sydney để hoàn thiện thỏa thuận xây dựng căn cứ hải quân chung tại đảo Manus của Papua New Guinea, qua đó phản ánh tầm nhìn an ninh chiến lược dài hạn của Canberra tại đây.

Trong khi đó, năm ngoái, Trung Quốc đã cung cấp 62 xe quân sự trị giá 5 triệu USD và các quan chức Papua New Guinea cho biết những phương tiện này sẽ được sử dụng cho mục đích đảm bảo an ninh tại APEC.

Các khoản đầu tư dài hạn vào Papua New Guinea từ hai phía đang có chiều hướng gia tăng giữa bối cảnh Australia và Trung Quốc đều đang vun đắp mối quan hệ thân cận hơn với quốc gia này qua các hội nghị trong khu vực.

Chiến trường đầu tư

Trong năm 2017, khoản đầu tư của Trung Quốc tại Papua New Guinea - chủ yếu là các dự án cơ sở hạ tầng như đường xá và cảng - lên tới 2,46 tỉ USD, tăng rất nhiều so với con số 860 triệu USD của năm 2016, theo số liệu được ghi nhận từ cơ quan theo dõi Đầu tư Toàn cầu của Trung Quốc.

Zhang Baohui - giáo sư khoa học chính trị và giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam (Hồng Kông) - nhận xét mặc dù Papua New Guinea không phải là một mấu chốt quan trọng trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc, thì nước này vẫn có thể đóng vai trò là "thước đo" cho sáng kiến "Vành đai, Con đường".

"Trung Quốc muốn xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây để mở rộng chiến lược 'Vành đai, Con đường'. Một số quan chức Australia lo ngại rằng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Papua New Guinea đang trở nên quá lớn," ông Zhang nói.

Papua New Guinea: Cạnh tranh đầu tư khốc liệt với TQ, Australia quyết rút gươm ra khỏi bao - Ảnh 2.

Nơi các nhà lãnh đạo họp mặt cho kì APEC 2018. Ảnh: EPA-EFE

Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cho biết, để cạnh tranh với Bắc Kinh, Australia - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Papua New Guinea - đã cam kết sẽ tăng số vốn hỗ trợ lên tới 412 triệu USD cho các khoản viện trợ không hoàn lại (ODA) trong giai đoạn từ năm 2018-2019.

Trước đây, Canberra đã cung cấp nguồn ODA trị giá 393 triệu USD cho Papua New Guinea trong giai đoạn 2017-2018.

Australia quan ngại rằng Papua New Guinea có thể sẽ không thể thanh toán hết các khoản nợ Trung Quốc, và hệ quả là ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ càng trở nên lớn mạnh hơn ngay tại quốc gia "sát sườn" với Australia.

Nguồn hỗ trợ của Canberra còn bao gồm việc tu sửa và tái xây dựng 1,981km đường bộ trải dài 10 tỉnh của Papua New Guinea và vùng tự trị Bougainville.

"Chúng ta sẽ sớm thấy chiến lược dài hạn của Australia nhằm cạnh tranh với Trung Quốc tại Papua New Guinea," ông Zhang nói.

Graeme Smith, một chuyên gia về chính trị khu vực Thái Bình Dương ở Đại học Quốc gia Australia, cho biết Canberra có những mối quan ngại ngoài vấn đề an ninh.

"Chính phủ Australia không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ triển khai các cơ sở quân sự tại Papua New Guinea. Về vấn đề chính trị, có thể thấy rõ ràng rằng một số công ty Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới chính quyền Port Moresby, đặc biệt những tập đoàn như Huawei trong lĩnh vực viễn thông và nhiều nhà thầu Trung Quốc khác trong lĩnh vực xây dựng."

"Trận địa ác liệt nhất"

Điện năng - loại sản phẩm Papua New Guinea cần hỗ trợ nước ngoài nhất - đã trở thành "trận địa ác liệt nhất" giữa Trung Quốc và Australia.

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, trong năm 2016, chỉ 22,9% cư dân Papua New Guinea có điện. Con số này tương đương với hàng triệu người không có điện sử dụng.

Trung Quốc và Australia đều biết và có chiến lược giải quyết vấn đề năng lượng tại đây. Trung Quốc đã đầu tư hai nhà máy thủy điện ở Papua New Guinea trong dự án Edevu và Ramu 2.

Papua New Guinea: Cạnh tranh đầu tư khốc liệt với TQ, Australia quyết rút gươm ra khỏi bao - Ảnh 3.

Ông Tập Cận Bình bắt tay ông Peter O'Neill. Ảnh: Xinhua

Edevu là dự án trị giá 190 triệu USD tại vùng núi ở tỉnh trung tâm, hướng tới mục tiêu cung cấp 50 megawatt (MW) - đủ cho khoảng 37,500 hộ gia đình - tại Port Moresby trong năm 2020. Công ty triển khai dự án của Papua New Guinea đã nhận khoản vay từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu của chính phủ Trung Quốc.

Tại vùng cao nguyên miền đông, dự án Ramu 2 với trị giá 2 tỉ USD - được dự định sẽ được thông qua tại APEC - sẽ cung cấp 180 MW cho các hộ dân khi được hoàn thiện vào năm 2024.

Trong khi đó Australia đã sớm có những khoản đầu tư nhất định để giải quyết vấn đề điện năng tại Papua New Guinea. Tới cuối năm nay, dự án do Canberra hỗ trợ đã cam kết sẽ cung cấp nguồn điện từ năng lượng mặt trời và các sản phẩm điện quang cho hơn 1,2 triệu người.

Trả lời SCMP, những người dân phương cho biết họ chào đón nguồn đầu tư từ cả hai phía.

"Tôi không quan trọng nguồn tiền tới từ đâu - miễn là nó giúp chúng tôi phát triển," Dickson Dick, một cư dân sống tại Port Moresby hơn 15 năm cho biết.

"Tôi không thực sự quan tâm tới đầu tư Trung Quốc. Đúng là sẽ có một vài ảnh hưởng chính trị, nhưng hệ thống chính quyền của chúng tôi vẫn sẽ vững vàng. Nguồn tiền của Trung Quốc không thể thay đổi được điều đó."

Cạnh tranh viễn thông

Trung Quốc và Australia đã tăng cường cạnh tranh dịch vụ viễn thông tại Papua New Guinea.

Tháng 8 vừa qua, Canberra đã hủy bỏ kế hoạch của những "nhà khổng lồ" Trung Quốc là Huawei và ZTE trong việc cung cấp công nghệ 5G tại Australia vì "lo ngại an ninh".

Sau đó, vào tháng 9, Canberra cho biết sẽ lắp đặt đường dây cáp 4.000km nối liền Papua New Guinea, quần đảo Solomon và Australia - một kế hoạch thay thế cho thỏa thuận với Huawei trong năm 2016. Mỹ và Nhật Bản cho biết sẽ tham gia xây dựng mạng lưới này cùng Australia.

Trong khi đó, công ty Trung Quốc đã cam kết sẽ xây hệ thống mạng dài 5.457km để cung cấp dịch vụ cho 55% dân số và đáp ứng hơn 70% nhu cầu viễn thông của Papua New Guinea. Dự án này cũng được thanh toán bằng khoản vay tại Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có nhận thấy những động thái rõ rệt của Australia nhằm cân bằng lại ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Thái Bình Dương hay không, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định những khoản đầu tư và hỗ trợ của Trung Quốc "không có liên quan tới mục đích chính trị".

Chính quyền tại quần đảo Solomon đã kí hợp đồng với Huawei trong năm 2017, nhưng sau đó đã rút lui để tham gia kế hoạch của Australia.

Cuộc đua Trung Quốc - Australia tại Papua New Guinea có thể sẽ lan sang các lĩnh vực khác, ví dụ như khai thác biển.

"Trong cuộc đua dài hạn, lĩnh vực khai thác biển sẽ là một chiến trường mới. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã tỏ ra rất hứng thú với triển vọng khai thác biển từ rất lâu," ông Smith nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại