Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ có 1.306 ôtô nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu từ Thái Lan trong tháng 11/2017, đạt giá trị kim ngạch hơn 25 triệu USD.
Như vậy, so với tháng liền kề trước đó, kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ quốc gia Đông Nam Á này đã giảm gần một nửa xét cả về lượng lẫn giá trị.
Cú tụt dốc không phanh của kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ Thái Lan sẽ là một bất ngờ lớn khi ngành ôtô không có diễn biến gì bất thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà thuế suất thuế nhập khẩu ôtô CBU từ các nước Đông Nam Á sẽ giảm về 0% kể từ ngày 1/1/2018 thì lại là hiện tượng dễ giải thích.
Theo nội dung Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), chỉ còn ít ngày nữa thuế suất thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng, trong đó có ôtô CBU, nhập khẩu từ các nước nội khối sẽ giảm về 0%. So với thuế suất 30% hiện hành, tỷ lệ giảm này là đáng kể và qua đó sẽ tác động trực tiếp làm giảm giá bán lẻ của các loại xe đạt điều kiện ưu đãi thuế.
Bởi vậy, không có lý do gì mà cả các doanh nghiệp ôtô lẫn người tiêu dùng không cố chờ đợi thêm một thời gian ngắn nữa để có thể mua xe với mặt bằng giá hấp dẫn hơn.
Cũng từ lý do này mà nhiều khả năng kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ Thái Lan trong tháng cuối cùng của năm 2017 cũng sẽ tiếp tục ở mức thấp, thậm chí giảm so với tháng 11. Hiện tượng này có thể hình dung như một thực thể đang nén mình lại để chờ bùng nổ.
Bước sang năm 2018, khi thuế nhập khẩu giảm về 0%, viễn cảnh bùng nổ của kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ Thái Lan và cả Indonesia là rất rõ ràng.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, cộng dồn 11 tháng năm 2017, tổng lượng ôtô CBU nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia đã đạt 46.870 chiếc, vượt rất xa so với con số 31.148 chiếc được nhập khẩu từ toàn bộ 10 nước và vùng lãnh thổ còn lại mà Việt Nam đang nhập khẩu xe CBU.
Trong khi đó, tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ 2 quốc gia Đông Nam Á này cũng đã đạt 848 triệu USD, gần như ngang bằng với tổng giá trị kim ngạch đạt được từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại.