Ông Zelensky nhận được gì sau khi rời Mỹ?

Kiên Bùi |

Tìm hiểu những gì ông Zelensky đã đạt được sau khi kết thúc chuyến thăm Mỹ và những ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tiếp ông Zelensky hôm 26 tháng 9.

Tổng thống Ukraine đã đưa ra lời kêu gọi cuối cùng trước bầu cử đến Tổng thống Biden, Phó Tổng thống Harris và các nhà lập pháp tại Đồi Capitol trong chuyến đi tới Washington để bàn "kế hoạch chiến thắng" của ông.

Bản kế hoạch nhằm được bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng hệ thống tấn công tầm xa của NATO để tấn công Nga, buộc Nga phải đệ đơn xin hòa bình và nộp đơn xin gia nhập NATO trong vòng vài tháng, thay vì nhiều năm.

Các phương tiện truyền thông truyền thống của Mỹ và châu Âu tỏ ra khá thờ ơ khi đưa tin về chuyến thăm của ông Zelensky, người cho đến gần đây vẫn được đối xử nồng nhiệt như một ngôi sao ở các thủ đô phương Tây.

"Sức hút của ông Zelensky trên Đồi Capitol đang phai nhạt, đối lập với sự tiếp đón nồng nhiệt dành cho ông này tại Washington hai năm trước. Chuyến thăm lần này diễn ra trong yên lặng, khi chỉ có số ít nhà lập pháp gặp ông sau cánh cửa đóng kín trong khi chủ tịch Hạ viện phớt lờ ông", tờ New York Times viết.

"Tổng thống Zelensky đã đưa ra 'kế hoạch chiến thắng' của mình một cách khó khăn tại Mỹ và liệu kế hoạch đó có thất bại như những gì ông ấy đã làm trước đó không?", BBC đã đặt câu hỏi trong bài phân tích sau chuyến đi của ông Zelensky.

Hãng thông tấn này chỉ ra những gì mà Tổng thống Zelensky mắc phải trong chuyến thăm, từ những lời chỉ trích của ông đối với ông Trump và những người bạn đồng hành tranh cử của ông trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ, cho đến chuyến đi đến một nhà máy sản xuất đạn dược ở Pennsylvania mà đảng Cộng hòa lên án là hành động can thiệp trắng trợn vào cuộc bầu cử.

Tổng thống Biden đã tìm cách thổi luồng sinh khí mới vào chuyến thăm bằng cách công bố khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá 8 tỷ đô la cho Ukraine, bao gồm bom lượn Joint Standoff Weapon, máy bay không người lái và hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Patriot.

Nhưng mục tiêu chính được công khai của chuyến đi: phê duyệt các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga đã không hề có trong bản tóm tắt các cuộc đàm phán của Zelensky với các quan chức Mỹ trong bối cảnh Moscow cảnh báo rằng một bước đi như vậy sẽ đưa NATO và Nga vào tình trạng chiến tranh.

"Tôi nghĩ Tổng thống Zelensky có mục tiêu 'ảo tưởng' là cố gắng khiến Mỹ cam kết hỗ trợ về mặt quân sự, tài chính để nhận được những tên lửa tầm xa. Tôi không nghĩ ông ấy đã làm tốt mọi chuyện", cựu chuyên gia phân tích chính sách an ninh cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ, Michael Maloof nói với Sputnik khi bình luận về chuyến đi.

Chuyên gia Maloof cho rằng "chủ nhà của Zelensky đã lịch sự và lắng nghe ông ấy, nhưng có quá nhiều thứ đáng lo ngại vào thời điểm này", đồng thời nhấn mạnh rằng việc chấp thuận yêu cầu của Kiev sẽ đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào cuộc xung đột, điều mà Bộ Quốc phòng dường như đang cảnh giác.

Một phần lớn vấn đề đối với ông Zelensky là Mỹ hiện đang quá sa đà vào chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 "đến nỗi mọi người đều bị phân tâm", với việc Nhà Trắng có thể tìm cách tránh đưa ra "bất kỳ quyết định nào có tác động lâu dài" hoặc chứng tỏ không được lòng cử tri khi sự ủng hộ gói viện trợ bổ sung cho Ukraine giảm dần, theo Maloof.

"Rõ ràng, ông Trump có một ý tưởng và cách tiếp cận hoàn toàn khác so với bà Harris và Tổng thống Biden đối với việc ủng hộ Ukraine. Và tôi nghĩ rằng nếu ông ấy thắng, điều đó sẽ có tác động đáng kể đến… bất kỳ quyết định nào trong tương lai về những vũ khí mà Ukraine có", học giả Maloof nói.

"Ông Trump đã đồng ý gặp Tổng thống Zelensky, nhưng ông ấy đã nói rõ rằng ông ấy sẽ nói chuyện này với Tổng thống Nga Putin vì ông Trump có mối quan hệ tốt ở đó", chuyên gia Mỹ cho biết thêm.

Cũng theo cựu nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ, một kế hoạch hòa bình do ông Trump đề xuất hiện vẫn còn khá mơ hồ.

"Tôi nghĩ ông ấy không rõ mục tiêu của mình là gì để đạt được nền hòa bình mà ông ấy vẫn nói đến. Nó sẽ không được giải quyết 'trong 24 giờ'. Và nó sẽ phức tạp hơn nhiều so với những gì ông ấy hình dung tại thời điểm này", Maloof nói.

Theo Maloof, không ai, kể cả chính ông Trump, thực sự biết ông ấy sẽ áp dụng cách tiếp cận nào đối với Ukraine nếu ông được bầu.

Đồng thời chuyên gia Maloof cũng cảnh báo rằng Nga có thể quyết định tiếp tục cuộc xung đột vô thời hạn nếu bị ép phải đưa ra những nhượng bộ mà họ thấy không thể chấp nhận được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại