Ông Võ Quang Huệ từng có nhiều năm nắm giữ vị trí tổng giám đốc Bosch Việt Nam và có hơn 24 năm kinh nghiệm làm việc cho tập đoàn BMW. Ông đã chia sẻ những thông tin liên quan đến dự án sản xuất ô tô, xe máy của Vinfast tại sự kiện của Forbes ngày 26/7.
Vinfast: Phong cách, an toàn, sáng tạo, tiên phong
Ông Huệ mở đầu phần chia sẻ của mình trong phần hội thảo tại sự kiện bằng ký ức về Hà Nội khi ông còn làm cho BMW.
"Ngày còn làm ở BMW, tôi đến Hà Nội. Con đường Thanh Niên không có một ngọn đèn soi sáng. Nhưng nay đã khác. Nếu ai tham dự sự kiện về cách mạng 4.0 tại Hà Nội vừa qua mới thấy Việt Nam đang ấp ủ mong muốn thay đổi như thế nào", ông Huệ nói.
Ông bày tỏ rằng, ông mong nhiều người Việt và bạn bè tại Việt Nam cùng thực hiện giấc mơ 4.0, xây dựng khoa học kỹ thuật, nền kinh tế phát triển vượt bậc.
Nói về VinFast , ông giải thích rằng chữ Vin thì đã rõ vì xuất phát từ tập đoàn VinGroup. Còn chữ Fast bắt nguồn từ chữ cái đầu của 4 từ:
F: Phong cách
A: An toàn
S: Sáng tạo
T: Tiên phong
"Tôi cảm nhận được tinh thần quyết liệt, đầu tư mạnh mẽ của ông Vượng"
Ông Huệ kể, khi ông được Chủ tịch VinGroup Phạm Nhật Vượng mời họp, ông quyết định rời Bosch để gia nhập VinGroup. Lúc đó, ông Huệ cảm nhận được tinh thần quyết liệt, đầu tư mạnh mẽ để góp phần phát triển kinh tế của ông Vượng, kéo theo nhiều ngành khác cùng phát triển.
"Đó là tinh thần cách mạng 4.0. Đó là việc phải xây dựng thông qua sản xuất mới, nhà cung cấp hàng đầu của cái nôi công nghệ 4.0. Mô hình của chúng tôi là đi thẳng 4.0, bằng công nghệ tiên tiến, tạo ra giá trị và đầu tư vượt bậc", ông Huệ nhấn mạnh khi nói về VinFast.
Người phụ trách VinFast cho rằng VinGroup không những quy tụ những người giỏi trong ngành mà còn lập trung tâm nghiên cứu. Và đây sẽ là nơi để kết nối công nghệ của Đức, là nơi Đức chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, VinFast sẽ mở trường dạy nghề tại Thủ Đức và sắp khánh thành.
Sẽ đạt hơn 50% nội địa hóa trong tương lai
Ông Huệ đặt ra câu hỏi vì sao công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển? Theo ông, công nghiệp phụ trợ phát triển khi sản xuất lớn. Sản xuất nhỏ, công nghiệp phụ trợ không thể phát triển vì không thể tạo ra giá trị cạnh tranh.
"VinFast sẽ đầu tư lớn, sản xuất lớn và tạo ra sản lượng lớn. Về lâu dài sẽ đạt khoảng 50% nội địa hóa", ông Huệ khẳng định.
Nói cụ thể hơn, ông Huệ cho biết, VinFast đã chuẩn bị 8 đề án cho công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, VinFast cũng kết nối thêm các hoạt động khác. Không những phát triển công nghiệp phụ trợ, VinFast còn phát triển theo 3 hình thức: tự đầu tư nhà máy, liên doanh và mở xưởng rồi cho các công ty khác thuê mặt bằng làm nơi sản xuất sản phẩm phụ trợ cho VinFast
Ông tin rằng đây cũng là cơ hội để cho những nhà sản xuất công nghiệp phụ trợ sẽ xuất khẩu sản phẩm sang Đông Nam Á.
"Anh Vượng chịu chơi, chịu đầu tư, tôi không chơi thì uổng"
Ông Huệ đưa ra câu hỏi cho khán phòng: "Bạn biết trong ô tô, đâu là bộ phận khó sản xuất nhất?", "Đó chính là động cơ. Tôi học động cơ tại đại học nổi tiếng bậc nhất ở Đức về động cơ. Tôi mê ngành này lắm", lãnh đạo dự án nói.
"Bác Vượng 'chịu chơi', chịu đầu tư, tôi không chơi cũng uổng. Phải nói là sẽ chơi đến cùng. Khi tôi tới thương thảo hợp đồng với BMW, người ta chả biết VinGroup là gì, chỉ biết có ông Võ, làm cho BMW 24 năm và làm tổng giám đốc Việt Nam của Bosch.
5 tháng sau, VinFast đã tạo ra một dấu ấn. Đó là trở thành công ty duy nhất toàn cầu được BMW cho sản xuất tại Việt Nam", ông Huệ nói.
Ông Huệ bày tỏ rằng, ông rất tin vào dự án và "chưa bao giờ thấy mình trẻ như vậy" khi gia nhập VinGroup.