Trả cả phí lẫn “hoa hồng”
Chia sẻ gánh nặng quân sự từ lâu đã trở thành trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Donald Trump . Thất vọng vì sự dè dặt trong chi tiêu quốc phòng của các đồng minh, chính quyền Tổng thống Trump đang lên kế hoạch yêu cầu tất cả các nước đồng minh có lực lượng quân sự Mỹ đồn trú, trong đó có Đức và Nhật Bản phải thanh toán cho Washington toàn bộ chi phí triển khai quân, cộng thêm khoản tiền hoa hồng 50% hoặc nhiều hơn để bồi dưỡng cho việc được Mỹ bảo vệ về mặt quân sự.
Trong một số trường hợp các nước có lực lượng Mỹ đồn trú bị yêu cầu trả phí cao gấp 5 hoặc 6 lần so với thời điểm hiện tại theo công thức “Cost Plus 50” (tạm dịch là “chi phí cộng 50%”).
Tổng thống Trump đã theo đuổi ý tưởng này trong nhiều năm qua. Sự cứng rắn của ông đã làm “đổ vỡ” hầu như tất cả các cuộc đàm phán của Mỹ với Hàn Quốc về trạng thái của 28.000 binh sỹ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc, khi ông nhắc nhở các nhà đàm phán của Mỹ, bao gồm cả Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton phải đòi mức “chi phí cộng 50%”.
Đội ngũ của ông Trump cũng coi động thái này là phương thức để thúc ép các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gia tăng chi phí quốc phòng – vấn đề khiến ông Trump thường xuyên chỉ trích các đồng minh kể từ khi lên nắm quyền.
Mặc dù nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, việc gây sức ép của ông đã khiến các nước đồng minh gia tăng hàng tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, song ông vẫn chưa hài lòng khi thấy các khoản tăng đó diễn ra một cách chậm chạp. Phát biểu tại Bộ Quốc phòng ngày 17/1, Tổng thống Trump nói: “Các nước giàu có mà chúng ta đang bảo vệ, tất cả phải hiểu rằng chúng ta không phải là những người khờ khạo để họ lợi dụng”.
Đòi hỏi gây “sốc”
Các quan chức Mỹ cho biết, đề xuất nêu trên là một trong những vấn đề đang được xem xét trong bối cảnh Mỹ tăng cường gây sức ép buộc các đồng minh phải chi trả nhiều hơn cho quốc phòng, tuy nhiên mức độ cứng rắn có thể giảm xuống.
Dù mới chỉ ở giai đoạn đầu nhưng ý tưởng này đã tạo ra làn sóng lo ngại tại các cơ quan của Bộ Quốc phòng và Bộ ngoại giao Mỹ. Nhiều người cho rằng nó sẽ dẫn đến sự phản đối rộng rãi của các đồng minh của Mỹ tại Châu Á và Châu Âu vốn hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với họ.
Ông Victor Cha, cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington cho biết, chính quyền đã gửi đi thông điệp một cách có chủ ý bằng cách yêu cầu Hàn Quốc thanh toán “chi phí cộng 50%” trước.
“Mỹ có sự hợp tác quân sự với Hàn Quốc mạnh mẽ hơn bất cứ các đồng minh nào khác. Bằng cách yêu cầu Hàn Quốc thực hiện công thức “chi phí cộng 50%” đầu tiên, Mỹ muốn thể hiện rõ quan điểm rằng bất cứ quốc gia nào muốn có được sự hỗ trợ về quân sự thì họ cũng phải thực hiện nghĩa vụ tương xứng.
Một mối lo ngại khác là ý tưởng của Mỹ sẽ làm nóng các cuộc tranh luận đang diễn ra tại một số quốc gia về việc liệu có cho phép quân đội Mỹ đồn trú trên lãnh thổ của họ hay không. Trong khi một số nước như Ba Lan công khai ủng hộ thì những nước khác như Đức và Nhật Bản lại có các cộng đồng dân cư từ lâu phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ. Những người phản đối sẽ bày tỏ ý kiến mạnh mẽ hơn nếu Mỹ đưa ra những đòi hỏi mà họ coi là “tối hậu thư”.
Ông MacKenzie Eaglen, chuyên gia nghiên cứu chính sách quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết: “Giống như việc lật tảng đá ra và chứng kiến những gì đang diễn ra bên dưới, chúng ta sẽ chứng kiến một loạt các cuộc tranh luận chính trị nội bộ liên quan đến các căn cứ quân sự của Mỹ tại nước ngoài, một khi vấn đề này được khơi lại”.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã theo đuổi ý tưởng rằng các nước có quân đội Mỹ đồn trú nên chi trả toàn bộ chi phí, cộng với cả “tiền hoa hồng” cho việc được đảm bảo an ninh. Đại sứ Mỹ tại Liên minh Châu Âu Gordon Sondland nhấn mạnh, yêu cầu chi trả thêm là để các nước khác có trách nhiệm hơn.
“Một số quốc gia hoàn toàn đủ khả năng chi trả nhưng họ lại không làm điều đó vì nghĩ rằng chúng tôi sẽ vào cuộc và làm thay họ. Tổng thống Trump rất bất bình với điều này”. Ông Gordon Sondland cũng từ chối tiết lộ cách tiếp cận của phương pháp “Chi phí cộng 50%” cũng như những quốc gia nào sẽ nằm trong danh sách.
Công cụ thúc đẩy lợi ích của Mỹ
Một số quan chức chính quyền cho biết, đề xuất của chính quyền Tổng thống Trump đã được hoàn thiện hơn những gì dư luận được biết. Cùng với việc tìm cách gia tăng tài chính, chính quyền Tổng thống Trump muốn sử dụng cách này để thúc đẩy các nước khác thực hiện theo yêu cầu của Mỹ.
Bằng chứng là các quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã được yêu cầu xem xét hai công thức: Một là sẽ tính xem các đồng minh, chẳng hạn như Đức sẽ phải trả thêm bao nhiêu tiền cho việc đặt các căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ của họ, thứ 2 sẽ là xác định có thể giảm giá bao nhiêu nếu các đồng minh lựa chọn các chính sách phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Trong khuôn khổ kế hoạch này, Mỹ cũng đang xem xét liệu rằng có hay không yêu cầu các quốc gia khác chi trả cho những chi phí mà trước kia họ không phải chịu, chẳng hạn như lương của binh sỹ hay các chuyến thăm cảng của tàu ngầm hoặc tàu sân bay.
Khi được hỏi về kế hoạch này, ông Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện nói rằng: “Đây là một rào cản khác”. Theo ông, các đối tác tại EU và NATO đã bày tỏ quan ngại về độ tin cậy của Mỹ trong một cuộc họp gần đây tại Brussels (Bỉ). “Thái độ của họ giống như thể là – Mỹ vẫn muốn làm đồng minh của chúng tôi chứ? Họ rất bối rối”.
David Ochmanek, nhà nghiên cứu ở Rand Corp cho biết, Đức hiện chi trả 28% chi phí cho lính Mỹ đóng ở đây, tương đương 1 tỷ USD/năm và khoản chi trả này sẽ tăng vọt theo công thức “Chi phí cộng 50%”. Nhật Bản và Hàn Quốc có thể là những nước tiếp theo cõng mức phí như vậy.
Các quan chức tạo Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận thông tin này. Người phát ngôn của Đại sứ quán Đức cũng cho biết, không có cuộc thảo luận nào đang được tiến hành liên quan đến việc Mỹ yêu cầu đồng minh tăng chi phí cho việc đồn trú quân đội.
Người phát ngôn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc Garrett Marquis cho biết: “Hối thúc các đồng minh tăng cường đầu tư vào phòng thủ tập thể và đảm bảo chia sẻ gánh nặng một cách công bằng hơn luôn là mục tiêu lâu dài của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump luôn cam kết mang về những thỏa thuận tốt nhất cho người dân Mỹ nhưng không bình luận về việc bàn bạc các ý tưởng cụ thể”.
Mỹ hay đồng minh được lợi?
Tranh cãi liên quan đến việc chia sẻ gánh nặng quân sự đối với các lực lượng Mỹ đang đồn trú tại nước ngoài đã kéo dài nhiều thập kỷ qua, đôi khi dẫn đến rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh. Washington và Tokyo từ lâu đã bất đồng về sự đồn trú của các lực lượng Mỹ trên đảo Okinawa.
Khi các cuộc thảo luận về đề xuất “chi phí cộng 50%” ngày càng trở nên nóng hơn, thì lập luận của cựu Cố vấn Nhà Trắng Stephen Bannon khẳng định “Mỹ muốn làm đồng minh chứ không phải là người bảo vệ” cũng ngày càng được nhắc đến nhiều hơn.
Những người chỉ trích cho rằng yêu cầu nêu trên đã gây hiểu nhầm về những lợi ích mà việc triển khai quân đội tại nước ngoài mang về cho Mỹ. Douglas Lute, cựu đại sứ Mỹ tại NATO nhấn mạnh: “Câu hỏi này thổi bùng lên những lập luận sai lệch rằng những căn cứ nêu trên đang phục vụ cho lợi ích các quốc gia sở tại. Nhưng sự thật là chúng ta giữ các căn cứ đó để phục vụ cho lợi ích của chúng ta”.
Chẳng hạn tại Đức, Mỹ có một số căn cứ quan trọng là Trung tâm y tế khu vực Landstuhl và Căn cứ không quân Ramstein. Trung tâm tại Landstuhl cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp cho các binh sỹ Mỹ bị thương tại Iraq và tại các khu vực bất ổn khác. Đức cũng là nơi đặt trụ sở chính của Bộ Tư lệnh Mỹ đặc trách khu vực Châu Phi.
Việc đánh giá chi phí mà Đức sẽ phải trả cho những căn cứ, vốn phục vụ cho nhiều lợi ích khác nhau của các bên, sẽ rất phức tạp.
Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí trên nguyên tắc Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) mới về chia sẻ chi phí quân sự Mỹ - Hàn trong việc duy trì Các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK), song thỏa thuận mới này có nguy cơ bị đổ vỡ bởi đòi hỏi “chi phí cộng 50%” của Tổng thống Trump. Theo thỏa thuận mới, Hàn Quốc đồng ý gia tăng mức đóng góp nhiều hơn. Nhưng thỏa thuận này chỉ kéo dài một năm.
Dự kiến sau đó sẽ có một cuộc tranh luận mới. Ông Jim Townsend, từng làm phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề châu Âu và NATO dưới thời chính quyền Barack Obama nói rằng: “Có rất nhiều quốc gia sẽ nói rằng họ (tức nước Mỹ) đang hành động một cách sai lầm. Tại sao họ lại nghĩ rằng chúng tôi sẽ phải chi trả cho điều đó?”.
Mỹ có sự hiện diện quân đội tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất là những nơi đồn trú nhiều binh sỹ Mỹ nhất. Tờ New York Times dẫn lời ông Derek Chollet, cựu cố vấn của Lầu Năm Góc và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ lưu ý:
“Trên thực tế, các căn cứ của Mỹ tại nước ngoài là một phần thiết yếu để bảo vệ các lợi ích của Mỹ tại Châu Âu, Châu Á, Châu Phi hoặc Trung Đông. Hơn nữa, những quốc gia có quân đội Mỹ đồn trú đều muốn trở thành đối tác của chúng tôi và thông điệp mà Tổng thống Trump gửi đi là “Chúng tôi (tức Mỹ) không quan tâm đến điều đó. Đây thực sự là thất sách”./.