Theo giới quan sát, trong bối cảnh cơn giận dữ của người Palestine bùng lên và xu hướng hành động cứng rắn của lãnh đạo Israel đối với người Palestine, mọi thứ có thể trở nên xấu xí hơn. Cựu bình luận viên người Israel Orly Azula viết trên nhật báo Yediot hàng đầu của Israel về bước đi của ông Trump: “Đây không phải món quà thể hiện tình cảm với Israel...
Đây là một thùng thuốc súng đặt trước cửa nhà chúng tôi... Chúng tôi là những người sẽ phải trả giá”. Ngay cả khi tình hình chưa mất kiểm soát ngay lập tức, quyết định của ông Trump sẽ làm gia tăng căng thẳng và gieo mầm cho bất ổn trong tương lai.
Sau tuyên bố của ông Trump, lãnh đạo tổ chức Hồi giáo Hamas kêu gọi thực hiện một chiến dịch nổi dậy mới chống lại Israel. “Chúng tôi sẽ kêu gọi và chuẩn bị triển khai một cuộc nổi dậy mới chống lại kẻ thù Do Thái”, Reuters dẫn lời lãnh đạo Hamaz Ismail Haniyeh nói trong bài diễn thuyết ở Gaza hôm 7/12.
Không rõ bước đi của ông Trump có phải được thúc đẩy bởi chính phủ cánh hữu Israel hay không. Theo giới phân tích, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đương nhiên sẽ không phản đối điều mà Tổng thống Mỹ đang nói hay làm, mà sẽ hoan nghênh và tuyên bố đó là một chiến thắng.
Lời nói của ông Trump cũng sẽ giúp ông Netanyahu vớt vát uy tín trong nước, vào thời điểm ông đang đối mặt một số cuộc điều tra về tham nhũng cũng những chỉ trích cách thức điều hành quá mạnh tay và có vấn đề về luật pháp. Nhưng bước đi của ông Trump không phải không gây ra rủi ro và sự ăn mừng của phía Israel về Jerusalem có thể chỉ là sự trống rỗng.
Giới phân tích cho rằng, ông Trump không đẩy đồng minh Israel đến mức nguy hiểm, nhưng cách thức hành động của Tổng thống Mỹ được cho là có thể gây nguy hiểm cho đồng minh nhiều hơn cho kẻ thù. Việc ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel có thể là sản phẩm của phe diều hâu hay thậm chí những người thân Israel cực đoan trong đội ngũ thân tín của ông.
Bước đi đó có thể được thiết kế để kiểm tra mức độ ổn định của khu vực trong bối cảnh Nhà Trắng đang làm sâu sắc quan hệ với một số quốc gia Ả-rập, đặc biệt là Ả-rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất. Nó còn có thể được hiểu là cách tạo đòn bẩy khi kế hoạch hòa bình của Mỹ được đưa ra. Nhưng nếu đúng như vậy, nhiều nhà bình luận cho rằng, đó là sự hiểu lệch lạc về vấn đề, vì duy trì lòng tin và quan hệ là những yếu tố quan trọng trong bất kỳ nỗ lực hòa giải và kiến tạo hòa bình nào.
Chiến lược chính trị tổng thể của ông Trump được đánh giá là đều nhằm để gắn đảng Cộng hòa và Quốc hội với nhau bằng cách củng cố sự ủng hộ ngay trong cơ sở chính trị nội bộ của ông. Câu hỏi mà nhiều chuyên gia đang nghĩ đến là bằng cách nào mà tính toán này thắng cả tranh luận về lợi ích an ninh quốc gia truyền thống của Mỹ, trong khi sự kiềm chế trước các hoạt động chiếm đóng của người Israel cần được quản lý, thay vì trầm trọng hơn. Chính sách của Mỹ hiện nay về vấn đề Israel/Palestine đang bị coi là món quà cho cực đoan hóa, và sẽ tạo thêm lý lẽ cho hoạt động tuyển mộ cực đoan kể từ khi trùm khủng bố Bin Laden bị tiêu diệt.
Trao “vũ khí” cho người Palestine
Giới quan sát cho rằng, rõ ràng bước đi của ông Trump là sự thất bại của người Palestine trong ngắn hạn, nhưng chính xác hơn đó là sự thất bại của cách tiếp cận đối với vấn đề Palestine. Ông Trump có thể vừa làm một việc có ích cho người Palestine khi đưa vấn đề Jerusalem trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, gây dư luận lớn trong cộng đồng Ả-rập, cộng đồng người Hồi giáo và Ki-tô giáo, một vấn đề có thể tập hợp số đông.
Giai đoạn Israel tìm cách đơn phương thay đổi cách sắp xếp trong khu tổ hợp đền al-Aqsa đã dẫn đến một cuộc tập hợp dư luận lớn chưa từng có từ những người dân Palesline gốc Jerusalem, công dân Palestine ở Israel và Bờ Tây cùng những người Jordan và sự ủng hộ từ quốc tế, cuối cùng khiến Israel phải đầu hàng. Các nhà bình luận cho rằng, đó là lời nhắc nhở kịp thời rằng người Palestine có thể làm được gì với những vấn đề của địa phương và khu vực, và đó là điều nên được nói đến trong phòng họp tại Washington về thứ cuối cùng sẽ xảy ra đối với những gì họ làm trên Đất Thánh.
Ngày 7/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội phối hợp Đại sứ quán Nhà nước Palestine tại Việt Nam, Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Palestine và Hội Hữu nghị Việt Nam-Palestine thành phố Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm và chiếu phim nhân Ngày Quốc tế đoàn kết với nhân dân Palestine (29/11).
Thế giới phản ứng tiêu cực
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vấp phải phản ứng tiêu cực của hàng loạt lãnh đạo khắp thế giới. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng, tuyên bố của ông Trump "sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình của người Israel và Palestine". Giáo hoàng Francis nói: "Tôi không thể im lặng về nỗi lo lắng sâu sắc của mình trước tình hình nổi lên trong những ngày gần đây. Tôi kêu gọi mạnh mẽ tất cả tôn trọng hiện trạng của thành phố, theo các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc".