Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres. Ảnh: UN
Nhân loại đang đau đớn.
Hành tinh của chúng ta đang gặp nguy hiểm.
Năm 2023 là năm nóng kỷ lục.
Người dân đang bị đè bẹp bởi tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng.
Các cuộc chiến tranh ngày càng gia tăng về số lượng và tính khốc liệt.
Và niềm tin đang bị thiếu hụt.
Nhưng ngón tay chỉ và họng súng chĩa chẳng dẫn tới đâu cả.
Nhân loại mạnh mẽ nhất khi chúng ta sát cánh cùng nhau.
Năm 2024 phải là năm để xây dựng lại niềm tin và khôi phục lại niềm hy vọng.
Chúng ta phải cùng nhau vượt qua những chia rẽ để tìm ra giải pháp chung.
Hãy hành động vì khí hậu.
Và, tất cả mọi người phải được bình đẳng tiếp cận cơ hội kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu công bằng hơn.
Cùng nhau, chúng ta phải đứng lên chống lại sự phân biệt đối xử và hận thù đang giày xéo mối quan hệ giữa các quốc gia và cộng đồng.
Và chúng ta phải đảm bảo rằng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo sẽ là động lực lâu dài.
Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục tập hợp thế giới vì hòa bình, phát triển bền vững và nhân quyền.
Hãy quyết tâm biến năm 2024 thành một năm xây dựng niềm tin và hy vọng vào tất cả những gì chúng ta có thể cùng nhau đạt được.
Tôi chúc bạn Một Năm Mới Hạnh phúc và Bình yên.
Ở khía cạnh biến đổi khí hậu, thông điệp của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres phần nào nói lên mối lo toàn cầu mà nhân loại đang phải đối mặt.
Suốt năm 2023, Liên Hợp Quốc đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn cách đối phó với mối lo này, trong số đó có cuộc họp ngày 20/9/2023, khi đại diện của gần 200 quốc gia trên thế giới tề tựu tại thành phố New York, Mỹ để tham gia Hội nghị thượng đỉnh về Tham vọng khí hậu tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, trong đó có sự hiện diện của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới vật lộn với vấn đề toàn cầu: Biến đổi khí hậu.
Khi các nhà lãnh đạo thế giới cảnh báo Trái đất sắp trở nên không thể ở được vì biến đổi khí hậu, như Tổng thư ký António Guterres đã nhấn mạnh "Nhân loại đã mở cánh cổng địa ngục" trong cuộc họp ngày 20/9, một số người có thể dễ dàng từ bỏ hy vọng.
Bill Gates không phải là một trong số những người dễ dàng từ bỏ hy vọng đó.
Điều tôi tin là...
"Tôi tin vào sức mạnh của sự đổi mới (Innovation) trong việc kiểm soát nhiệt độ toàn cầu và tránh những tác động tồi tệ nhất của khí hậu nóng lên. Không có lý do gì để không đạt được mức phát thải bằng 0. Mặc dù không dễ dàng nhưng sự đổi mới là chìa khóa để chúng ta thực hiện được điều đó" - Tỷ phú công nghệ Bill Gates phát biểu tại Hội nghị Climate Forward 2023 do Thời báo New York (Mỹ) tổ chức tại The Times Center ở Thành phố New York vào ngày 21/9/2023, cùng với phiên họp của Liên Hợp Quốc.
Vị tỷ phú này chỉ ra tổ chức phi lợi nhuận mà ông thành lập vào năm 2015 có tên Breakthrough Energy (tạm dịch: Năng lượng đột phá) là một trong những chiến lược chính của ông nhằm giải quyết một số ngành công nghiệp thách thức nhất góp phần gây ra biến đổi khí hậu, như thép, xi-măng và nông nghiệp.
Cho đến nay, người sáng lập Microsoft và là một trong những người giàu nhất thế giới, cho biết ông là nhà tài trợ lớn nhất cho hành động vì khí hậu.
"Tuy vẫn còn một chặng đường dài phía trước nhưng những gì chúng ta thấy rất hứa hẹn. Chúng ta cần nhiều đô la từ thiện hơn. Chúng ta cần nhiều người thông minh hơn. Chúng ta cần nhiều người tiêu dùng sẵn sàng mua các sản phẩm xanh hơn vì hành tinh này hiện không đi theo con đường hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C như các nhà lãnh đạo toàn cầu đã đồng ý trong Thỏa thuận Paris về khí hậu" - Bill Gates cho biết.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cảnh báo về "một thế giới nguy hiểm và không ổn định" khi Trái đất đang trên con đường nóng lên 2,8 độ C.
Trong khi các quốc gia có thu nhập trung bình chịu trách nhiệm về 60% lượng khí thải đang làm hành tinh nóng lên, tỷ phú Bill Gates cho biết các nước giàu có nghĩa vụ đặc biệt là trước tiên phải đạt được mức phát thải carbon bằng 0.
Ông cho rằng phản ứng tổng hợp hạt nhân và thu giữ carbon là những công nghệ quan trọng mà Breakthrough Energy đang đầu tư. Tỷ phú công nghệ đang đầu tư vào 4 công ty tổng hợp hạt nhân khác nhau mà ông cho rằng có tiềm năng sản xuất điện theo những cách không phụ thuộc vào thời tiết, như gió và Mặt trời. Ông cũng là khách hàng lớn nhất của công ty thu khí trực tiếp Climeworks - công ty loại bỏ CO2 khỏi không khí xung quanh sau khi nó được thải ra.
Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất lại dẫn đầu về ứng phó với khí hậu
Như Tổng thư ký António Guterres đã kêu gọi một thế giới hiệp đồng để chống lại biến đổi khí hậu, đã đến lúc các nước giàu không thể đứng ngoài cuộc chiến mà các nước nhỏ đang phải gánh chịu và chống chọi với hệ quả của một thế giới ngày càng nóng lên: Sức nóng khủng khiếp đang gây ra những hậu quả khủng khiếp. Người nông dân đau khổ nhìn mùa màng bị lũ cuốn trôi. Nhiệt độ oi bức sinh bệnh, tác động dễ nhất đến người già và trẻ nhỏ. Và hàng ngàn người chạy trốn trong sợ hãi khi những trận hỏa hoạn lịch sử hoành hành diện rộng...
Trong Báo cáo phát thải khí nhà kính của tất cả các nước trên thế giới mới nhất của Ủy ban Châu Âu (EC) công bố năm 2023, 6 quốc gia/tổ chức phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới vào năm 2022 là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU27 (27 nước thành viên trong Liên minh Châu Âu), Nga và Brazil.
Họ cùng nhau chiếm 50,1% dân số toàn cầu, 61,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, 63,4% lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu và 61,6% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cho biết, 32 nhà lãnh đạo quốc gia (từ Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU27, Nga và Brazil) chịu trách nhiệm cho 11% lượng ô nhiễm Carbon dioxide (CO2) trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc và Mỹ là hai nhà phát thải khí nhà kính lớn nhất.
Do đó, trong Hội nghị thượng đỉnh về Tham vọng khí hậu, các quan chức quốc tế hàng đầu cho biết các nhà lãnh đạo thế giới vẫn chưa nỗ lực đủ để hạn chế phát thải khí nhà kính. Họ kêu gọi các quốc gia phát thải lớn hãy hành động nhiều hơn nữa.
Ông António Guterres không chỉ kêu gọi các nước lớn hành động mà còn tăng chi tiêu khí hậu để giúp các nước nghèo, nước nhỏ chuyển sang năng lượng tái tạo và thích ứng với một thế giới ấm hơn.
Điều đáng nói, các quốc gia dễ bị tổn thương nhất dẫn đầu về ứng phó với khí hậu. Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) báo cáo năm 2021 cho hay, 93% các nước kém phát triển nhất (LDC) và các Quốc gia Đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) đã đệ trình các cam kết hoặc kế hoạch nâng cao khí hậu quốc gia.
Báo cáo UNDP cho thấy các quốc gia dễ bị tổn thương, thường là quê hương của những người nghèo nhất thế giới đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu, tiếp tục là những nước đi đầu trong tham vọng về khí hậu, khiến các nước giàu hơn bị tụt lại phía sau.
Đối với Việt Nam, theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Việt Nam - nước phát thải khí nhà kính ở mức khiêm tốn - là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới trước biến đổi khí hậu. Bão, lũ lụt, hạn hán và lở đất thường xuyên đe dọa phần lớn dân số và tài sản kinh tế tập trung dọc theo bờ biển dài, đông dân của nước ta.
Dẫu vậy, Việt Nam rất nỗ lực trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, không đứng ngoài nỗ lực cùng thế giới chống lại mối lo toàn cầu này. Trong Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) năm 2021, Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Trong một thế giới ngày càng nóng lên và bị thiên tai hoành hành, các nước lớn cần chung tay hành động cùng nước nhỏ, nước nghèo. Bởi không thể cứ mãi nhìn những quốc gia giàu có phát thải nhiều khí nhà kính - nhưng cứ mãi im lặng, không hành động - trong khi những nước nghèo, ít phát thải nhất lại phải oằn mình hành động mà không có sự chung tay, giúp đỡ.
Bởi mục đích chung nhất vẫn là một thế giới trở nên tốt đẹp hơn!
Tham khảo: New York One, UN, USAID