Theo Oilprice, các nguồn tin thương mại cho biết Saudi Arabia dự kiến tăng nguồn cung dầu thô sang Trung Quốc vào tháng 10 sau khi nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới giảm giá dầu thô bán tại khu vực châu Á.
Cụ thể, Vương quốc này dự kiến sẽ vận chuyển tổng cộng 46 triệu thùng dầu thô sang Trung Quốc vào tháng tới, tăng so với ước tính 43 triệu thùng của Saudi cập bến quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới vào tháng 9. Các nhà máy lọc dầu nhà nước lớn nhất của Trung Quốc là Sinopec và PetroChina đã yêu cầu thêm nguồn cung từ Saudi cho tháng 10. Trung Quốc hiện nay cũng là khách hàng lớn nhất của dầu Nga.
Vương quốc này đã giảm giá bán chính thức (OSP) cho châu Á trong tháng tới trong bối cảnh biên lợi nhuận lọc dầu ở Trung Quốc và khu vực châu Á ngày càng giảm sút và giá dầu tiêu chuẩn Dubai thấp hơn.
Giá loại dầu hàng đầu của Saudi là Arab Light xuất khẩu sang châu Á trong tháng 10 đã giảm 0,7 USD/thùng so với giá tháng 9. Do đó, nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu lớn nhất ở Trung Quốc đã tăng lên. Quốc gia này đang có xu hướng nhập khẩu khối lượng lớn hơn với giá thấp hơn.
Vào tháng 8, Trung Quốc đã nhập khẩu khối lượng dầu thô hàng tháng cao nhất trong một năm cùng với giá dầu quốc tế giảm sút. Xu hướng dự trữ hàng hóa ở mức giá thấp hơn của Trung Quốc có thể giải thích tại sao hầu hết hàng hóa nhập khẩu đều có khối lượng cao hơn mặc dù tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chững lại dưới mức kỳ vọng.
Saudi là nhà lãnh đạo của OPEC và nhóm OPEC+, là quốc gia khai thác dầu lớn thứ hai thế giới trong năm 2023. Sản lượng dầu thô của Vương quốc dầu mỏ này đạt trung bình khoảng 10,2 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm ngoái.
Tuy nhiên, kể từ tháng 7/2023, Saudi đã thực hiện cắt giảm sản lượng tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày, kéo sản lượng trung bình xuống 9 triệu thùng/ngày trong 6 tháng cuối năm 2023.
Việc cắt giảm nguồn cung dầu nhằm mục đích cân bằng nguồn cung nhiên liệu toàn cầu do sản lượng tăng vọt từ các nhà khai thác ngoài OPEC+, nhất là Mỹ, Brazil, Canada, Guyana và Na Uy.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đã giảm hơn 7% trong dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 xuống 900.000 thùng/ngày, do nhu cầu thấp ở Trung Quốc và tăng trưởng yếu ở các khu vực khác.
Mỹ, nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, cũng đang cho thấy dấu hiệu nhu cầu yếu. Theo dữ liệu từ EIA, lượng dầu dự trữ của nước này đã tăng lên trong tuần trước, khi nhập khẩu dầu thô tăng, xuất khẩu giảm và nhu cầu nhiên liệu đi xuống.
Trong phiên giao dịch tuần vừa qua, giá dầu Brent đã có thời điểm đóng cửa ở gần mức thấp nhất ba năm, sau khi OPEC+ lần thứ hai liên tiếp hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu hàng năm.