Ông Thăng cho biết thống nhất với quan điểm bào chữa của các luật sư và đề nghị được trình bày bổ sung một số điều.
Ông Thăng cho biết sau khi nhận mức án 13 năm tù đã rất đắn đo quyết định có kháng cáo hay không.
"Kinh nghiệm qua hai lần ra tòa, càng nói thì bị cáo tội càng nặng thêm, cho rằng đó là quanh co, chối tội. Thực sự tôi rất đắn đo" - ông Thăng nói.
Và quyết định kháng cáo lần này ông Thăng coi đây là cơ hội làm rõ những quy kết có phần chưa thỏa đáng của cấp sơ thẩm.
"Tôi có niềm tin, hy vọng TAND cấp cao tại TP Hà Nội sẽ xem xét, làm rõ.
Trong đơn kháng cáo, tôi mong HĐXX phúc thẩm xem xét đầy đủ, toàn diện, khách quan về nguyên nhân bối cảnh xảy ra vụ án, về trách nhiệm của tôi...".(Chủ tọa ngắt lời, đề nghị ông Thăng không trình bày lại những nội dung luật sư đã trình bày cho bị cáo).
Ông Thăng cho biết là không đồng tình với quan điểm buộc tội của VKS. Những căn cứ xác thực cũng như diễn biến tại phiên tòa chưa được VKS cập nhật một cách công tâm, khách quan, nhiều tình tiết mới chưa được VKS quan tâm, đánh giá.
"Phần buộc tội với cá nhân tôi gần như là nguyên văn như buộc tội của bản án sơ thẩm.
Tôi cảm nhận rằng hình như đối với cá nhân tôi, tất cả những gì dù không phải là trách nhiệm của tôi cũng đều buộc cho tôi, chỗ nào cũng liên quan đến ông Đinh La Thăng.
Có tất cả bốn cấp liên quan đến dự án này nhưng tất cả đều gắn với tôi" -ông Thăng bức xúc .
"Tôi đề nghị xem xét trách nhiệm của tôi căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã giao cho tôi. Việc của người khác, của cấp khác thì không gắn cho tôi.
Tất nhiên, suốt phiên tòa tôi luôn nhận trách nhiệm của người đứng đầu. Không có nghĩa là người đứng đầu thì mọi việc từ lớn đến bé đều buộc chủ tịch HĐTV phải biết, phải chịu trách nhiệm.
Thứ hai, bối cảnh thực hiện dự án này, là thực hiện chủ trương phát huy nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, PVN là tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, phải triển khai thực hiện.
Đây không phải là chủ trương nhất thời như cáo buộc của VKS là chỉ định thầu cho PVC là để cứu PVC. Không phải chỉ riêng PVC được chỉ định thầu mà tất cả đơn vị thành viên đều được chỉ định thầu theo đúng quy định của pháp luật.
Dự án được chuẩn bị suốt một thời gian dài. Từ 2009, tôi không phải là tài thánh gì để biết 2011 PVC sẽ gặp khó khăn, để chỉ định thầu cứu PVC. Nếu thế thì tôi giỏi quá..." - ông Thăng trình bày.
"Tôi bị bản án quá nặng nên xin phép được khẳng định lại quan điểm, khi tôi chuyển công tác rồi, Ban TGĐ, HĐQT PVN tiếp tục đánh giá lại và quyết định PVC vẫn đủ năng lực làm tổng thầu. Lúc đó không còn vai trò của tôi trong đó.
Tôi đề nghị xem lại cáo buộc tôi đã chỉ định thầu một cách vô tội vạ.
Về ký hợp đồng là khởi nguồn, là mấu chốt của vụ án, không có Hợp đồng 33 này thì không có ai phải ra tòa hôm nay.
Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư và tổng thầu. Tôi là chủ tịch HĐTV thì không thể biết được. Tài liệu, chứng cứ đưa ra đều là sự bàn bạc của PVPOwer, tôi hoàn toàn không biết việc này.
HĐXX có thể hỏi anh Vũ Huy Quang (nguyên TGĐ PVPower) xác minh tôi, anh Thực, anh Khánh có chỉ đạo ký Hợp đồng số 33 hay không? VKS có thể hỏi anh Quang xem tôi có chỉ đạo không, có ép buộc không?
Đây là dự án vừa thiết kế, vừa thi công, chịu sức ép của tiến độ. Ép là có thật nhưng tăng cường thời gian, tăng cường con người lên thì có thể hoàn thành.
Sau khi PVC đàm phán với các nhà thầu Nhật Bản, Hyundai của Hàn Quốc, của Nga, của Mỹ... không thành thì tôi đã ký chỉ định PVC làm tổng thầu".
Khi HĐXX yêu cầu ông Thăng xuất trình tài liệu này, ông Thăng nói tài liệu này chỉ PVC mới có.
Ông Thăng cho rằng Hợp đồng 33 không có giá trị pháp lý, ông chỉ biết điều này khi làm việc với cơ quan điều tra...
Ông Thăng nói tiếp: VKS cũng cáo buộc tôi chỉ đạo việc tạm ứng tiền cho PVC, tôi khẳng định tôi không có bất cứ chỉ đạo nào tạm ứng cho PVC, đó cũng không thuộc chức năng của tôi.
Khi tạm ứng tiền cho PVC, tôi đã yêu cầu tiền này chỉ được sử dụng cho Nhiệt điện Thái Bình 2 nhưng VKS không đề cập đến việc này. Việc sử dụng tiền sai mục đích thuộc trách nhiệm của PVC.
Cách tính thiệt hại, chúng tôi không cần sự bố thí “tính thế này là ít rồi”, chúng tôi cần sự công minh của pháp luật. Tính thiệt hại của Bộ Tài chính là cách tính giả định, giả sử số tiền đó gửi tiết kiệm.
Nếu như vậy thì không cần sản xuất kinh doanh gì cả, cứ lấy tiền đó gửi tiết kiệm...
Chủ tọa liên tục ngắt lời ông Thăng, cho rằng phần này các luật sư đã nêu rất kỹ và đề nghị ông chỉ cần nêu có đồng tình với phần bào chữa của các luật sư không. “Tôi đồng tình nhưng tôi bổ sung ...” - ông Thăng nói.