Ông Tập đi Mỹ, Triều Tiên dùng tên lửa gửi gắm thông điệp: Đừng thỏa hiệp trên đầu chúng tôi

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Trước khi lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc gặp gỡ tại Florida vào cuối tuần này, Triều Tiên lập tức ra tín hiệu bằng việc phóng tên lửa "đánh tiếng".

Bầu không khí dò xét trước thềm gặp gỡ

Không cần phải đợi đến vụ phóng tên lửa ngày 4/4 vừa qua, tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã coi vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là mối đe doạ an ninh lớn nhất đối với Mỹ.

Trước đó, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis cũng cho rằng, không phải tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hay chương trình hạt nhân của Iran, mà Triều Tiên mới là mối đe doạ an ninh lớn nhất đối với Mỹ.

Cũng vì thế mà chuyện hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hiện diện ở hàng đầu trên chương trình nghị sự của cuộc hội đàm đầu tiên giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida (Mỹ) trong tuần này.

Triều Tiên lại sử dụng những quân bài cũ và phương cách không mới để thể hiện phản ứng về những đe doạ mới của Mỹ và để tác động trực tiếp vào cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung.

Ở khu vực Đông Bắc Á, Mỹ và Hàn Quốc đã triển khai những khẩu đội đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc, mới đây lại tiến hành tập trận chung với cả Nhật.

Ông Tập đi Mỹ, Triều Tiên dùng tên lửa gửi gắm thông điệp: Đừng thỏa hiệp trên đầu chúng tôi - Ảnh 1.

Xe vận chuyển một phần hệ thống THAAD hạ cánh tại Hàn Quốc. Ảnh: AP

Chính quyền mới ở Mỹ đã nhiều lần gia tăng áp lực với cả Trung Quốc lẫn Triều Tiên, với Triều Tiên là đe doạ trực tiếp như Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson đề cập đến đánh đòn phủ đầu bằng quân sự, với Trung Quốc là thúc ép Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng nổi trội của mình để tác động buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa.

Vừa mới đây thôi, đích thân ông Trump còn doạ cả Trung Quốc lẫn Triều Tiên bằng tuyên bố Mỹ sẵn sàng đơn phương hành động đối phó Bình Nhưỡng.

Tình hình trở nên bất lợi hơn cho Triều Tiên khi Mỹ cùng hai đồng minh ở khu vực vừa tăng cường vũ trang, vừa củng cố liên minh và phối hợp hành động quân sự, lại vừa gia tăng mạnh mẽ áp lực đối với Trung Quốc.

Sự thay đổi chính phủ ở Mỹ đang đẩy Washington và Bắc Kinh vào thời kỳ quan hệ mới mà cả hai hiện chưa biết sẽ phải hay nên khởi đầu như thế nào.

Cuộc gặp mặt cấp cao không chính thức nhiều hơn là chính thức giữa hai nước tới đây ở Florida sẽ mang lại khởi đầu suôn sẻ hay trắc trở phụ thuộc vào nhiều chuyện, trong đó kết quả quan trọng và mang tính quyết định nhất là đạt được đồng thuận hay tiếp tục khác biệt quan điểm về Triều Tiên.

Thử hạt nhân và tên lửa là đối sách đã trở thành kinh điển trong chiến lược chung của Triều Tiên và chính sách đối với Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Thử để kiểm định mức độ phát triển và tiếp tục phát triển. Thử để phục vụ mục đích chính trị, an ninh, ngoại giao và dư luận.

Được và mất cho Triều Tiên

Trong bối cảnh tình hình mới như thế về chính trị an ninh ở khu vực cũng như đối với mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, đối sách cũ này có được giá trị mới đối với Triều Tiên.

Về phía Mỹ, Triều Tiên phát đi thông điệp không nhượng bộ và không để bị khuất phục, sẵn sàng leo thang căng thẳng và đối đầu với Mỹ. Còn thông điệp của Triều Tiên phát gửi về phía Trung Quốc là Bắc Kinh không nên thoả hiệp với Mỹ trên đầu Triều Tiên và gây bất lợi cho Bình Nhưỡng.

Ông Tập đi Mỹ, Triều Tiên dùng tên lửa gửi gắm thông điệp: Đừng thỏa hiệp trên đầu chúng tôi - Ảnh 2.

Triều Tiên ngầm ý với Mỹ và Trung Quốc là hai nước này có nhiều cái để mất, trong khi Triều Tiên không còn gì để mất một khi diễn biến vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các bên liên quan. Kẻ không tham dự sự kiện [hội đàm Trump-Tập] lại có thể phủ bóng mình xuống sự kiện và góp phần quyết định làm cho sự kiện thành công hay không được thành công.

Không chỉ có chuyện thâm hụt cán cân thương mại hay bất đồng quan điểm về tỷ giá tiền tệ, cũng không chỉ có nghi ngại của Mỹ về ý đồ và hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, mà còn cả vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên làm cho cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình ở Mỹ khó có thể diễn ra và kết thúc mỹ mãn như hai bên kỳ vọng.

Nhưng Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ không phơi bày dị biệt và khoảng cách đến mức Triều Tiên có thể lợi dụng.

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc càng hài hoà và cải thiện thì tình thế và cục diện xoay vần càng bất lợi cho Triều Tiên, nên Bình Nhưỡng càng phải nhằm vào những kịch bản diễn biến mà Mỹ và Trung Quốc lo ngại nhiều nhất.

Đối sách không mới của Triều Tiên nhờ đó nhiều lần có được giá trị và tác động mới.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại