Để phản ứng việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc nhằm bảo vệ nước này trước nguy cơ tấn công hạt nhân từ Triều Tiên, Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch tẩy chay gần như mọi sản phẩm liên quan đến Hàn Quốc.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) bình luận, hoạt động trả đũa kinh tế được xem là vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vì thế, các chính phủ muốn làm việc này thường triển khai chiến dịch dưới dạng phi chính thức, bằng cách siết chặt thủ tục hải quan và định hướng người tiêu dùng thông qua truyền thông trong nước.
Các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang gia tăng xu hướng dùng trả đũa thương mại làm công cụ chính thức. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã phô diễn sức mạnh kinh tế với tần suất thường xuyên và phạm vi rộng lớn hơn, kết hợp song song các ưu đãi và cấm vận kinh tế để đạt được mục tiêu trong chính sách đối ngoại.
Bắc Kinh đã dùng ảnh hưởng kinh tế để chặn các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan, trừng phạt bất cứ quốc gia nào liên hệ với Đạt Lai Lạt Ma, và thách thức các đối thủ trong tranh chấp lãnh thổ và ngoại giao.
Vào năm 2012, các doanh nghiệp Nhật Bản đã phải gánh chịu cơn thịnh nộ của Bắc Kinh bởi tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và chính phủ Nhật quốc hữu hóa quần đảo này vào tháng 9.
Cửa hàng của các thương hiệu lớn như Toyota, Honda và Nissan đã bị đập phá ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc vào thời điểm đó.
Tháng 7/2016, người tiêu dùng Trung Quốc đã phát động chiến dịch tẩy chay hàng hóa từ Philippines và Mỹ để phản đối phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA), bác bỏ yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh áp đặt trên biển Đông.
Đến cuối tháng 3/2017, 80% siêu thị của Lotte ở Trung Quốc đã đóng cửa do bị dư luận Trung Quốc phản ứng, sau khi tập đoàn này chấp nhận đổi đất cho quân đội Hàn Quốc bố trí THAAD (Ảnh: AFP)
Theo SCMP, không khó lý giải khi mỗi quốc gia đều muốn hoạch định chính sách đối ngoại sao cho phù hợp nhất với lợi ích của mình. Song các chuyên gia nhận định, việc liên tục lạm dụng trả đũa thương mại sẽ không giúp Trung Quốc đạt được các mục tiêu.
Thứ nhất, các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh với Seoul có thể phá hỏng nỗ lực nhằm được WTO công nhận là nền kinh tế thị trường, điều sẽ giúp Trung Quốc tránh được các hạng mục thuế chống bán phá giá.
Thứ hai, mặc dù trả đũa thương mại có thể gây ra tổn thương kinh tế đáng kể cho quốc gia bị nhắm đến, nó lại là một con dao hai lưỡi. Các biện pháp hạn chế ngoại thương sẽ tác động xấu đến doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Thứ ba, các quốc gia bị trả đũa thương mại sẽ buộc phải tái định hướng nền kinh tế bằng cách chuyển sang tìm kiếm các nhà cung ứng và thị trường khác. Điều này cuối cùng sẽ làm tổn thương đến khả năng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Thứ tư, việc thường xuyên sử dụng các công cụ trả đũa sẽ làm suy yếu môi trường đầu tư của Trung Quốc. Các lệnh trừng phạt của nước này sẽ làm nhà đầu tư nước ngoài xa lánh, khi họ tính đến sự bất ổn và rủi ro của việc làm ăn ở thị trường này.
Cuối cùng, chính sách bất ổn và khó lường của Bắc Kinh sẽ làm các nước khác xét lại quan hệ tương lai với Trung Quốc. Các hành động mang tính trả đũa sẽ gây ra cảm giác ngờ vực, nếu không phải nói là thù địch ở người dân các nước.
Một cuộc thăm dò dư luận gần đây ở Hàn Quốc do Viện nghiên cứu chính sách Asan tiết lộ, nước cựu thù Nhật Bản không còn là quốc gia bị người Hàn ghét nhất nữa. Thay vào đó, quốc gia nhận được "vinh dự" này không phải ai khác ngoài Trung Quốc.