Ông Tập Cận Bình: Trung Quốc không có xung đột chiến lược cơ bản với châu Âu

Bích Thuận |

Phát biểu trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Bắc Kinh hôm nay (1/12), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mong muốn châu Âu “nhận thức đúng đắn” về Trung Quốc, xử lý ổn thỏa bất đồng và hợp tác với Bắc Kinh ở mức độ cao hơn.

Cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vừa tổ chức sáng 1/12. Trong bản tin của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát đi sau đó, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, việc Chủ tịch Charles Michel thay mặt các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đến thăm Trung Quốc sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc không lâu, “đã thể hiện nguyện vọng tốt đẹp của EU trong việc phát triển quan hệ với Trung Quốc”.

Ông Tập Cận Bình: Trung Quốc không có xung đột chiến lược cơ bản với châu Âu - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Bắc Kinh (Ảnh: Reuters).

Ông Tập cho rằng, tình hình quốc tế càng trở nên hỗn loạn, thách thức toàn cầu càng trở nên nổi cộm thì ý nghĩa toàn cầu của quan hệ Trung Quốc-EU càng rõ rệt. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc mong muốn EU sẽ trở thành đối tác quan trọng khi nước này đi theo con đường hiện đại hóa kiểu Trung Quốc và cùng chia sẻ cơ hội tại thị trường siêu lớn này.

Chủ tịch Trung Quốc đã đưa ra bốn quan điểm về sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - EU. Theo ông, “giữa Trung Quốc và EU không có các bất đồng và xung đột chiến lược cơ bản”, do vậy ông “mong muốn các tổ chức và quốc gia thành viên của EU thiết lập một sự hiểu biết khách quan và đúng đắn về Trung Quốc”, phản đối mọi hình thức “Chiến tranh Lạnh mới”.

Chủ tịch Tập kêu gọi hai bên kiểm soát ổn thỏa bất đồng, tôn trọng mối quan tâm lớn và lợi ích cốt lõi của nhau, cho biết Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại nhân quyền với EU trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Tập Cận Bình cho rằng, hai bên cần triển khai hợp tác ở mức độ cao hơn; tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô; củng cố lợi thế bổ sung về thị trường, vốn và công nghệ; cùng tạo ra các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, bảo vệ môi trường, năng lượng mới, trí tuệ nhân tạo; cùng đảm bảo sự an toàn, ổn định và tin cậy của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng. Ông khẳng định, Trung Quốc sẽ luôn mở cửa cho các công ty châu Âu và “hy vọng EU loại bỏ sự can thiệp và tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các công ty Trung Quốc”.

Ông cũng kêu gọi hai bên tăng cường điều phối và hợp tác quốc tế, “dẫn dắt các nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học, an ninh năng lượng và an ninh lương thực, cũng như sức khỏe cộng đồng”.

Về vấn đề Ukraine, ông Tập cho rằng, giải quyết khủng hoảng Ukraine thông qua các biện pháp chính trị là “phù hợp nhất với lợi ích của châu Âu và lợi ích chung của các quốc gia Á-Âu”. Ông khẳng định, Trung Quốc ủng hộ EU tăng cường nỗ lực trung gian hòa giải, đi đầu trong việc thiết lập một cấu trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững, đồng thời cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng theo cách của mình.

Chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng châu Âu diễn ra trong bối cảnh các nước thành viên EU đang nóng lên tranh luận về cách xử lý mối quan hệ với Trung Quốc trong tương lai, cũng như quan hệ Trung Quốc - EU đang xấu đi kể từ đầu năm 2021 do hàng loạt các mâu thuẫn, trong đó có các vấn đề Tân Cương, Hong Kong hay Đài Loan… Năm 2019, EU từng công bố chiến lược đối với Trung Quốc, trong đó lần đầu tiên đánh giá Bắc Kinh là đối tác cạnh tranh về kinh tế và đối thủ mang tính hệ thống./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại