Lãnh đạo Pháp - Trung gặp nhau ở Bali ngày 15/11. (Ảnh: Xinhua)
Sau cuộc gặp kéo dài 3 tiếng rưỡi với Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm ngăn chặn cạnh tranh biến thành xung đột, ông Tập hôm nay có các cuộc gặp với lãnh đạo Úc, Pháp, Hà Lan, và Hàn Quốc.
Quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh liên tục xấu đi trong vài năm gần đây, do căng thẳng địa - chính trị gia tăng, mâu thuẫn về thương mại và đại dịch COVID-19.
Dù khó kỳ vọng thiết lập lại quan hệ, các cuộc gặp có thể giúp nối lại trao đổi, theo cách tương tự như giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 14/11, nhà lãnh đạo Trung Quốc gạt bỏ yếu tố cốt lõi trong chính sách đối ngoại của ông Biden: dân chủ.
Trong thông cáo của phía Trung Quốc về cuộc gặp, ông Tập gọi hệ thống quản trị của Trung Quốc là “dân chủ kiểu Trung Quốc”, một tín hiệu rõ ràng gửi đến Mỹ rằng những khác biệt về ý thức hệ không nên trở thành chia rẽ không thể bắc cầu trong quan hệ giữa hai nước.
Trong lịch trình bận rộn của ông Tập, nhà lãnh đạo Trung Quốc và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ có cuộc gặp ngắn trong sáng nay, trước khi cả hai cùng dự phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20.
Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, trong cuộc gặp kéo dài 43 phút, ông Tập nhắc lại quan điểm ủng hộ ngừng bắn và đối thoại hòa bình để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Thông cáo cho biết hai nhà lãnh đạo “tái khẳng định quan điểm mạnh mẽ về việc ngăn chặn sử dụng vũ khí hạt nhân” ở Ukraine, nhưng thông cáo của Trung Quốc không nhắc đến ý này.
Giống như những nước châu Âu khác, quan điểm của Pháp đối với Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn trong những năm gần đây, ngày càng coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh và một mối lo ngại về an ninh.
Trong thời kỳ đại dịch, ông Tập hạn chế các hoạt động ngoại giao để chuyển sang hình thức trao đổi trực tuyến.
Một cuộc gặp khác của ông Tập cũng được chú ý trong hôm nay là với Thủ tướng Úc Anthony Albanese, trong bối cảnh hai bên mâu thuẫn sâu sắc trong mấy năm qua, sau khi Canberra kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế để làm rõ nguồn gốc đại dịch COVID-19.
Canberra cũng cực kỳ lo ngại khi ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng lớn ở các đảo quốc Nam Thái Bình Dương.
Khi thông báo về cuộc gặp, ông Albanese nói khi vừa đến Bali rằng bản thân cuộc gặp đã là “kết quả thành công”, vì hai bên thiếu trao đổi ở cấp cao trong mấy năm qua.
Theo CNN