Ông Tập Cận Bình hồ hởi thông báo loạt chỉ số chống lưng TQ: Thương chiến vô phương kết thúc?

Hải Võ |

Một loạt số liệu về tình hình kinh tế Trung Quốc đã được chủ tịch Tập Cận Bình thông báo với truyền thông nhà nước Nga, trước khi tiến hành chuyến thăm chính thức Nga.

Vào chiều nay, 5/6, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thủ đô Moskva, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga và dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg lần thứ 23.

Ông Tập Cận Bình đầy tự tin vào kinh tế Trung Quốc

Trả lời báo Russian Gazette và hãng thông tấn Tass của nhà nước Nga, ông Tập khẳng định, bất chấp tăng trưởng toàn cầu giảm tốc kể từ đầu năm, Trung Quốc vẫn đạt được bước phát triển ổn định.

"Chúng tôi hoàn toàn có nguồn lực, khẳ năng và tự tin ứng phó với những rủi ro và thách thức khác nhau [đến từ chiến tranh thương mại với Mỹ]," ông Tập nói, bổ sung rằng sự phát triển kinh tế của đất nước là "tốt và ổn định", và sẽ được duy trì như vậy về lâu dài.

Chủ tịch Trung Quốc cho biết, những cải thiện trong cấu trúc kinh tế Trung Quốc đã giúp gia tăng hiệu quả và cung cấp nền tảng để mở rộng [kinh tế] ổn định. Trung Quốc là nước có tầng lớp trung lưu đông đảo nhất thế giới và tạo ra nhu cầu tiêu dùng chủ yếu, với các lĩnh vực tiêu dùng nội địa chiếm tới hơn 76% quy mô tăng trưởng của nền kinh tế.

Ông Tập liệt kê 4 vai trò hàng đầu của Trung Quốc hiện nay: Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nước sản xuất chế tạo lớn nhất thế giới, nước có quy mô thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, và là nước nắm dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới.

"Trong năm 2018, nền kinh tế Trung Quốc đã vượt mốc 90 nghìn tỉ nhân dân tệ và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 10.000 USD. Mức tăng trưởng kinh tế 6.6% của chúng tôi là một trong những mức tăng cao nhất trên thế giới, đồng nghĩa Trung Quốc đóng góp cho khoảng 30% tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm qua," chủ tịch Trung Quốc tự tin thông báo.

Ông Tập Cận Bình hồ hởi thông báo loạt chỉ số chống lưng TQ: Thương chiến vô phương kết thúc?  - Ảnh 1.

Ông Tập Cận Bình và đồng cấp Nga Vladimir Putin (Ảnh: EPA-EFE)

Theo ông Tập, GDP Trung Quốc trong Quý I năm 2019 tăng trưởng 6.4%, đạt 14 quý liên tiếp kinh tế tăng trưởng trong mức 6.4-6.8%. Các chỉ số tạo công ăn việc làm tiếp tục mở rộng, thu nhập cá nhân tăng trưởng nhanh hơn kinh tế, giá cả nhìn chung ổn định với việc giá tiêu dùng tăng nhẹ 2%. Quy mô xuất nhập khẩu tăng 4.3% so với cùng kỳ năm ngoái, và dự trữ ngoại hối vẫn ở mức trên 3 nghìn tỉ USD.

Ông nhận định, Trung Quốc có nhiều nhân tố hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng ổn định, lành mạnh và bền vững.

Tương lai đàm phán thương mại đầy mịt mờ

Bình luận của ông Tập Cận Bình về công cuộc chống đỡ "dài hơi" được đưa ra ít ngày sau khi Bắc Kinh công bố sách trắng hôm Chủ nhật, 3/6, để nêu rõ lập trường của chính phủ Trung Quốc về cọ xát thương mại với Mỹ, trong đó Trung Quốc cho rằng Washington chịu hoàn toàn trách nhiệm cho sự đổ vỡ trong đàm phán thương mại.

Thái độ của nhà lãnh đạo Trung Quốc cho thấy nước này hết sức cứng rắn với quan điểm đã được Tân Hoa Xã tuyên bố thời gian qua: Trung Quốc chưa từng cúi đầu trong suốt 70 năm qua và không hề sợ ai. Trung Quốc sẵn sàng đàm phán thương mại với Mỹ, nhưng sẽ không thỏa hiệp trong những vấn đề mà Bắc Kinh cho là lợi ích cốt lõi.

Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ và Bộ tài chính Mỹ ngày 3/6 đã ra thông cáo chung bác bỏ sách trắng của Trung Quốc, tái cáo buộc đàm phán thương mại bị gián đoạn do Bắc Kinh cự tuyệt yêu cầu của Mỹ về việc đưa một cơ chế thực thi vào trong thỏa thuận.

Tương lai của đàm phán Mỹ-Trung hiện vẫn hết sức mờ mịt. Một quan chức tài chính Mỹ hôm 4/6 tiết lộ chưa có kế hoạch đối thoại song phương nào bên lề hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 tại Nhật Bản vào cuối tuần này. 

Quan chức trên cho hay, Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin chưa có kế hoạch công du Bắc Kinh cả trước và sau hội nghị bộ trưởng G20. 

Còn theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), dù ông Tập Cận Bình thể hiện tự tin vào những số liệu chống lưng cho nền kinh tế Trung Quốc, nước này vẫn đang tăng trưởng chậm nhất trong gần 3 thập kỷ. 

Trong khi đó, thương chiến leo thang tiếp tục làm dấy lên lo ngại trong nước về rủi ro tổn hại đối với thị trường tài chính và các doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư.

Tăng trưởng kinh tế Quý I 2019 giữ ổn định ở mức 6.4%, nhưng theo SCMP, con số này cho thấy không có cải thiện so với 3 tháng cuối năm 2018. Ngoài ra, tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đã tăng trưởng chậm lại trong tháng 4. Đây là những số liệu chính thức trước khi Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 10/5. Động thái này được cho là sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc phải "oằn mình" dưới sức ép khủng khiếp hơn nữa.

Ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật Bản đánh giá, công cuộc chuyển dịch chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp ở Trung Quốc nhằm trốn chạy thương chiến sẽ "thổi bay" khoảng 0.5% GDP của nước này trong năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại