Ông Putin tuyên bố sẵn sàng thực hiện cam kết đồng minh quân sự với Armenia

Thiện Nhân |

Tổng thống Putin khẳng định Nga sẵn sàng trợ giúp Armenia phòng thủ theo đúng cam kết thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), song cam kết đó không bao gồm Nagorno-Karabakh, nơi giao tranh đang diễn ra giữa Armenia và Azerbaijan.

Armenia dội lửa san phẳng cơ sở dầu mỏ lớn của Azerbaijan Nga, Pháp, Mỹ yêu cầu Armenia-Azerbaijan lập tức buông súng vô điều kiện Khu vực tranh chấp Armenia-Azerbaijan tiếp tục hứng "mưa tên lửa"

"Armenia là thành viên của CSTO và chúng tôi có những nghĩa vụ nhất định đối với Armenia trong khuôn khổ hiệp ước này… Nga luôn vinh dự và sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết của mình", Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/10 nói trên kênh Russia-1.

CSTO là liên minh phòng thủ do Nga dẫn đầu, gồm các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Theo hiến chương CSTO, bất cứ hành động gây hấn chống lại một bên ký kết nào sẽ được coi là hành động xâm lược chống lại toàn bộ liên minh và các nước còn lại có nghĩa vụ triển khai lực lượng hỗ trợ.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga cho rằng cam kết trợ giúp Armenia không bao gồm khu vực Nagorno-Karabakh, nơi giao tranh đang diễn ra giữa Armenia và Azerbaijan. "Thật đáng tiếc khi các hành động thù địch vẫn tiếp diễn, nhưng chúng không diễn ra trên lãnh thổ Armenia", Putin nói.

Theo lời ông chủ Điện Kremlin, cuộc xung đột giữa hai nước là một "thảm kịch". "Mọi người đang chết dần, có những tổn thất nặng nề cho cả hai bên và chúng tôi hy vọng rằng cuộc xung đột này sẽ kết thúc càng sớm càng tốt", nhà lãnh đạo Nga nêu.

Chiến sự giữa Armenia và Azerbaijan nổ ra từ 27/9 và diễn ra ngày càng ác liệt tại khu vực Nagorno-Karabakh, bất chấp yêu cầu ngừng bắn vô điều kiện, ngay lập tức của cộng đồng quốc tế, với vai trò chính của nhóm Minsk-OSCE do Nga, Pháp, Mỹ bảo trợ.

Những ngày qua, Nga liên tiếp kêu gọi hai bên kiềm chế. Tổng thống Putin đã điện đàm ít nhất 5 lần với Thủ tướng Armenia và một cuộc trò chuyện khác qua điện thoại với Tổng thống Azerbaijan, để hối thúc hai bên trở lại bàn đàm phán.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng liên tiếp thảo luận với quan chức ngoại giao Armenia và Azerbaijan để tiến đến một cuộc đối thoại trực tiếp. Cả hai nước Armenia và Azerbaijan đều nêu yêu sách chấp thuận ngừng bắn, nhưng lập tức bị phía kia bác bỏ.

Nagorno-Karabakh là vùng lãnh thổ đồi núi nằm trong biên giới Tây Nam của Azerbaijan và được quốc tế công nhận rộng rãi thuộc chủ quyền Azerbaijan - quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi. Tuy nhiên, phần lớn dân cư ở Nagorno-Karabakh lại là người gốc Armenia theo đạo Cơ đốc và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.

Tranh cãi về vùng đất này khiến hai bên lao vào cuộc chiến kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khi chính quyền tự trị ở Nagorno-Karabakh đòi ly khai để sáp nhập vào Armenia. Sau cuộc chiến, Azerbaijan mất quyền kiểm soát khu vực này vào tay lực lượng ly khai thân Armenia.

Về đợt giao tranh mới nhất, theo tuyên bố độc lập của hai nước, hơn 40 dân thường và khoảng 3.600 binh sĩ của cả đã thiệt mạng.

Truyền thông khu vực gần đây cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các tay súng từ Syria và máy bay không người lái tới hỗ trợ đồng minh Azerbaijan. Các nhà phân tích cho rằng sự can dự trực tiếp của Ankara có nguy cơ kéo Nga vào cuộc xung đột này, trong trường hợp chiến sự leo thang ra ngoài khu vực Nagorno-Karabakh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại