"Ông Putin nói Nga chi nghìn tỷ cho núi đạn gỉ Liên Xô"
Hôm 14/11, Hãng tin Interfax đưa tin Tổng thống Vladimir Putin đã đề xuất chính phủ xem xét chương trình xử lý vũ khí và khí tài quân sự.
Ông Putin lưu ý rằng hơn 39 tỷ rúp (10,2 nghìn tỷ đồng) cần được phân bổ từ ngân sách để thực hiện chương trình trong 10 năm và nhấn mạnh số tiền Quân đội Nga phải tạm ứng do chưa có ngân sách trong năm nay là khoảng 3,7 tỷ rúp.
Trước đó thi thoảng truyền thông Nga lại xuất hiện thông tin về việc phân bổ vài tỷ, thậm chí hàng chục tỷ rúp để xử lý vài triệu tấn đạn đã hết hạn sử dụng.
Hiện rất khó để nói chính xác lượng đạn dược mà Nga cần tiêu hủy nhưng khá chắc chắn chúng ta đang nói về hàng triệu tấn - chỉ riêng số đạn của Liên Xô ở các kho vũ khí ở Transnistria là đủ.
Hiện Nga đang tiến hành các hoạt động quân sự cực kỳ căng thẳng và mặc dù không có báo cáo chính thức nào về tình trạng thiếu đạn nhưng vấn đề này vẫn được nêu ra định kỳ trên truyền thông.
Nói tới đạn hết hạn sử dụng, cần lưu ý rằng chúng ta đang nói về các loại đạn pháo, đạn pháo phản lực phóng loạt (MRLS)... câu hỏi đặt ra là tại sao Nga không sử dụng đạn hết hạn?
Mối đe dọa tiềm ẩn
Có nhiều lý do các lực lượng Nga không nên sử dụng đạn hết hạn và chính yếu là việc này có thể dẫn đến những thảm kịch khủng khiếp.
Ví dụ như đạn MLRS được phóng bằng nhiên liệu rắn được sản xuất bằng phương pháp đúc và để đạn loại này hoạt động tốt, diện tích cháy đồng đều của nhiên liệu phải được đảm bảo.
Trong quá trình bảo quản, các mảnh vụn và vết nứt có thể hình thành trong nhiên liệu đẩy rắn làm tăng mạnh diện tích đốt tăng mạnh và kết quả là áp suất cũng tăng mạnh có thể khiến thân đạn bị vỡ. Điều này có thể gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho chính MRLS.
Điều tương tự cũng xảy ra với đạn pháo và đạn cối - việc đạn nổ trong nòng pháo cối nhẹ thì gây thương tích còn nặng là tử vong cho các pháo thủ.
Việc thay thế nhiên liệu hoặc chất nổ có thể giúp tăng thời gian sử dụng của đạn, nhưng bằng cách này, chỉ một phần nhỏ đạn hết hạn có thể được "tái sử dụng" và trong một khoảng thời gian giới hạn.
Tuy nhiên, đạn hết hạn không vô dụng và chúng có thể được ứng dụng mang lại ích lợi đồng thời không mất tiền để xử lý. Và dưới đây là một số trong chúng.
Thiết bị nổ tự chế (IED)
Từ thực tế ở Ukraine, chúng ta có thể thấy các bãi mìn là một trong nhiều thứ đã cản trở tối đa khả năng cơ động của cơ giới, bộ binh và gây ảnh hưởng to lớn cho các nỗ lực vượt qua các tuyến phòng thủ.
Bên cạnh các loại mìn 'tiêu chuẩn', chúng ta cũng có thể thấy lực lượng du kích khắp nơi trên thế giới sử dụng bom đạn chưa nổ để chế tạo IED.
IED thường được chôn dưới đất và khi phát nổ có khả năng vô hiệu hóa mọi loại trang bị hiện đại bao gồm cả xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT).
Hiện không có gì ngăn cản Nga tái sử dụng đạn hết hạn như vậy - ngay cả khi vẫn còn đủ mìn chống tăng tiêu chuẩn và các loại vũ khí tương tự, việc bổ sung cho các đơn vị tuyến đầu vài trái đạn pháo 152 mm hết hạn sẽ đảm bảo tăng khả năng tiêu diệt cơ giới đối phương.
Mìn chống tăng mạnh nhất TM-62M có khối lượng chỉ 10 kg, trong đó 8 kg là chất nổ. Bằng cách 'đính kèm' nó 1 hoặc 2 đạn pháo 122 hoặc 152 mm đã hết hạn sử dụng, chúng ta sẽ tăng đáng kể năng lực của chính nó.
Một cách tốt hơn là đẩy thuốc nổ vào một loại ma trận polymer nào đó (chế tạo IED vỏ polymer) điều này sẽ giúp thuận tiện và an toàn hơn khi vận chuyển.
Như đã đề cập ở trên, có hàng triệu tấn đạn hết hạn ở Transnistria và khu vực này có nguy cơ phải đối đầu với các cuộc tấn công từ cả hai hướng. Việc lắp đặt các IED cỡ lớn lên tới vài trăm tấn có thể làm dịu đi những "cái đầu nóng".
Đầu đạn cho UAV/Drone/UGV
Hiện nay, UAV (Máy bay không người lái) cảm tử và FPV Drone (Máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất) mang chất nổ đã trở thành một trong những loại vũ khí quan trọng nhất trên chiến trường Ukraine.
Nhiều FPV Drone tới tay người điều khiển không đi kèm đầu đạn và việc sản xuất chúng thường được làm thủ công từ các loại đạn bộ binh có sẵn như đạn súng phóng lựu chống tăng RPG-7 (B-41) hay đạn cối 82 mm.
Đạn PG-7V có giá khoảng 12.000 rúp (3,1 triệu đồng), đạn cối có giá khoảng 24.000 rúp, tức là một đầu đạn có thể chiếm 20-25% giá thành của một FPV Drone.
Xem xét rằng hàng chục nghìn cuộc tấn công bằng UAV/Drone đã được Nga tiến hành, chúng ta có thể thấy đây là một số tiền khổng lồ.
Ước tính đầu đạn của UAV cảm tử Geran-2 (được cho là biến thể Nga của Shahed-136 Iran) nặng 50 kg, đạn pháo 152 mm nhẹ hơn một chút - khoảng 44 kg. Việc sử dụng đạn pháo hết hạn làm đầu đạn cho Geran-2 rất khả thi.
Liệu đạn hết hạn có ảnh hưởng gì không? Khi đạn pháo rời nòng hay đạn MRLS khởi động động cơ, chúng chịu áp lực rất cao gây nguy cơ nổ nếu chúng đã hết hạn sử dụng.
Tuy nhiên khi được đưa lên UAV cảm tử hoặc FPV Drone, chúng sẽ không còn chịu áp lực cao đến mức có thể dẫn đến phát nổ.
Đạn hết hạn cũng có thể được sử dụng trong trên các UGV (Phương tiện không người lái mặt đất), hãy tưởng tượng về hàng trăm kg đầu đạn nổ mạnh - phân mảnh được đưa tới các công sự kiên cố của đối phương và kích nổ...
Kết luận
Hiện tôi (Andrey Mitrofanov) mới chỉ xem xét một số ứng dụng tiềm năng nhất của đạn hết hạn và có lẽ ở hiện tại, giải pháp hứa hẹn nhất là sử dụng đạn hết hạn tạo thành các bãi mìn và tái sử dụng chúng như đầu đạn cho UAV/Drone/UGV.
Người ta thường cho rằng chỉ đạn 'thông minh' mới đắt đỏ, nhưng việc sản xuất đạn pháo và bom cũng rất tốn kém và xét đến số lượng đạn cần thiết để đánh bại đối phương, mọi thứ trở nên không vui nếu nhìn từ góc độ kinh tế.
Và trên hết là chi phí cao và rủi ro khi tiêu hủy đạn hết hạn.
Bằng cách tận dụng chúng, có thể 'xử lý' hàng trăm nghìn đơn vị với chi phí tối thiểu và có lẽ với điều kiện cường độ hiện tại, sẽ là hàng triệu mỗi năm.
Đồng thời, số tiền tiết kiệm không chỉ từ chi phí xử lý đạn hết hạn mà còn là đạn mới cho mục đích sử dụng tương tự.
Tôi cũng có thể rút ra một kết luận nữa - đối phương cũng có thể đang và đã tận dụng đạn hết hạn.
Chúng ta thường chế giễu những trường hợp phía Ukraine làm nổ nòng pháo cối, nhưng chúng ta có thể giả định rằng chỉ với một nòng pháo cối bị vỡ, họ có thể đã bắn hàng nghìn đạn hết hạn.