Ông Putin thăm Việt Nam: Truyền thông Nga đồng loạt đưa tin, khen ngợi "điểm đến đặc biệt" của Tổng thống

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Truyền thông Nga đánh giá, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin góp phần phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt Nam.

Ngày 19/6/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đến Hà Nội trong chuyến thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là chuyến thăm thứ 5 của Tổng thống Putin tới Hà Nội. Nhà lãnh đạo Nga đã đến thăm Hà Nội vào các năm 2001, 2006, 2013 và 2017.

Nhân dịp này, các chính khách, các phương tiện thông tin đại chúng Nga đã đồng loạt dành nhiều bài viết về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Liên bang Nga và Việt Nam.

Trợ lý của Tổng thống Putin, Yury Ushakov

Tại một cuộc họp báo, ông Ushakov đã nói với các phóng viên, ngày 20/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp và làm việc với các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam gồm Tổng Bí thư Ban chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Trong chuyến thăm này, hai bên dự kiến ký kết 20 văn kiện hợp tác chung.

Ông cho biết, trong đàm phán, Nga và Việt Nam sẽ thảo luận toàn bộ phạm vi hợp tác song phương. Cùng đi với Tổng thống Liên bang Nga, một phái đoàn lớn sẽ tới Hà Nội gồm các thành viên chính phủ, người đứng đầu các cơ quan liên bang và thống đốc các tỉnh. Đại diện Điện Kremlin cho biết: “Vào cuối năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn 8%, đạt 5 tỷ USD. Quý 1 năm 2024 cũng tăng mạnh."

VTB, VAZ, Gazprom, Rosatom, Zarubezhneft, Novatek và các công ty khác đang thực hiện các dự án tại Việt Nam. Moscow và Hà Nội cũng có các dự án chung, bao gồm Trung tâm Nhiệt đới được thành lập năm 1987 là nơi nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học, y học, sinh thái, kiểm soát nhiễm trùng, kéo dài tuổi thọ ở vùng khí hậu nhiệt đới .v..v.

putin-vietnam-6-17186336472691852158686.webp

Tổng thống Putin và Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nga tại Hà Nội năm 2001 - Ảnh: TTXVN

Kết thúc chuyến thăm, một tuyên bố chung sẽ được thông qua nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, một số văn bản sẽ được ký kết, bao gồm cả thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Việt Nam và Nga (trước đó với Liên Xô) có truyền thống hợp tác lâu đời trong lĩnh vực này. Theo Yury Ushakov, tổng cộng có khoảng 75 nghìn chuyên gia Việt Nam đã được đào tạo ở Nga, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không phải ngẫu nhiên mà chương trình chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Vladimir Putin lại có cuộc gặp gỡ các sinh viên tốt nghiệp các trường đại học Nga và Liên Xô.

Ngoài ra, theo truyền thống các chuyến thăm cấp này, Tổng thống Putin sẽ đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và là Chủ tịch nước đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đại sứ Nga tại Hà Nội Gennady Bezdetko nói Moscow kỳ vọng chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Putin “sẽ tạo thêm động lực đáng kể cho sự phát triển hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực và sẽ góp phần tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt và tình hữu nghị đoàn kết giữa nhân dân hai nước.”

Các cuộc đàm phán sẽ đề cập đến việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam cũng như các vấn đề hiện nay trong chương trình nghị sự quốc tế. Dự kiến, sau cuộc đối thoại, một tuyên bố chung sẽ được thông qua và một số văn kiện sẽ được ký kết.

Cuối tháng 5 vừa qua, Tuần lễ Việt Nam đã được tổ chức tại St. Petersburg như một phần của việc chuẩn bị cho chuyến thăm Hà Nội của ông Putin. Chủ tịch Liên hiệp các Hội hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn trao tặng Thống đốc Alexander Beglov Huân chương kỷ niệm “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”.

Một năm trước, trên quảng trường nằm ở ngã tư đường Hồ Chí Minh và đại lộ Prosveshcheniya, một bức tượng Hồ Chí Minh đã được khánh thành, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Người đến Petrograd (30/6/1923-2023). Chính quyền thành phố dự kiến sẽ đặt tên quảng trường ở đây là quảng trường Hồ Chí Minh.

Báo Độc Lập (Nezasimaia Gazeta) số ra ngày 16/6/2024

Báo Độc Lập (Nezasimaia Gazeta), một tờ báo uy tín chuyên phân tích các vấn đề chính trị và thời sự của Nga, số ra ngày 16/6/2024 đăng bài viết với tựa đề "Việt Nam - Điểm đến đặc biệt của Tổng thống Putin" của nhà phân tích tin tức quốc tế Grigory Trofimchuk.

Grigory Trofimchuk viết, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ khác biệt nhiều so với các chuyến thăm trước đây. Việt Nam chiếm vị trí quan trọng trong chính sách hướng Đông của Nga. Trong điều kiện hiện nay, điều này có tầm quan trọng đặc biệt cả về mặt chính trị và kinh tế.

Trong số các đối tác thân cận của Nga, Việt Nam chiếm một vị trí nổi bật. Quan hệ hai nước đã được thử thách qua thời gian.

Lần gần đây nhất Tổng thống Nga thăm Việt Nam là vào năm 2017 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Trong thời gian diễn ra hội nghị, chính Việt Nam đã sắp xếp cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sau một thời gian quan hệ Nga - Mỹ nguội lạnh. Họ gặp nhau ở miền trung Việt Nam, trung tâm của châu Á, nơi thậm chí khi đó đã trở thành điểm phát triển chính của nền kinh tế thế giới. Bản thân cuộc gặp này đã mang tính biểu tượng.

apec-2017-doan-lanh-dao-cap-cao-nga-tham-du-tuan-le-cap-cao-apec-2017(1).jpg

Tổng thống Vladimir Putin đến Đà Nẵng dự Hội nghị cấp cao APEC năm 2007

Trong khuôn khổ cuộc gặp sắp tới, tính biểu tượng của các năm tháng lịch sử mang tính truyền thống trong bối cảnh Nga - Việt cũng rất quan trọng. Chuyến thăm sẽ diễn ra nhân kỷ niệm 30 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Liên bang Nga và Việt Nam, có tầm quan trọng to lớn đối với cả hai nước. Với Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay, Việt Nam luôn tuân thủ các nguyên tắc nhất quán về hợp tác và đối tác rộng rãi.

Khu vực thương mại tự do (FTA) của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) mà Việt Nam gia nhập năm 2015, ngày nay có thể trở thành sự bảo đảm đáng tin cậy cho nguyên tắc hợp tác tự do giữa các quốc gia đang được thử thách nghiêm túc trên thế giới hiện nay.

Với tư cách là đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam chiếm một vị trí quan trọng trong chính sách hướng Đông của Nga. Tuy nhiên, địa vị cao này phải được bổ sung bằng thực tiễn: mức độ thương mại song phương mới cao hơn. Ngược lại, sự phối hợp hành động chặt chẽ hơn giữa Liên bang Nga và Việt Nam sẽ giúp đảm bảo an ninh tại khu vực kinh tế quốc tế quan trọng nhất Đông Nam Á và sự phát triển ổn định của khu vực.

Dù bỏ lỡ một số cơ hội nhưng quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Năng lượng vẫn là lĩnh vực hợp tác kinh tế trọng điểm giữa các nước. Việc Nga tiếp tục hợp tác trong các hoạt động thăm dò, phát triển dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam là vô cùng quan trọng và phù hợp với lợi ích của hai nước.

Hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng giữa Liên bang Nga và Việt Nam hiện nay có tầm quan trọng to lớn. Giao lưu văn hóa, giáo dục cũng được mở rộng, tương tác liên khu vực ngày càng trở nên sôi động nhờ cộng đồng người Việt ở Nga.

Để chuẩn bị cho một ngày quan trọng khác là kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1950-2025), chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Putin sẽ giúp tăng thêm động lực để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

putin-vietnam-2-17186336472621634118272.webp

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Tổng thống Putin tại Hà Nội tháng 11/2013 - Ảnh: TTXVN

Báo Tin tức (Izvestia) số ra ngày 18/6/2024

Dưới tiêu đề “Triển vọng với Việt Nam là gì?”, tờ Izvestia viết: Việt Nam có chính sách quốc tế khá cân bằng. Trong những năm 1970 và 1980, Liên Xô là đối tác thương mại chính của Việt Nam. Hiện nay tình hình đã thay đổi và các nước lớn như Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng thực sự quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Vào cuối năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Liên bang Nga và Việt Nam lên tới khoảng 5 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam tăng 8% năm 2023 và tiếp tục tăng. Điều này thể hiện tiềm năng to lớn của quan hệ Nga - Việt.

photo-1-16989102446861212441965.png

Các bên sẽ bàn phát triển các dự án tại Việt Nam đang được Gazprom, Novatek và Rosatom quan tâm. Từ năm 2016, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU đã được vận hành thành công. Ngoài ra, Việt Nam còn là một trong những thành viên hàng đầu của ASEAN mà Nga đã chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Để tăng kim ngạch thương mại, Việt Nam và Nga phải nới lỏng các điều khoản của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU. Điều này sẽ tăng cường mối quan hệ kinh tế trong tương lai.

Thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng Việt - Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng rất quan trọng. Nga có thể giúp Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm, năng lượng xanh, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và thành phố thông minh, phù hợp với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại